“Kiều nữ” và “đại gia” sau song sắt
Bỏ lại sau lưng quá khứ được người đưa kẻ rước, hào nhoáng bởi kim tiền, danh vọng cũng như sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, giờ đây trong trại cải tạo họ phải sống lầm lũi, ân hận, chịu sự giáo dục, hướng dẫn để trả giá cho những tội lỗi của mình.
Trong số đó, không ít người lạc quan hướng về phía trước, với một ước nguyện sau khi kết thúc án tù sẽ được sống bằng sức lao động chân chính của mình.
Đại gia "nghiên cứu khoa học và làm thơ" trong tù
Đại gia một thời Trần Văn Giao hiện đang chấp hành án tù chung thân tại trại giam Xuân Lộc - Đồng Nai. Vốn là một “siêu lừa” khét tiếng trong lĩnh vực bất động sản với 12 dự án gần 16 tỷ đồng và hơn 1.500 lượng vàng, Trần Văn Giao bị tuyên phạt án tử hình. Nhưng trong phiên xử phúc thẩm với nhiều tình tiết giảm nhẹ cũng như kết luận bị “tâm thần nhẹ”, Giao đã được ân giảm xuống còn án tù chung thân.
Vốn là một nhân vật từng nổi đình nổi đám với hàng loạt siêu dự án bất động sản tại TPHCM, Giao không chỉ có những tháng ngày sống như ông hoàng trong chức danh giám đốc Công ty Phương Đông, mà còn giữ nhiều vị trí quan trọng khác trong công ty nhà nước và lĩnh vực ngân hàng. Không những là một đại gia chơi nổi, Giao còn chạy theo một thời thượng là “đại gia phải sánh cùng gái đẹp”. Bộ sưu tập chân dài của “siêu lừa” này có cả một diễn viên điện ảnh nổi tiếng của dòng phim thị trường lúc bấy giờ. Ngày làm dự án, lừa đảo tiền bạc, đến hẹn Giao lại đưa xế hộp đến phim trường để đón nàng. Giao vung tiền không tiếc, miễn là chiều lòng người đẹp.
Gặp lại Giao trong thời điểm này, y như gầy hơn, giọng nói nhỏ nhẹ đã từng “ru ngủ” rồi làm tán gia bại sản hàng trăm nạn nhân ngày xưa nay đã có nhiều biến đổi sau gần chục năm được giáo dục cải tạo. Giao đang điều trị tại khu chữa bệnh phạm nhân nên không phải đi làm như những phạm nhân khác. Tuy nhiên từ khi đến đây, Giao luôn miệng thao thao bất tuyệt về những câu chuyện hoang đường của thế giới. Gặp ai y cũng thuyết giảng về sự diệu kỳ của môn hóa học, vật lý. Đôi lúc “siêu lừa” ngày nào còn nổi hứng làm thơ. Khi chúng tôi hỏi từ lúc vào trại giam đến nay, các người đẹp từng gắn bó trước đây có đến thăm lần nào không? Trên khuôn mặt y nụ cười tan biến, ánh mắt đờ đẫn nhìn về phía xa xăm: “Không, Giao và họ cũng chỉ là bạn thôi”. Những người ở gần hắn mới biết, có nhiều khi hắn dằn vặt, tức tối buột miệng nhiều câu nói oán hận phụ nữ bạc tình.
Nỗi lòng của hiệu phó
Chúng tôi ghé thăm trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) vào một buổi chiều cuối tháng 4. Cơn mưa chiều lất phất lướt qua các khu giam giữ không đủ để xóa đi cái nóng bức bối nơi đây. Một chiến sĩ dẫn đường cho chúng tôi vào gặp nhân vật mà theo anh là “đặc biệt” nói: “Đồng tiền nó chẳng chừa ai cả đồng chí à, ai có lòng tham là nó không tha. Phó hiệu trưởng một trường cao đẳng lớn mà cũng trở thành nô lệ của nó đấy. Chút anh gặp sẽ hiểu”. Người đàn ông này là Hồ Thế Thường (59 tuổi), nguyên Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3.
“Chào anh!”, ông Thường lên tiếng gọn lỏn khi tôi đưa tay ra bắt. Phong thái ông vẫn khá ung dung như cái thời ông làm lãnh đạo một trường học. Thông thường, phạm nhân khi gặp người ngoài vào thường rụt rè và được dặn nói: “Chào quý khách!”, nhưng người đàn ông này khác hoàn toàn. Ông Thường tếu táo: “Nhờ có anh tôi mới được ngồi đây, chứ bàn của cán bộ trại ngồi uống trà, phạm nhân nào dám ngồi”.
Là dân Quảng Trị, ông Thường từng nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Là một trong những chiến sĩ cảm tử chiến đấu giữ thành cổ Quảng Trị hơn 80 ngày đêm. Sau 7 năm mặc áo lính, ông được cử đi học. Đến năm 1979 ông được phân công về Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3 (TPHCM). Mang tư chất lãnh đạo, ông được nhà trường tín nhiệm giao cho chức vụ Phó hiệu trưởng. “Cái gì cũng có cái số của nó chú à! Tôi bị đưa vào đây cũng thế, mang tội nhận hối lộ với án 15 năm là một cái giá phải trả cho một lần sơ sẩy”. “Chỉ là sơ sẩy chứ không phải sai sót hay lầm lỡ à?”, tôi hỏi lại. Nếu cẩn trọng hơn tôi đã không bị thế này, tôi làm không chỉ vì tôi mà còn vì cả tập thể nữa mà”.
Ông kể lại sự việc của mình khá chi tiết và thỉnh thoảng dừng lại cười khẩy: “Tôi bị vướng vào một đường dây làm bằng cấp giả từ năm 2006. Khi đường dây này bị phanh phui, tôi liên quan đến việc nhận 300 triệu từ 300 hồ sơ học viên đăng ký học chứng chỉ ngắn hạn lái tàu. Số tiền này tôi nhận thêm để bồi dưỡng cho giáo viên tăng tiết nhằm rút ngắn thời gian học cho học viên thôi”. Việc nhận hối lộ là đã quá rõ ràng nhưng nghe cách nói chuyện của ông Thường, dường như ông vẫn có điều gì đó bất mãn.
Nhắc đến gia đình, giọng ông trầm hẳn xuống, vẻ lạnh lùng lặn mất. Ông nói rằng gia đình là trên hết. Ông vào đây, danh tiếng gia đình bị đánh mất, vợ và hai đứa con gái của ông chịu tai tiếng. “Vợ tôi và hai đứa con chẳng giận gì, nhưng tôi biết tác động bên ngoài hậu quả của việc mình làm. Nếu không vào đây, giờ này tôi đang ngồi vui vầy với con cháu hay ngồi đánh cờ, uống trà với đồng nghiệp rồi”. Người đàn ông đầy kiêu hãnh này đang cố gắng nuốt nỗi đau vào lòng. Một đời cống hiến cho xã hội, cầm súng bảo vệ tổ quốc, cầm phấn giảng dạy cho thế hệ trẻ. Ít ai ngờ về già ông phải khoác lên người màu áo sọc xanh trắng ngồi ngậm ngùi sau song sắt.
Rũ bỏ nhung lụa, vào vòng lao lý
Có mặt tại trại giam Thủ Đức - Bộ Công an trong cái nắng oi bức của những ngày giao mùa cuối tháng tư 2012, được sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo, chúng tôi đến phân trại 2 để tiếp xúc với người được xem là “kiều nữ” một thời ở khu vực Chợ Lớn, Q5, TPHCM. Chị tên là Phùng Thị Tuyết Nguyệt, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận án 15 năm tù. Gặp chúng tôi, người phụ nữ tuổi ngoài 60 với thân hình mảnh dẻ, nhanh nhẹn, lưu loát kể về những ngày tháng huy hoàng của mình. Đó là một bà chủ sống trong gấm vóc, có xe hơi đưa đón, ở nhà có kẻ hầu người hạ, đến đâu cũng được đón rước như một đại gia.
Giữa những năm 1990, dân Sài thành, nhất là khu vực buôn bán ở Chợ Lớn dính vào nhiều đường dây huê hụi, làm tán gia bại sản nhiều gia đình. Kéo theo đó các đối tượng lừa đảo, một số kẻ thoát án bỗng trở nên giàu có, số còn lại bị pháp luật xử lý và bắt đầu những ngày tháng cải tạo trong lao tù. Nguyệt là một trong những số phận bị lao đao từ dạo đó. Với mức án 15 năm tù cho hành vi lừa đảo gần 6 tỷ đồng, nữ đại gia một thời đã thi hành án hơn 14 năm nay tại trại giam Thủ Đức - huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nguyệt kể: “Những ngày đầu mới vào trại còn rất bỡ ngỡ, chưa quen cuộc sống lao động giáo dục gò bó, tâm trạng chán nản vô cùng, tôi cứ nghĩ rằng đã vào tù là mất hết, cuộc đời mình xem như kết thúc. Tôi đã định nhắm mắt buông xuôi. Nhưng theo thời gian tiếp xúc với quản giáo, những người cùng cảnh ngộ và hàng ngày được học tập về cách sống, cách làm người có ích tôi đã nhận ra cuộc đời này còn có nhiều giá trị chân lý khác mà một người như tôi chưa bao giờ cảm nhận được”.
Nguyệt hớn hở khoe: “Từ khi vào trại đến nay, tôi chưa một lần bị vi phạm kỷ luật để quản giáo phải nhắc nhở. Sự ân cần, nhiệt tình của cán bộ đã khiến tôi cảm thấy yêu đời, yêu con người và yêu chính bản thân mình. Tôi xem việc chấp hành nghiêm các chính sách của lãnh đạo đưa ra là thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân, thứ mà ngày xưa tôi rất mơ hồ”.
Những ngày tháng cuối ở trại, Nguyệt luôn thể hiện trách nhiệm của một người chị. Nguyệt giúp đỡ những chị em thiếu may mắn, chia sẽ vật chất và tinh thần với những người đồng cảnh, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Nguyệt nói trong nước mắt dàn dụa: “Ra khỏi trại tôi sẽ làm lại cuộc đời bằng tình thương và lương tâm của một con người tưởng như không bao giờ có được nữa. Tôi mất 15 năm để cải tạo, nhưng đổi lại đã ngộ ra rất nhiều điều, nếu sống theo kiểu ngày xưa mình sẽ mất tất cả. Tôi muốn trở về biết nhường nào, Người đầu tiên tôi gặp phải là đứa cháu nội, nó sinh ra mà không biết bà nội đang ở đâu, nó đã từng hỏi rất nhiều nhưng cha mẹ nó cứ bảo bà ở quê nên chưa đưa con về thăm được. Tương lai của tôi vẫn còn, tôi sẽ làm tất cả để trở thành một người công dân có ích”.
“Làm lại cuộc đời” là mơ ước của nhiều phạm nhân. Cánh cửa cuộc đời vẫn luôn rộng mở cho họ. Chúng tôi rời trại giam Thủ Đức khi mặt trời đứng bóng. Cái nắng chói chang, khô khan bao trùm cả khu trại rộng lớn. Ngay cổng chính ra vào, một vài phạm nhân vẫn miệt mài tưới cây. Những chồi non từ đó đang nảy lộc đâm chồi làm xanh mát cả một vùng.