Tử tù bạc tóc vì ký ức tội lỗi
Mới ngoài đôi mươi nhưng kể từ ngày vào biệt giam, Hiếu bạc trắng nửa đầu vì nghĩ. Ký ức cầm dao làm chết cháu bé 21 tháng tuổi ngày nào cũng trở về dày vò lương tâm hắn.
Vụ án của 3 năm trước
Kẻ bạc gần hết mái tóc tuổi xanh vì bị lương tâm cắn dứt ấy là Phạm Văn Hiếu, SN 1988, quê ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục (Hà Nam). Hiếu bị kết án tử hình về tội gây ra vụ cướp tiệm vàng, bắt cóc con tin ở Bắc Giang, làm bé gái 21 tháng tuổi thiệt mạng.
Ba năm trước, chiều ngày 19-8-2009, tại tiệm vàng Phúc Lộc ở thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra một vụ bắt cóc con tin, cướp tiệm vàng mà tác giả của vụ cướp ấy chính là Hiếu. Từ quê nhà đón xe lên Hà Nội thăm bạn, Hiếu lên Việt Yên, Bắc Giang, chọn tiệm vàng trên để bán chiếc dây chuyền bạc. Thấy cửa hiệu vắng vẻ, anh ta liền nảy sinh ý định cướp nên lảng vảng quanh khu vực để nghe ngóng.
Khoảng 16 giờ chiều, quay lại tiệm vàng Phúc Lộc lấy cớ chuộc lại sợi dây chuyền đã bán trước đó, Hiếu bất ngờ ôm cháu Hoàng Thị Vy, 21 tháng tuổi, con gái chủ hiệu vàng vừa đi chơi ở bên hàng xóm về, bắt mẹ cháu là chị Nhung phải đưa tiền, vàng. Nhìn thấy con dao gí ở cổ con gái, chị Nhung chạy ra ngoài hô hoán. Khi mọi người cùng anh Phúc, bố cháu Vy nghe tiếng kêu cứu chạy tới, đã phải dừng lại khi nhìn thấy con dao kề sát vào cổ đứa trẻ lúc này tiếng khóc khản đặc vì sợ hãi. Trước cảnh tính mạng con gái bị đe dọa, anh Phúc xin được thế chỗ con tin nhưng tên cướp không đồng ý. Hắn bắt vợ chồng chủ tiệm vàng vơ hết tài sản trong quầy bỏ vào ba lô hắn đang đeo trên người rồi yêu cầu gọi cho hắn một chiếc taxi để tẩu thoát.
Tuy nhiên, khi một chiếc taxi được điều đến thì tên cướp lại đổi ý, đòi anh Phúc phải chở hắn đi bằng xe máy. Theo yêu cầu của Hiếu, anh Phúc đã phải dùng băng dính đen loại to bản buộc tay, chân vào tay cầm và chỗ để chân của xe máy, vậy nhưng tên cướp vẫn dùng dằng chưa chịu đi.
Lúc này lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang nhận được tin báo đã có mặt, vận động, thuyết phúc tên cướp thả cháu bé nhưng Hiếu dứt khoát không chịu. Sau 3 tiếng đồng hồ ôm cháu bé, giữa vòng vây của hàng trăm cảnh sát và người dân, dường như tên cướp không còn sức chịu đựng nên đã ra tay sát hại cháu bé. Hắn vung dao cứa ba nhát vào cổ mình định tự sát nhưng không trốn tránh được tội lỗi. Sau một thời gian điều trị vết thương tại bệnh viện Bắc Giang, Hiếu được cứu sống và giờ đây đang sống trong phòng biệt giam tại trại giam Công an tỉnh Bắc Giang, chờ ngày trả giá cho việc làm tội lỗi của mình. Tâm sự với chúng tôi, Hiếu bảo nghĩ tới cái chết cũng sợ lắm nhưng giá như được chết sớm có lẽ còn đỡ khổ hơn phải sống những ngày thấp thỏm lo lắng với sự cắn dứt của lương tâm.
Nhiều đêm trắng vì ký ức tội lỗi
Ba năm trôi qua kể từ khi gây ra tội ác, mái tóc xanh mướt tuổi đôi mươi ngày nào của Hiếu đã lốm đốm bạc. Hiếu bảo đã chuẩn bị tư tưởng cho ngày ra đi nhưng vẫn vớt vát sự sống nên đã viết đơn gửi Chủ tịch nước xin được ân xá. “Cuộc đời em đã làm được gì đâu chị, dẫu biết tội ác của mình khó dung thứ nhưng ai mà không tiếc nuối cuộc sống chứ”, Hiếu gượng cười, ánh mắt heo hắt.
Là con út trong một gia đình có 3 anh chị em, Hiếu được cha mẹ đặt nhiều hy vọng về sự trưởng thành, báo đáp từ những đứa con khi tuổi xế bóng, ai ngờ kẻ có tên hiếu nghĩa ấy lại là kẻ bất hiếu, đem lại bao cay đắng cho gia đình, dòng họ. Hiếu bảo chẳng oán trách ai, cho dù ngày bị đưa ra xét xử, không một ai trong gia đình lên với hắn. Hắn biết bố mẹ còn giận hắn lắm, các anh chị cũng thất vọng về đứa em ngỗ ngược nên khi bị đưa ra xét xử, hắn đã khóc rất nhiều khi không thấy bóng người thân. Rồi khi bị tuyên án tử hình, Hiếu rơi vào hoảng loạn, không phân biệt được ngày đêm, lúc nào cũng mơ thấy đứa bé bị làm hại. Hiếu bảo thời gian đầu rất sợ ban đêm, không phải đó là thời điểm thích hợp để các tử tù thường bị đưa đi trả án mà sợ đêm tối bởi đấy là khoảng thời gian yên tĩnh nhất trong trại. Màn đêm và sự yên tĩnh hay nhắc người ta nhớ về những lầm lỗi và với Hiếu, những khi ấy, hình ảnh cháu bé với tiếng khóc khản đặc, nét mặt đầy sợ hãi lại hiện về, nguyên vẹn như mới ngày nào khiến hắn không sao chợp được mắt. Lương tâm cắn dứt, Hiếu muốn chạy trốn ký ức, muốn tìm một nguyên cớ nào đó để khỏa lấp nhưng càng nghĩ, hắn lại càng nhớ tới cái ngày khủng khiếp ấy để rồi dấu ấn của những đêm thức trắng, của nỗi sợ hãi dần xuất hiện trên mái tóc xanh mướt tuổi đôi mươi, khiến cho chúng lốm đốm bạc.
“Được các quản giáo động viên, tư tưởng em không còn hoảng loạn như trước. Giờ bình tâm nghĩ lại, em vẫn thấy tội lỗi của mình không thể tha thứ được. Viết thư gửi Chủ tịch nước chẳng qua là muốn được sống chứ em cũng chưa nghĩ sẽ phải thế nào nếu được sống tiếp. Đời em coi như bỏ đi rồi, có sống nữa thì cũng chẳng bao giờ hết dằn vặt, day dứt”, Hiếu bộc bạch có vẻ rất thật lòng.
Những ngày trong phòng biệt giam, để xua đi những ám ảnh tội lỗi, Hiếu mượn sách báo về đọc rồi vẩn vơ nghĩ. Hiếu bảo thấy hổ thẹn mỗi khi đọc bài báo về một tấm gương nghèo vượt khó; có khi lại chảy nước mắt vì thương… Chưa bao giờ hơn lúc này Hiếu thấy thương bố mẹ, muốn làm một việc nào đó có nghĩa duy nhất cho gia đình mà không thể được. Rồi Hiếu khóc, nước mắt đàn ông bao giờ trông cũng tội. Gần ba năm trời sống trong biệt giam, người thanh niên chỉ vì túng thiếu nhất thời đã ra tay làm hại một đứa trẻ đang sám hối về những lầm lỗi của mình. Dẫu không biết có được tha tội chết hay không thì việc chưa một ngày thôi cật vấn lương tâm, với Hiếu cũng là một hình phạt thích đáng rồi.