Chụp hình người khác tung lên mạng, coi chừng bị kiện!

Một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh, với sự trợ giúp của mạng Internet sẽ nhanh chóng đưa hình ảnh đi khắp nơi. Và bất cứ ai, trong một giây phút hớ hênh nào đó, cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm phạm hình ảnh.

Do đó, cũng dễ hiểu khi hình ảnh của cô hoa hậu có dáng ngủ hớ hênh, hay hình ảnh của cô ca sĩ “bị phát hiện” cho con tè vào túi nôn lập tức xuất hiện trên mạng xã hội rồi được báo mạng khai thác.

Trong cuộc sống, ai cũng cố gắng hoàn thiện mình nhưng thực tế thì khó tránh khỏi những giây phút khó đỡ. Chẳng hạn như cô hoa hậu kia cho dù có kín đáo cỡ nào cũng khó kiểm soát tư thế, dáng nằm sao cho đẹp khi ngủ trên máy bay.

Dưới khía cạnh đạo lý, việc phát tán hình ảnh không đẹp của người khác là không nên bởi có thể làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của họ. Cuộc sống cũng cần bỏ qua cho nhau những điều nhỏ nhặt. Trường hợp này, rất cần sự xí xóa của người xung quanh, nhỏ nhẹ nhắc nhau chứ không nên chụp ảnh rồi tung lên cộng đồng, đặc biệt nếu đó là hình ảnh của người nổi tiếng thì càng ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và hoạt động nghề nghiệp của họ. Bởi hình ảnh không đẹp mà được công bố tùy tiện có thể dẫn tới những suy diễn, đồn đoán, thậm chí có thể hạ thấp một người trong mắt cộng đồng.

Xét ở góc độ pháp lý, pháp luật bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh mà người trong ảnh có thể bị nhận dạng. Như trường hợp cô ca sĩ, dù mặt cô đã được một trái tim che lại nhưng dân mạng không khó để nhận ra cô qua cái áo và dây chuyền. Theo Điều 31 và Điều 38 BLDS 2005, khi sử dụng hình ảnh, đăng tải, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của ai thì phải xin phép người đó. Nếu bạn tùy tiện quay phim, chụp ảnh, đăng tải hình ảnh ai đó thì nghĩa là bạn đã làm điều mà bạn không được phép làm.

Với hình ảnh của mình, bạn có quyền quyết định việc đưa ảnh mình ra ngoài như thế nào, đăng lên mạng ra sao vì việc này ảnh hưởng tới mối quan hệ của bạn và bạn chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, với hình ảnh người khác, quyền đối với hình ảnh của họ chỉ bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền lợi của bên thứ ba hoặc chính họ từ bỏ quyền của mình đối với hình ảnh.

Do đó, tôi cho rằng việc tùy tiện đăng ảnh người khác mà trường hợp đăng ảnh không thuộc diện được loại trừ nghĩa vụ xin phép thì người đăng ảnh đã vi phạm pháp luật. Khi đó, căn cứ theo Điều 25 BLDS 2005 về bảo vệ quyền nhân thân thì người bị xâm phạm quyền hình ảnh có thể yêu cầu người đăng ảnh của mình ngưng ngay hành vi vi phạm, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người này xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại…

Thạc sĩ NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, giảng viên Khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Loan (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN