Nhờ giang hồ đòi nợ: Rước họa vào thân!

Theo báo cáo của Công an thành phố, 6 tháng đầu năm 2012, các lực lượng điều tra khám phá 263 vụ phạm pháp hình sự, bắt 324 đối tượng, đạt tỷ lệ hơn 82%. Trong đó, nổi lên hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thuê côn đồ sử dụng vũ khí “nóng” đòi nợ thuê, gây mất ANTT tại một số địa phương.

Đòi nợ kiểu.. giang hồ

Lý giải về việc này, theo phân tích của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an thành phố): trong lúc thị trường nhà đất đóng băng và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính thì chủ nợ tìm mọi cách thu hồi các khoản cho vay. Trước nỗi lo tài sản bị “bốc hơi”, không ít trường hợp đã nôn nóng sử dụng mối quan hệ với các đối tượng côn đồ để tạo áp lực lên con nợ. Thủ đoạn mà bọn côn đồ thường dùng là sử dụng bạo lực đe dọa hoặc khủng bố tinh thần con nợ bằng cách nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa suốt ngày đêm. Nếu con nợ chây ì thì chúng mang theo hung khí như dao, kiếm, mã tấu, súng để đến nhà uy hiếp. Có băng nhóm còn gây sức ép bằng cách gửi vòng hoa, quan tài tới nhà riêng hoặc nơi làm việc của con nợ, kèm theo những lời đe dọa sẽ giết hại con nợ và gia đình.

Đơn cử, chị Tô Thị V. (ở thôn 3 xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên) bị một số người bắt giữ, hành hung gây thương tích. Nguyên nhân do chị V. vay hơn 22 tỷ đồng của một số người ở các xã Kiền Bái, Phục Lễ, An Lư (huyện Thủy Nguyên) và phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền) để đầu tư xây dựng chợ Thủy Triều. Do việc trả nợ không đúng cam kết, bị một chủ nợ thuê người bắt giữ và đánh.

Chơi dao, dao cắt vào tay…

Do nhận thức về pháp luật có hạn lại nôn nóng đòi nợ, nhiều đối tượng dùng “biện pháp mạnh”, không ngờ chẳng đạt được mục đích mà còn rơi vào vòng lao lý. Ngày 1/8/2012, TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt Phạm Văn Bấc 15 tháng tù. Và chỉ đến lúc này, bị cáo mới cay đắng nhận ra rằng sự mất mát đến với họ là quá lớn.

Theo cáo trạng, ngày 28/1/2011, Phạm Văn Bấc, Giám đốc Công ty cổ phần Nghĩa Thắng ký hợp đồng kinh tế với chị Nguyễn Thị Minh (trú tại phố Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội), Phó giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Lĩnh về việc thuê một số xe ôtô để Bấc vận chuyển đất đá tại một doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh. Để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng, Công ty cổ phần Nghĩa Thắng đặt cọc cho doanh nghiệp Hồng Lĩnh 85 triệu đồng. Đúng cam kết, Công ty CP Nghĩa Thắng tập kết đầy đủ phương tiện nhưng không được đối tác bàn giao mặt bằng để thi công. Bấc đòi lại chị Minh toàn bộ số tiền đặt cọc, đồng thời phạt chị hơn 100 triệu đồng nhưng chị Minh không đồng ý.

Do biết Trương Văn Định (sinh năm 1973, trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) là đối tượng mới ra tù, Bấc nhờ Định dùng “biện pháp mạnh” để đòi tiền hộ. Quá lo sợ trước thái độ hung hăng của nhóm đầu gấu, để bảo đảm an toàn tính mạng, chị Minh buộc phải đưa 100 triệu đồng cho nhóm Định. Định và đồng bọn đang nhận tiền và viết giấy biên nhận thì bị cơ quan công an bắt quả tang.

Ngày 11/4, Công an huyện Tiên Lãng bắt giữ Lưu Xuân Chi và Vũ Hồng Phong - đối tượng trực tiếp gây ra vụ bắn vào nhà và dùng xăng đốt cửa hàng bán nguyên vật liệu xây dựng của gia đình ông Nguyễn Văn H (ở thôn Bình Huệ, xã Quang Phục). Theo tài liệu của cơ quan công an, con trai ông H là Nguyễn Văn L (làm nghề chủ thầu xây dựng) gần đây do làm ăn thua lỗ, nợ một số người trong và ngoài xã. L không chỉ nợ Phong 150 triệu đồng mà còn nợ những người trong gia đình Phong tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Do bị các chủ nợ đòi ráo riết, không có tiền trả nên L phải bỏ trốn. Bực tức vì không đòi được tiền, các đối tượng dùng thủ đoạn trên để gây sức ép với gia đình.

Trên đây là dẫn chứng một số vụ án dùng “biện pháp mạnh” để đòi nợ xảy ra trong thời gian qua. Tất cả những hành vi đòi nợ kiểu như vậy đều vi phạm pháp luật.

Nâng cao nhận thức pháp luật

Theo phân tích, đánh giá của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, tình trạng sử dụng "biện pháp mạnh" để đòi nợ tập trung chủ yếu ở các dạng: chủ nợ không muốn khởi kiện một vụ án dân sự ra tòa, vì trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án dân sự khá lâu; cho vay nợ nhưng không có giấy tờ chứng minh, dẫn tới tòa án không đủ điều kiện thụ lý giải quyết; cả chủ nợ và con nợ có những giao dịch trái pháp luật nên không dám công khai việc nợ nần. Ví dụ như nợ nần do thua cờ bạc, lô đề...Như vậy, có rất nhiều lý do khác nhau dẫn tới chủ nợ muốn giải quyết việc vay mượn bằng "luật rừng". Song những hành vi đòi nợ kiểu như vậy là trái pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc cả chủ nợ lẫn đối tượng đòi nợ thuê.

Để hạn chế vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân khi cho nhau vay mượn tiền bạc, tài sản cần phải có giấy tờ cho vay hợp lệ để có thể chứng minh với cơ quan pháp luật khi nhờ pháp luật giải quyết. Với các ổ nhóm lưu manh dùng "luật rừng" đòi nợ thuê, công an các địa phương trấn áp và xử lý nghiêm khắc trước pháp luật; rà soát, quản lý chặt các đối tượng có tiền án, tiền sự, những thanh thiếu niên hư hỏng. Có như vậy mới ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong việc đòi nợ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN