Người cha bạc phước
Vất vả nuôi con khôn lớn, đến tuổi già lại bị chính gia đình con hắt hủi, lạnh nhạt. Trong một phút thiếu kiềm chế, người cha đã hành động sai trái để rồi phải chịu cảnh lao tù…
Quần áo nhàu nát, mái tóc bạc trắng, ông L.V.C (SN 1951) cúi gằm mặt, ngồi thu mình tội nghiệp trước vành móng ngựa chờ HĐXX nghị án. Phía sau, ngồi ở hàng ghế người bị hại chính là con trai và con dâu của ông.
Giận con dâu, đốt nhà
Ông C. có 2 người con trai nhưng lại chọn sống chung với vợ chồng người con trai út, anh L.V.S. Sợ làm gánh nặng cho con, ông xin phụ bán ở một quán hủ tiếu với tiền công 32.000 đồng/ngày. Về sau, nhờ người quen giúp đỡ, ông được nhận vào làm bảo vệ cho một công ty.
Niềm vui tuổi xế chiều là được quây quần bên con cháu. Thế nhưng, con dâu và ông không thuận nhau, mâu thuẫn càng lúc càng căng thẳng khi nhiều lần con dâu than thở mất tiền, nghi ngờ cha chồng lấy cắp. Nhiều lần, ông C. rớt nước mắt biện minh nhưng con dâu vẫn không thôi “đá thúng, đụng nia”, nói bóng gió khiến không khí gia đình ngày càng ngột ngạt.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi cả hai không nín nhịn được nữa, lớn tiếng cãi nhau, gây mất trật tự phải đưa ra khu phố giải quyết. Cũng từ đó, người con dâu yêu cầu cha chồng phải đưa tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Nhiều lúc trong túi chẳng còn bao nhiêu tiền, ông cũng cay đắng rút đưa hết cho con dâu, vậy mà cũng không tránh khỏi những cái nhìn ghẻ lạnh, khinh khỉnh. Buồn lòng, ông đến gặp giám đốc công ty xin được ở lại chỗ làm.
Khoảng 20h ngày 28/1/2012, ông C. mua một chiếc bánh bao rồi đạp xe đến thăm cháu nội. Thế nhưng, vừa nhìn thấy ông, người con dâu liền đóng sập cửa lại. Ông gõ cửa, nhẹ nhàng năn nỉ con dâu cho được gặp cháu nội. Đáp lại là những lời nói lạnh lùng, khó nghe của người con dâu.
Tức giận, ông C. đi mua xăng và quẹt ga quay lại định đốt nhà để chết cùng vợ chồng con trai (lúc này ông biết cháu nội không ngủ ở nhà). Lửa bùng lên, ông bị thương tật 38%, con trai ông bị tổn hại sức khỏe 12%, con dâu chỉ bị thương nhẹ.
Nước mắt tuổi già
Nước mắt lăn dài, ông C. nghẹn ngào: “Con dâu nói tôi lấy tiền của nó, tôi nói: “Con coi lại đi, ba không lấy, tiền bạc phải rõ ràng, ba không lấy thì bảo không lấy”. Vậy mà nó quát tôi: “Không lấy thì thôi, hỏi làm gì?”. Ba đêm liền, tôi không ngủ được, nằm khóc gọi “Con ơi, con” mà chẳng ai thấu. Hồi xưa, tôi vất vả làm thuê đủ nghề để lo cho con cái chữ, cái nghề rồi cưới vợ cho nó, có nghĩ đến ngày mình đau khổ như thế này đâu...? ”.
Kìm cơn xúc động hồi lâu, ông C. lại nức nở: “Cha mẹ nào mà không thương con, tôi cũng vậy. Con tôi thương, dâu tôi cũng thương, cháu tôi càng thương hơn nữa nhưng tụi nó đối xử với tôi tệ quá. Tôi năn nỉ con dâu cho tôi được thăm cháu, nó không cho còn chửi tôi, nói tôi đi làm thuê mà ăn, không cần phải dài tay. Tôi giận quá, không kìm lòng được... Giờ nghĩ lại, tôi biết mình sai rồi…”.
Lắng nghe nỗi lòng của bị cáo, vị chủ tọa nói: “Những lúc mâu thuẫn với con dâu, ông có nói với con trai không?”. “Tôi có nói riêng với con nhưng nó sợ vợ quá, chỉ im lặng” - ông thở dài cay đắng.
Được mời lên, người con trai cúi đầu thừa nhận tất cả những điều cha khai là đúng sự thật. “Mâu thuẫn gia đình như vậy, anh là con, là chồng, anh có giải quyết gì không?” - vị chủ tọa nghiêm giọng hỏi. “Tôi cũng nói vợ là có những lời lẽ quá đáng với cha nhưng vợ tôi nói lúc nóng lên thì tính cô ấy vậy thôi chứ không ghét bỏ ai cả” - anh cúi mặt, lí nhí trả lời. Vị chủ tọa tiếp tục hỏi: “Anh có thấy lỗi của mình không?”. Im lặng hồi lâu, anh nghẹn ngào: “Dạ”, rồi bật khóc.
“Trong cuộc sống gia đình, mâu thuẫn xảy ra là điều không thể tránh, mỗi người phải tìm cách giải quyết sự việc sao cho tốt đẹp nhất. Vợ không đúng thì chồng phải khuyên nhủ để vợ sửa sai. Con sai quấy thì bậc làm cha mẹ phải răn dạy… Dù có thế nào cũng là người thân, ruột thịt... ” - vị chủ tọa nói. Cha con ông C. cúi đầu thinh lặng.
Ông C. bị tuyên phạt 9 năm tù với tội “Giết người” và “Hủy hoại tài sản”. Mức án ấy có lẽ cũng không đau đớn bằng vết thương lòng đang giày xéo trong tim người cha tội nghiệp ấy…