Tự sự của người cha tù tội, có con trầm cảm

"Khi tôi bị bắt, cháu còn nhỏ nên chưa có ý thức về việc bố phải đi tù. Nhưng tôi thì hoàn toàn hiểu nhưng khó khăn của một đứa trẻ có bố tù tội phải trải qua giống như những gì con tôi phải đối mặt, phải chịu đựng trong suốt những năm vừa qua."

Nguyễn Văn Ánh là một phạm nhân điềm đạm, lịch thiệp và nói chuyện hấp dẫn nhất mà tôi đã từng tiếp xúc trong nhiều năm công tác của mình. Ở Ánh toát lên sự tự tin, lôi cuốn người đối diện. Nguyễn Văn Ánh nhận án từ 13 năm cho tội danh buôn bán ma tuý và cải tạo tại trại gian Thanh Phong từ năm 2006. Từ quãng thời gian đó tới nay, Ánh đã 2 lần được giảm án do cải tạo tốt. Ánh nói với tôi rằng, từ tận đáy lòng, Ánh ân hận vì những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho gia đình và vợ con. Không chỉ quyết tâm bằng lời nói mà còn bằng cả hành động, từ khi đi cải tạo, Ánh từ bỏ thuốc lào, thuốc lá - điều mà rất ít phạm nhân có thể làm được, theo như lời của Ánh.

Tôi nợ người thân của mình nhiều quá

Tôi tên là Nguyễn Văn Ánh, sinh năm 1975 tại Bỉm Sơn - Thanh Hóa. Cha tôi là người Nam Định còn mẹ tôi là người của quê lúa Thái Bình. Thời còn thanh niên, cha mẹ tôi đi làm công nhân ở Bỉm Sơn, tình yêu của họ đơm hoa kết trái trên mảnh đất này và sinh ra tôi đúng vào năm miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Ngoài tôi ra, bố mẹ còn có thêm hai cô em gái nữa. Gia đình chúng tôi sống cùng nhau vô cùng hạnh phúc và đầm ấm.

Khi anh em chúng tôi bước vào tuổi ăn, tuổi lớn, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Khi đó, cha tôi phải đi lái máy ủi cho nhà máy nên thời gian quan tâm chăm sóc tôi không còn được nhiều như trước. Mẹ tôi cũng đi làm công nhân để kiếm thêm thu nhập. Thiếu sự quản lý sát sao của cha mẹ, tôi dần xao nhãng việc học hành. Kết quả học tập ngày càng sa sút, học hết năm lớp 9, tôi nghỉ học vì không thể theo được. Khi biết điều đó, mẹ tôi rất buồn.

Lúc đó tôi rất bướng bỉnh và thường xuyên bị mẹ cho ăn đòn. Khi lớn hơn một chút, tôi đã bắt đầu biết phản ứng lại, thậm chí có lần còn bỏ nhà ra đi sau khi bị mẹ đánh. Tôi còn nhớ rất rõ khi tôi về nhà với hình xăm hai chữ "phận nghèo" trên bắp tay, mẹ tôi đã khóc vì bà cảm thấy bất lực với đứa con bất trị. Với một đứa trẻ mới lớn như tôi, tôi không hiểu được nỗi buồn của mẹ khi đó là ghê gớm tới mức nào. Bố tôi thì bình tĩnh hơn trước hình xăm trên cánh tay của cậu con trai ngỗ ngược, ông bàn với mẹ tìm cho tôi một nghề để học, phục vụ cho việc sinh nhai sau này. Bởi ông biết, có ép tôi cũng không thể tiếp tục học lên được nữa.

Những lần về quê cha mẹ ở Hà Nam Ninh (cũ), tôi đã có cảm tình với nghề chạm khắc ở làng nghề thủ công nơi cha mẹ tôi sinh ra. Những quãng thời gian ngắn ngủi về thăm ông bà và các cô chú ở quê, tôi rất thích với việc ngắm nghía những người nghệ nhân ngồi đục đẽo, những hoa văn hoạ tiết tinh tế hiện dần lên trên những khối gỗ thô ráp. Khi cha mẹ quyết định cho tôi đi học nghề, tôi đã đề nghị họ cho tôi về quê để học nghề chạm khắc. Vốn là người thông minh, khéo léo, lại thêm sự đàm mê nên tôi học tương đối nhanh. Ngay đến các chú, các bác dạy tôi cũng bất ngờ về sự nhanh trí và khéo léo của tôi. Sau khi đã vững tay nghề, tôi vào miền Nam lập nghiệp với nghề chạm khắc gỗ.

Công việc tỉ mẩn tạo ra những hoa văn trên gỗ khiến cho tính cách của tôi cũng chín chắn hơn chứ không còn bốc đồng như thời mới lớn nữa. Quãng thời gian ở trong Nam, tôi rất chú tâm làm ăn. Mọi thứ đang thuận lợi thì tôi gặp một cô gái đồng hương - người trở thành vợ tôi sau này.

Nhà tôi và nhà cô ấy ở cùng một dãy phố. Cô ấy học cùng phổ thông với em gái tôi nên trước đó, chúng tôi cũng đã từng biết nhau nhưng không có ấn tượng gì đặc biệt. Ngay cả việc tôi làm việc ở miền Nam, cô ấy cũng không hề biết. Chỉ đến khi học hết phổ thông và vào Sài Gòn làm công nhân may, chúng tôi mới gặp nhau. Cùng cảnh đồng hương xa nhà, chúng tôi líu díu nương tựa vào nhau. Như một điều hết sức tự nhiên, tình cảm nảy sinh và lớn dần lúc nào chẳng biết.

Tôi cũng rất khó giải thích rằng tại sao chúng tôi lại yêu nhau nhưng có lẽ, cô ấy thiếu điều tôi có và tôi cũng cần những điều mà mình còn khiếm khuyết ở cô ấy. Trong mắt tôi, cô ấy bao giờ cũng là người phụ nữ xinh đẹp nhất. Tình yêu của chúng tôi thêm gắn bó khi cô ấy mang thai giọt máu của tôi. Tôi đưa cô ấy về quê và xin phép hai gia đình cho chúng tôi thành đôi. Hai gia đình biết nhau từ trước, lại gần cạnh nhau nên đám cưới của chúng tôi được cả hai bên ủng hộ. Năm 1997, cậu con trai đầu lòng của chúng tôi ra đời trong niềm hân hoan của cả hai gia đình.

Sau khi kết hôn, bố vợ tôi lúc này đang làm lái xe cho nhà máy xi măng đề nghị hai vợ chồng tôi chuyển ra Bắc cho gần gia đình. Ông cũng xin cho tôi vào làm việc trong nhà máy xi măng, công việc lái xe giống như ông. Đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời tôi, khi tôi không đủ bản lĩnh để làm chủ chính con người mình.

Tôi thường xuyên phải lái xe tải đường dài, chở xi măng từ Bỉm Sơn về Hà Tây và một số tỉnh phía Bắc. Trên những cung đường ấy, tôi cô đơn. Hãy cứ thử tưởng tượng một mình lái xe trong đêm vắng với hàng trăm nỗi sợ mơ hồ về hàng loạt những tình huống có thể phát sinh, nó khiến cho thần kinh của tôi lúc nào cũng căng như dây đàn. Ban đầu, những người bạn cùng tổ khuyên tôi dùng "hàng hồng" (một loại ma túy tổng hợp - PV) để cho tỉnh táo. Về sau, khi đã dùng được một thời gian, loại thuốc này không còn có tác dụng với tôi nữa nên tôi chuyển sang dùng heroin, cũng theo lời khuyên của những người bạn cùng lái xe.

Số tiền lương ít ỏi từ nghề lái xe không còn đủ để mua heroin nữa khi mà nhu cầu của tôi mỗi ngày một tăng lên. Lúc này, tôi bắt đầu lấy ma túy và bán lại cho bạn bè để có thêm tiền mua thuốc hút. Quả thật, con người ta chỉ tỉnh ngộ khi nhìn lại chứ chẳng mấy ai tự thoát được khỏi vòng u mê khi vẫn đang bị cuốn vào trong đó. Tôi chỉ nhìn thấy được mình từ khi tôi bị bắt về tội buôn bán ma túy cùng với ba người bạn khác khi tôi đi giao heroin cho bạn ở một khách sạn. Cái giá tôi phải trả cho những tháng ngày lầm lỡ của mình là cái án 13 năm tù giam. Và điều lớn hơn là nỗi đau mà những người thân của tôi phải nhận đằng sau án tù của tôi.

Từ ngày vào trại cải tạo, tôi mới nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống, giá trị của tự do. Tôi đi tù, vợ tôi mất đi một nơi nương tựa, cha mẹ tôi phải chịu bao điều tiếng với hàng xóm láng giềng và con trai tôi quá thiệt thòi khi khuyết đi một phần tuổi thơ mà lẽ ra nó đã rất trọn vẹn. Nhưng tôi nhận ra rằng, mình còn cả một quãng đời dài ở phía trước và điều tôi cần làm bây giờ là cải tạo thật tốt để nhận được sự khoan hồng của Nhà nước, sớm về với gia đình, vợ con và bù đắp những gì tôi đã gây ra cho họ.

Vợ tôi ung thư, con tôi trầm cảm vì có cha đi tù

Năm 2006, tôi thành án và đi cải tạo tại Trại giam Thanh Phong. 2 năm sau, vợ tôi đi khám và phát hiện ra cô ấy bị ung thư vú và buộc phải từ bỏ nghề may trước đó. Dù có thể mầm mống của căn bệnh quái ác ấy đã tồn tại trong cơ thể cô ấy từ rất lâu trước đó nhưng tôi luôn tự trách bản thân mình, tôi chính là nguyên nhân khiến cô ấy phải chịu đựng tất cả những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần ấy.

Điều may mắn nhất và cũng là động lực lớn nhất để tôi có thể yên tâm cải tạo đó là hai bên gia đình nội ngoại vô cùng yêu thương và hết lòng quan tâm chăm sóc vợ và con trai của tôi. Từ khi cô ấy bị ung thư vú, phải ra Hà Nội để xạ trị và chạy chữa, ông bà nội ngoại giúp đỡ vợ con tôi rất nhiều. Không chỉ lo chạy chữa thuốc thang mà những người thân cả phía gia đình tôi và gia đình vợ đài thọ cho vợ con tôi cả sinh hoạt phí hàng ngày bởi cô ấy hầu như không còn khả năng lao động nữa.

Có lẽ do ý thức được sự thiệt thòi của bản thân nên dù thiếu sự chăm sóc dạy bảo của cha và me thì ốm đau bệnh tật nên con tôi rất ngoan. Năm nay cháu vừa hết lớp 9 và chuẩn bị thi lên lớp 10, cháu học rất giỏi và nghe lời ông bà, nghe lời mẹ. Cháu có chiều cao giống tôi và có tính cách giống vợ tôi. Nhưng đã 3 năm nay, tôi đã tự ép mình không được phép gặp con bởi tôi biết mình làm tổn thương con nhiều quá.

Khi tôi bị bắt, cháu còn nhỏ nên chưa có ý thức về việc bố phải đi tù. Nhưng tôi thì hoàn toàn hiểu nhưng khó khăn của một đứa trẻ có bố tù tội phải trải qua giống như những gì con tôi phải đối mặt, phải chịu đựng trong suốt những năm vừa qua. Nó còn quá nhỏ mà dư luận xã hội thì khắc nghiệt và đám trẻ cùng trang lứa thì tàn nhẫn một cách vô tâm. Khi còn nhỏ, con tôi thường xuyên theo vợ và gia đình tôi vào đây thăm tôi. Khi đó, cháu cũng buồn vì chỉ được nói chuyện với bố qua một bức tường trong một thời gian ngắn ngủi nhưng khi đó cháu vẫn khá hồn nhiên.

Càng lớn, sự hiểu biết của cháu càng tăng lên, thì suy nghĩ của cháu cũng dần thay đổi. Tôi hiểu diễn biến tâm lý của con trai mình. Khi con trai lên lớp 7, sau một lần lên thăm tôi trở về, cháu bị trầm cảm. Thực ra lần đó gặp con, tôi đã cảm nhận được sự khác biệt ấy. Nó không chủ động nói chuyện với bố như những lần trước mà chỉ cúi đầu im lặng, tôi hỏi gì nói nấy. Sau lần ấy, tôi thống nhất với vợ sẽ không cho con lên thăm nữa vì không muốn cháu bị tổn thương. Tôi không biết mình làm đúng hay làm sai nhưng bản năng của một người cha không cho phép tôi làm điều đó, không cho phép mình làm tổn thương con mặc dù tôi vô cùng thương nhớ nó. Tôi muốn con tôi sẽ nhìn thấy tôi trong một bộ quần áo khác, và hoàn toàn không còn gì ngăn cách giữa hai bố con nữa. Thỉnh thoảng, tôi vẫn gọi điện về thăm con. Con tôi đã lớn, đã hiểu biết nên tôi tin rằng con mình sẽ được vợ tôi, được bố mẹ tôi dạy dỗ thành người dù thiếu vắng tôi.

Tôi thật lòng muốn làm lại cuộc đời

Như một duyên nợ, sau khi vào trại cải tạo, tôi quay trở lại với nghề nghiệp đầu tiên khi tôi bước vào đời: Nghề chạm khắc gỗ. Do cải tạo tốt và cũng có tay nghề khá, tôi được chọn là Đội trưởng tự quản đội mộc của trại. Đội của tôi lúc nào cũng có từ 35 đến 40 thành viên, trong đó có những anh em chưa từng bao giờ biết đến nghe mộc trước đó, nhưng do yêu thích nên cũng đề xuất xin vào đội.

Không những được làm công việc mà mình yêu thích từ lâu, tôi còn được làm "thầy giáo" dạy lại nghề chạm khắc cho những anh em mới vào nghề, yêu thích và có mong muốn được học. Công việc này cũng khiến tôi phân tán bớt những ý nghĩ tiêu cực khi nghĩ về cuộc đời tù tội của mình. Ban đầu khi mới vào trại, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, thậm chí có những khoảng thời gian suy sụp nhưng dần dần tôi nhận ra rằng, việc của tôi là cải tạo cho thật tốt chứ không phải là nghĩ ngợi linh tinh bởi gia đình và vợ con tôi đang chờ đợi tôi trở về.

Tôi cảm thấy tôi rất có duyên với công việc chạm khắc và tôi cũng yêu thích công việc ấy. Trước kia, vì nhiều lý do mà tôi phải bỏ nghề mộc và đó cũng là lý do khiến tôi không thoát khỏi vòng xoáy ma túy. Nhưng hiện giờ, tôi đã có cơ hội để làm lại công việc ấy. Tôi coi quãng thời gian này là quãng thời gian tôi rèn lại tay nghề chạm khắc của mình, sau khi trở về gia đình tôi sẽ làm nghề này để kiếm sống, nuôi vợ con. Trước kia tôi nghĩ rằng có nhiều tiền thì nhất định sẽ hạnh phúc nhưng bây giờ ý nghĩ đó không còn nữa. Làm giàu bằng con đường bất chính thì sớm muộn gì cũng phải trả giá giống như tôi bây giờ. Sau này, có thể sống đạm bạc thôi nhưng miễn là được gần gia đình, được chăm sóc cho vợ con là tôi đã thấy mãn nguyện rồi.

Trước kia vợ tôi là một cô gái xinh đẹp trong khu phố, lại vô cùng hiền lành và tốt tính. Bạn bè và người thân ai cũng mừng cho tôi khi tôi cưới được cô ấy. Từ khi bị ung thư vú, nhan sắc của cô ấy đã bị hủy hoại đi rất nhiều: Tóc cô ấy bị rụng gần hết, phải cắt bỏ ngực, cơ thể không còn được như lúc khỏe mạnh nữa. Tôi thương cô ấy lắm nên tôi sẽ cố gắng để bù đắp lại cho cô ấy những tháng năm thiệt thòi mà cô ấy phải chịu đựng ngay sau khi ra trại.

Tôi biết rằng việc dứt bỏ hoàn toàn ma túy là một điều vô cùng khó khăn với những người từng nghiện heroin như tôi. Ngay cả nhiều người xung quanh cũng nghi ngờ khả năng ấy nhưng tôi thì tin mình sẽ làm được. Từ khi vào trại, đến thuốc lá hay thuốc lào tôi cũng không động vào dù có những lúc rất thèm. Đến bây giờ thì tôi đã hoàn toàn cai được thuốc lá và thuốc lào, đấy không phải là điều mà ai cũng làm được bởi người tù thường có rất nhiều tâm sự và có những lúc nghĩ ngợi về thân phận của mình.

Một điều nữa khiến tôi tự tin là bởi tôi có một gia đình quá tốt phía sau ủng hộ tôi, một người vợ yêu thương tôi và cậu con trai ngoan ngoãn, người mà tôi cảm thấy có lỗi nhiều nhất. Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt của con khi nhìn thấy tôi trong bộ quần áo tù và tôi không muốn con tôi phải thất vọng về tôi thêm một lần nữa. Tôi chỉ mong rằng, sau này con tôi sẽ đón nhận tôi, nó sẽ không khước từ người bố lầm lạc như tôi.

Tôi năm nay vẫn còn rất trẻ, vẫn còn rất nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời và tôi sẽ không tự đánh mất cơ hội của mình thêm một lần nữa. Từ năm 2006 đến nay, tôi đã được giảm án hai lần nhờ vào những thành tích tốt của mình. Hiện nay, tôi chỉ còn 4 năm thôi là được trở về với gia đình với vợ con rồi. Tôi hy vọng năm nay tôi sẽ được giảm án thêm lần nữa. Tôi đã phải trả giá quá lớn cho quãng đời lầm lỡ của mình rồi, tôi tin mình đủ tỉnh táo để không "ngựa quen đường cũ" mà đánh mất những thứ quý giá mà tôi đang có, những thứ mà phải vào đây rồi, tôi mới thấy hết được giá trị của nó.

Ghi lại theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Văn Ánh
Trại giam Thanh Phong

Mong ước từ một người từng gặp gỡ nhiều mành đời lầm lỡ

Nếu không khoác trên mình bộ quần áo tù nhân, tôi dám khẳng định rằng Nguyễn Văn Ánh sẽ là một người đàn ông hấp dẫn với nhiều người phụ nữ, một phần bởi vẻ bề ngoài rất đàn ông của mình, phần lớn hơn có lẽ bởi khả năng ăn nói vô cùng cuốn hút người nghe của anh. Tôi tin vào sự hướng thiện của con người bởi khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, người ta thường muốn làm lại cuộc đời, muốn được thoát khỏi hoàn cảnh của mình hiện tại. Với Nguyễn Văn Ánh cũng vậy, tôi tin anh sẽ cải tạo tốt để trở về là con người với đủ ái hỉ nộ, chẳng có ai là không mong muốn hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Một người như Ánh, sẽ có không ít khó khăn và cám dỗ sau khi bước ra khỏi cánh cửa trại giam, trở về với cuộc đời đầy sóng gió bên ngoài.

Dù vậy, tôi luôn mong rằng, sự lo lắng của mình sẽ là thừa thãi. Tôi chúc Ánh một lời chúc chân thành, rằng Ánh sẽ đứng lên làm lại cuộc đời mình, bỏ lại sau lưng tất cả những lầm lỡ của một thời nông nổi để xứng đáng với tất cả những sự hy sinh và kỳ vọng mà gia đình, xã hội đã dành cho anh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đang yêu
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN