Nhờ facebook thấy chồng cưới thêm vợ: Thiếu quy định xử phạt

Xung quanh vụ một người đang có vợ, chưa ly hôn nhưng vẫn làm đám cưới công khai với người khác, nhiều chuyên gia nhận xét hành vi này xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng nhưng lại chưa có quy định cụ thể để xử phạt…

Trước hết, theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật hôn nhân - gia đình Trường ĐH Luật TP.HCM), việc anh N. và cô K. công khai làm đám cưới dù anh N. chưa ly hôn là đã vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 ở hai góc độ. Thứ nhất là vi phạm nguyên tắc của chế độ một vợ, một chồng theo khoản 1 Điều 2 (hôn nhân một vợ, một chồng...). Thứ hai là anh N. đã vi phạm nghĩa vụ chung thủy theo khoản 1 Điều 19 (vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy...).

Không phạm tội

Vậy hành vi làm đám cưới công khai của anh N. và cô K. sẽ bị xử lý ra sao, hình sự hay hành chính?

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét trong vụ việc này không thể xử lý hình sự anh N. và cô K. được. Điều 147 BLHS (tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng) quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Nhờ facebook thấy chồng cưới thêm vợ: Thiếu quy định xử phạt - 1

Đám cưới ngày 26-5 của anh N. và cô K. tại phường Thác Mơ (thị xã Phước Long, Bình Phước). (Ảnh do gia đình chị Thảo cung cấp)

Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 giải thích rõ: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (khoản 5). Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng (khoản 7).

Cạnh đó, khoản 3 Thông tư liên tịch số 01/2001 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - TAND Tối cao - VKSND Tối cao (hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của BLHS 1999) cũng định nghĩa: Chung sống như vợ chồng là người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác, được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Như vậy, hành vi làm đám cưới không phải là kết hôn hay chung sống như vợ chồng. Đối chiếu với vụ việc trên, anh N. và cô K. (cũng như cha mẹ hai bên) chỉ làm đám cưới chứ không kết hôn, không chung sống như vợ chồng nên không phạm tội này. Đó là chưa kể giả sử anh N. và cô K. có kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng đi chăng nữa thì muốn xử lý hình sự họ còn phải thỏa mãn thêm các dấu hiệu khác như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. trường hợp của anh N. và cô K. hoàn toàn không có các tình tiết đó.

Không có quy định xử phạt hành chính

Như vậy, nếu không xử lý hình sự anh N. và cô K. được về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì liệu có thể xử phạt hành chính họ được không? Xử phạt họ theo quy định nào?

Theo TS Nguyễn Văn Tiến, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình hiện đang được áp dụng theo Nghị định số 110/2013 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; thay thế Nghị định số 87/2001của Chính phủvề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình).

Tuy nhiên, Nghị định 110/2013 lại không quy định về việc xử phạt hành chính hành vi đang có vợ, đang có chồng mà làm đám cưới với người khác hay chưa có vợ, chưa có chồng mà làm đám cưới với người mà mình biết rõ là đang có chồng, đang có vợ. Nghị định này chỉ quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hay chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hay chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, đang có vợ.

Như vậy, nếu người đang có vợ, có chồng chỉ có hành vi làm đám cưới mà không kết hôn, không chung sống như vợ chồng với người khác thì pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình chưa có quy định cụ thể nào để xử lý cả.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Minh Luận (Trưởng VPLS Sài Gòn Công lý) bổ sung: Khi xử phạt hành chính, có một nguyên tắc là muốn ban hành quyết định xử phạt thì phải có biên bản vi phạm. Trong vụ việc này, lúc đám cưới diễn ra, chính quyền địa phương đã không lập biên bản vi phạm nên bây giờ không thể ra quyết định xử phạt được, dù phía chị Thảo có xuất trình được các tấm ảnh chụp lễ cưới bởi pháp luật không có quy định “phạt nguội” trong trường hợp này.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, năm 2011, chị Phan Thị Thu Thảo (ngụ xã Đắk Nhau, Bù Đăng, Bình Phước) kết hôn với anh NVN, một năm sau thì chị Thảo sinh được một bé trai. Do bất đồng quan điểm, hai vợ chồng thường xuyên cãi vã. Tháng 11-2014, bị chồng đánh, chị Thảo đã ôm con về nhà cha mẹ ruột ở cho đến nay, hai bên không còn quan tâm gì tới nhau nữa.

Chị Thảo gửi đơn xin ly hôn, TAND huyện Bù Đăng đã thụ lý, mời hai bên lên làm việc nhưng do hai bên chưa thống nhất được về tài sản chung nên tòa chưa xét xử. Đầu tháng 5-2015, chị Thảo lên Facebook thì bất ngờ thấy chồng khoe ảnh cưới với cô K. và dự định tổ chức đám cưới vào ngày 26-5 ở phường Thác Mơ (thị xã Phước Long, nơi gia đình cô K. sinh sống). Gần một tuần trước ngày diễn ra đám cưới, chị Thảo đã gửi đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng để nhờ can thiệp nhưng các cơ quan chức năng để mặc, cuối cùng đám cưới (lễ vu quy) giữa anh N. và cô K. vẫn diễn ra.

Lỗ hổng của pháp luật

Trong vụ việc này, xét về tình thì chị Thảo và anh N. đã ly thân, không còn sống chung, không quan tâm tới nhau nữa, đã ra tòa xin ly hôn và chỉ chờ tòa xét xử, có bản án nữa là xong. Vì vậy có thể có những người thông cảm với việc quen người khác, làm đám cưới với người khác của anh N.

Tuy nhiên, xét về lý, khi tòa chưa cho ly hôn, tức anh N. vẫn đang có vợ mà anh N. và cô K. đã vội vàng làm đám cưới là đã xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ, một chồng cũng như nghĩa vụ chung thủy của người đang có vợ, có chồng mà pháp luật bảo vệ. Chưa kể, dù pháp luật không thừa nhận giá trị pháp lý của đám cưới nhưng về mặt phong tục tập quán, việc nam nữ tổ chức lễ cưới là một hình thức để công bố công khai với họ hàng, làng xóm, xã hội rằng “chúng tôi lập gia đình với nhau”. Với nam, nữ độc thân thì không sao nhưng với người đang có chồng, có vợ sẽ dễ dẫn đến các tranh chấp, gây bất ổn về mặt xã hội.

Do đó việc pháp luật thiếu quy định xử lý hành vi trên là một lỗ hổng, cần phải được bổ sung.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THANH TÙNG (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN