8 món đồ chơi Trung thu khiến thế hệ 8x, 9x điên đảo
Bạn sẽ thấy nhớ về thời thơ ấu ấm áp khi bắt gặp những món đồ chơi này trong dịp Trung thu.
Đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, đầu lân sư tử…. là những món đồ chơi Trung thu khiến giới 8x, 9x nhìn lại đều không khỏi rưng rưng nhớ về một tuổi thơ bé nhiều kỷ niệm.
Đèn ông sao
Đèn ông sao, hình ảnh đặc trưng không thể thiếu của ngày Tết Trung Thu.
Đèn ông sao là chiếc đèn trung thu quen thuộc với tất cả các thế hệ người Việt mỗi dịp Tết Thiếu nhi về. Dù một số đồ chơi trung thu truyền thống dần mai một nhưng đèn ông sao vẫn hiện hữu và là món quà ý nghĩa dành cho trẻ thơ trong dịp trung thu.
Đèn ông sao có hình ngôi sao 5 cánh, tâm sao gắn một cây nến để thắp sáng là một trong những loại đèn rất được trẻ nhỏ yêu thích dịp Tết Trung thu.
Đèn kéo quân
Đèn kéo quân, loại đồ chơi làm say mê biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam
Ngoài đèn ông sao, đèn kéo quân cũng là món đồ chơi truyền thống quen thuộc ở Việt Nam mỗi dịp trung thu về. Khi nhắc đến đèn kéo quân, người ta thường tưởng tượng đến loại đèn độc đáo làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre, loại đèn tưởng chừng như vô tri nhưng lại rất sống động khi biết “kể chuyện”.
Những câu chuyện lịch sử đã được kể lại cho biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam chỉ thông qua cây đèn kéo quân độc đáo như: Tây Du Ký, tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu…
Đèn cù
Một chiếc đèn cù có giá từ 30-40.000 VNĐ.
Đèn cù hay còn gọi là đèn ông sư - món đồ chơi Trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của rất nhiều thế hệ người Việt Nam. Mỗi dịp đến tết Trung thu là đám trẻ con trong xóm rủ nhau kéo những chiếc đèn cù sáng lấp lánh ánh nến chạy vòng quanh đường làng, sân đình và cười đùa ríu rít.
Để làm được một chiếc đèn cù mất khá nhiều công đoạn, từ chẻ nứa, vót nan đến làm bánh xe, dán giấy màu… Cái tên của chiếc đèn ông sư hay đèn cù xuất phát từ hình dáng của nó, chiếc chao đèn có hình giống mũ hòa thượng và khi kéo đi đèn sẽ quay như cái cù.
Đầu lân sư tử
Đầu lân sư ngày nay còn được gắn cả đèn nhấp nháy.
Đầu lân sư tử là một món đồ chơi Trung thu truyền thống và lâu đời nhất của Việt Nam mà đến giờ vẫn được trẻ em yêu thích, Những chiếc đầu lân làm bằng song và tre, bên ngoài bồi bằng giấy và vẽ thêm màu sắc. Cứ mỗi dịp Trung thu về là nhiều tuyến phố ở Hà Nội lại rộn ràng tiếng trống và màn múa lân, sư tử.
Từ các anh lớn tới em nhỏ, cả đoàn trẻ em lại đi khắp phố phường để đánh trống, múa lân sư với quan niệm sẽ đem lại nhiều may mắn và hạnh phúc.
Tuy nhiên để bắt kịp với xu hướng thời đại, ngày nay nhiều đầu lân sư tử còn được gắn thêm cả đèn nhấp nháy vào mắt để bắt mắt hơn.
Mặt nạ giấy bồi
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích thú chơi mặt nạ giấy bồi.
Vài năm trở lại đây, nhiều loại đồ chơi hiện đại, bắt mắt của Trung Quốc gia nhập về Việt Nam khiến trẻ em rất thích thú. Thế nhưng mặt nạ giấy bồi vẫn âm thầm tồn tại và dần xuất hiện trở lại với hình ảnh các nhân vật dân gian Việt Nam quen thuộc như: ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở...
Giới trẻ dạo chơi phố cổ nhiều người tỏ ra khá thích thú khi được sở hữu một chiếc mặt nạ giấy bồi.
Trống bỏi
Trống bỏi, món đồ chơi truyền thống với tiếng kêu “tạch, tạch” đặc trưng.
Tiếng “Tạch tạch” đanh gọn vui tai phát ra từ chiếc trống bỏi nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay đã là vật bất ly thân của rất nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam trong dịp tết Trung Thu.
Trống bỏi có nguồn gốc từ làng Báo Đáp (Nam Định) là thứ đồ chơi dân dã, rẻ tiền nhưng vô cùng thân thiện. Chỉ với một chút đất sét, cán gỗ, que sắt, giấy hồng và dây nilon là đã có thể hoàn thiện được một chiếc trống bỏi.
Tò he
Trải qua nhiều năm tồn tại, tò he vẫn là trò chơi hút hồn nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam
Nghệ thuật nặn tò he ngày nay không chỉ giới hạn ở những nhân vật truyền thống mà còn mở rộng ra những nhân vật hoạt hình mới.
Tò he không chỉ là đồ chơi mà nó còn là một nét văn hóa vô cùng đặc sắc. Chỉ với những cục bột màu các loại, dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, trong phút chốc những con giống đáng yêu, ngộ nghĩnh như lợn, gà, chim... hay những nhân vật gắn liền với tuổi thơ các em nhỏ như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... đã xuất hiện.
Những món đồ chơi ấy tuy nhỏ bé nhưng đã trở thành kí ức đẹp trong tâm hồn của biết bao thế hệ trẻ thơ. Và tò he luôn là món đồ chơi yêu thích của những đứa trẻ, dù ở thành thị hay nông thôn.
Kiếm nhựa
Kiếm nhựa không hề được sản xuất ở Trung Quốc như nhiều người vẫn nghĩ
Những chiếc kiếm nhựa khiến nhiều bạn trẻ nhớ lại một thời tuổi thơ sôi nổi hay có phần.. dữ dội
Ngày nay nhiều em nhỏ không có khái niệm gì về món đồ chơi này trong mỗi dịp Trung thu hay ngày Tết thiếu nhi. Còn đối với nhiều người lớn, những người thuộc giới 8x, 9x thì món đồ chơi này lại nhắc về một thời tuổi thơ sôi nổi hay có phần… dữ dội.
Có lẽ khá nhiều người bất ngờ khi cây kiếm nhựa không hề được sản xuất từ Trung Quốc mà được làm ngay ở một ngôi làng ven Thủ đô Hà Nội.
Dù không phải đồ chơi Trung thu truyền thống nhưng kiếm nhựa vẫn là món đồ chơi được nhiều trẻ em ưa thích trong mỗi lần chơi đánh trận giả.