Chứng cứ yếu, sao không tuyên vô tội?

Hồ sơ buộc tội không chặt chẽ, không đầy đủ, chứng cứ yếu, tòa trả hồ sơ nhiều lần không khắc phục được. Nguyên tắc tố tụng tiến bộ là tòa phải tuyên vô tội nhưng thực tế thường ngược lại, vì sao?

Mới đây, TAND một quận tại TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo LQĐ hai năm tù về tội trộm cắp tài sản.

“Bị cáo không phục”

Theo hồ sơ, tối 24-12-2011, khi đi ngang, thấy bà T. ngủ quên trên ghế trước cửa nhà, Đ. lẻn vào tìm tài sản trộm cắp. Phát hiện, hai hàng xóm gần đó đánh thức, ra hiệu cho bà T. biết. Bà T. vào nhà thì thấy Đ. đang dẫn chiếc xe máy từ bếp ra gần đến cửa chính. Bà T. tri hô, Đ. bỏ xe chạy mất. Bà Đ. đánh thức con gái, cháu nội dậy kể lại chuyện đã xảy ra. Một lúc sau, thấy Đ. đi ngang nhà, con gái bà T. đã tri hô và được bảo vệ dân phố hỗ trợ bắt Đ. giao công an.

Từ giai đoạn điều tra, Đ. đã không nhận tội. Ra tòa, Đ. khẳng định hồ sơ thể hiện Đ. bị bắt vì phạm tội quả tang là không đúng. Đ. bảo mình vừa đi ngang nhà bà T. thì bị bắt chứ không phải quay lại lần thứ hai như hồ sơ thể hiện. “Không có kẻ trộm nào đã bị phát hiện rồi còn ngang nhiên quay lại cho bị bắt, nhất là khi ở đó gần trạm gác của công an, dân phòng. VKS buộc tội như thế, bị cáo không phục” - Đ. nói.

Nhìn lại hồ sơ buộc tội, cơ quan điều tra chủ yếu dựa vào lời khai của hai hàng xóm của bà T. cùng lời khai của phía nạn nhân. Hai hàng xóm khai có thấy Đ. vào nhà nên cảnh báo bà T. dù không biết Đ. có lấy gì hay không. Cháu bà T. thì khai khi được bà T. thông báo đã chạy từ trên lầu xuống, thấy xe máy bị dịch chuyển một đoạn.

Tuy nhiên, vụ việc còn những điểm chưa rõ: Một hàng xóm của bà T. khai lần thứ nhất kẻ trộm vào nhà bà T. có đội mũ bảo hiểm màu vàng. Nhưng ở lần thứ hai bắt trộm mà mọi người cho rằng là Đ. thì không thấy chiếc mũ bảo hiểm đó. Mặt khác, việc chiếc xe máy có xê dịch vị trí hay không chỉ có một mình cháu bà T. khai. Ngoài ra, trường hợp bắt Đ. không phải là bắt người phạm tội quả tang mà chỉ là “bắt nguội”. Dù vậy, tòa vẫn phạt Đ. hai năm tù về tội trộm cắp tài sản (nhẹ hơn đề nghị từ ba năm đến bốn năm tù của VKS).

Loay hoay mãi không thể kết tội

Vụ khác, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) đã ba lần phải trả hồ sơ cho VKS cùng cấp yêu cầu điều tra bổ sung vụ Phạm Minh Hưng cướp giật tài sản do điều tra chưa tới.

Theo cáo trạng, trưa 6-12-2010, vợ chồng chị Gia chở nhau đi trên đường số 17 (phường Bình Trị Đông B) thì gặp một thanh niên mặc áo thun đen tay sọc vàng, tóc dài ngang vai, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe màu bạc, không bửng, không mặt nạ ngược chiều. Thấy chị Gia đeo sợi dây chuyền, người này quành xe lại, áp sát xe vợ chồng chị Gia giật dây chuyền rồi rú ga tẩu thoát.

Lúc này một người đi đường nhìn thấy một thanh niên từ đường số 17 chạy ngược chiều ra với tốc độ cao. Nghi là kẻ cướp, anh này ghi lại biển số xe. Truy xét, công an xác định Hưng là chủ chiếc xe máy mà người đi đường ghi biển số nên bắt Hưng. Tại cơ quan điều tra, Hưng không thừa nhận hành vi cướp giật. Nhưng căn cứ vào lời khai, nhận dạng của vợ chồng chị Gia và người đi đường, cơ quan điều tra, VKS xác định thủ phạm của vụ cướp giật là Hưng.

Ở lần trả hồ sơ thứ nhất, tòa yêu cầu làm rõ việc vào ngày xảy ra vụ án, người đi đường khai có thấy người thanh niên mặc áo thun đen tay sọc vàng và biển số xe người này điều khiển. Biết là cướp, anh đuổi theo nhưng không kịp. Sau khi công an bắt Hưng, người đi đường này lại khai chỉ thấy bốn số cuối của xe kẻ cướp, sau đó anh chạy tiếp một đoạn thì gặp vợ chồng chị Gia đang dừng xe máy bên đường nên hỏi thăm mới biết chuyện. Một nhân chứng khác thì ban đầu khai người thanh niên giật dây chuyền mặc áo thun đen tay sọc vàng, sau lại khai áo thun trắng.

Ở lần trả hồ sơ thứ hai, tòa cho rằng theo hồ sơ thì việc lấy lời khai, nhận dạng của nạn nhân và các nhân chứng được thực hiện… trước khi nạn nhân đến cơ quan chức năng trình báo. Rõ ràng đây có mâu thuẫn cần được làm rõ.

Hoàn tất hồ sơ lần nữa, cơ quan điều tra trên cơ sở phân tích nơi và thời gian xảy ra vụ án, tình trạng lưu thông xe của nạn nhân và xe của Hưng cùng đặc điểm nhận dạng vẫn xác định Hưng thực hiện việc cướp giật. Tuy nhiên, mới đây khi tòa mở phiên xử, đại diện VKS lại đề nghị hoãn xử. Tòa chấp nhận vì cho rằng việc tiến hành nhận dạng của cơ quan điều tra không chuẩn.

Người xét xử phải có bản lĩnh

Về nguyên tắc tố tụng tiến bộ, cho dù nghi can có dấu hiệu phạm tội nhưng không đủ chứng cứ buộc tội thì tòa phải tuyên vô tội. Nhưng trên thực tế, việc tòa mạnh dạn tuyên vô tội rất hiếm hoi. Thay vào đó, tòa thường trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hết số lần trả hồ sơ thì đưa ra xử và kết án bị cáo nhưng có “gia giảm” mức án.

Theo kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao), để kết luận một ai đó phạm tội là do HĐXX. Khi chứng cứ không đầy đủ thì việc nhận định phụ thuộc vào bản lĩnh của người xét xử. “Sở dĩ có tình trạng án phải lật tới lật lui là do khâu phân tích, đánh giá chứng cứ. Cũng có những vụ do quá thận trọng, sợ tuyên không có tội sẽ có cơ quan phải bồi thường nên thẩm phán không mạnh dạn. Tôi nghĩ thẩm phán cần phải có bản lĩnh để đưa ra quyết định. Quyền ai người đó làm và chịu trách nhiệm, đừng nên sợ hay e dè điều gì, miễn là đúng luật” - ông Sơn nói.

Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cũng cho biết thực tế cũng có những vụ án sau khi đã trả hồ sơ nhiều lần nhưng việc củng cố chứng cứ vẫn gặp khó khăn, thậm chí không khắc phục được. Lúc đó vụ việc sẽ phụ thuộc vào cách đánh giá toàn diện của HĐXX trước khi đưa ra phán quyết.

Có nên triệu tập điều tra viên ra tòa?

Nhiều luật sư cho rằng một hạn chế của tố tụng hình sự hiện nay là không chấp nhận cho điều tra viên ra tòa để trả lời những điểm chưa rõ về chứng cứ.

Theo Thẩm phán Vũ Phi Long, pháp luật tố tụng không quy định việc tham gia trực tiếp của điều tra viên tại phiên tòa. Trong trường hợp có vướng mắc về chứng cứ ở giai đoạn điều tra, tòa sẽ trả hồ sơ về cho VKS cùng cấp yêu cầu điều tra bổ sung. Kiểm sát viên Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng ở mỗi giai đoạn, người tiến hành tố tụng là khác nhau. Việc triệu tập điều tra viên đến phiên tòa tham gia tố tụng là không đúng. Họ sẽ tham gia với tư cách gì khi không phải là người tiến hành tố tụng, cũng không phải là người tham gia tố tụng?

Cần chuyên gia giỏi

Với những vụ án phải xử lui xử lại mà không có hồi kết, các cơ quan tố tụng trung ương cần có sự chỉ đạo trong giải quyết. Việc chỉ đạo ở đây chỉ là đưa các chuyên gia giỏi của ngành nghiên cứu, đánh giá về chứng cứ vụ án chứ không phải quyết định có tội hay không bởi đó thuộc về thẩm quyền của HĐXX. Tránh tình trạng án không có hồi kết, chúng ta cần có giải pháp can thiệp nhất định nhưng không được làm trái luật như “hợp thức hóa” hồ sơ…

Kiểm sát viên cao cấp NGUYỄN THANH SƠN, Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

Thà bỏ lọt tội phạm…

Việc buộc tội một người chỉ thực sự thuyết phục nếu các cơ quan tố tụng thực hiện việc điều tra, truy tố đầy đủ, chứng cứ rõ ràng và việc thu thập chứng cứ phải đúng pháp luật, nếu không sẽ dễ làm oan. Hiện nay, chúng ta đang đề cao nguyên tắc nhân đạo là thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội. Vì vậy, tôi cho rằng khi việc điều tra chưa làm rõ được những vấn đề của vụ án thì nên cẩn trọng trong việc truy tố họ ra tòa…

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HOÀNG YẾN ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN