Cha bị hại viết hàng nghìn lá đơn kêu oan cho bị cáo

Sự kiện: Tin pháp luật

Hơn 23 năm trôi qua, phạm nhân Trần Văn Vót (SN 1949, trú tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà cũ) vẫn không ngừng gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu oan về tội “giết người”. Vậy hung thủ thực sự là ai? Nhóm PV Báo GĐ&XH đã về địa phương gặp gỡ các nhân chứng nhằm có cái nhìn toàn diện về vụ án này.

Luôn canh cánh trong lòng nỗi uất hận đối với hung thủ thực sự đã sát hại con trai mình, hơn 23 năm qua, cụ Trần Anh Điền (85 tuổi) đã viết hàng nghìn lá đơn kêu oan cho bị cáo Trần Văn Vót mà họ cho rằng bị kết án oan sai. Hiện phạm nhân Vót đã thụ án trên 23 năm. Trước những đơn kêu oan của phạm nhân, liên ngành tố tụng Trung ương đã vào cuộc xem xét lại vụ án.

Cha bị hại viết hàng nghìn lá đơn kêu oan cho bị cáo - 1

Cụ Trần Anh Điền (bố nạn nhân Việt) chia sẻ với PV Báo GĐ&XH.

Một người chết, 21 người bị thương và diễn biến kỳ lạ

Vụ án xảy ra tại tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam), bắt nguồn từ việc tranh chấp đất đai giữa 2 làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân). Theo đó, cuối năm 1976, Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Phúc (HTXNN Nhân Phúc) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 HTXNN Thanh Nga và Nhân Phúc, có quy mô 584 ha đất canh tác, với 1.222 hộ xã viên (khoảng 5.009 nhân khẩu). Tuy nhiên, việc hợp nhất trên không mang lại hiệu quả. Đứng trước thực trạng đó, nhiều xã viên có nguyện vọng tách HTX ra thành hai như cũ. Ý nguyện này được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Chuyện chẳng có gì xảy ra nếu khi tách lại như cũ huyện Lý Nhân không lấy 56 mẫu đất của làng Nhân Phúc giao cho làng Thanh Nga canh tác. Chính vụ việc này đã tạo nên mối hiềm khích giữa 2 làng trong suốt thời gian dài về sau.

Đỉnh điểm của sự xung đột xảy ra vào ngày 29/11/1992, tại bãi Bạc Hà (xã Phú Phúc). Một số người dân quá khích của làng Thanh Nga đã kéo sang phá hoa màu trên diện tích canh tác của người dân làng Nhân Phúc dẫn đến xô xát. Thời điểm xảy ra vụ việc, ngoài nhân dân 2 làng còn có sự xuất hiện của 4 cán bộ Công an huyện Lý Nhân. Trong lúc hỗn loạn, một quả lựu đạn bay từ phía làng Thanh Nga qua nhóm người làng Nhân Phúc rồi phát nổ. Hậu quả khiến anh Trần Văn Việt (con trai cụ Trần Anh Điền) tử vong và 21 người bị thương. Nhiều nhân chứng có mặt tại thời điểm xảy ra vụ việc khẳng định, người trực tiếp ném lựu đạn là Trần Văn Cự (người dân làng Thanh Nga).

Sau khi vụ việc xảy ra, Cự đã bỏ trốn khỏi địa phương. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án hình sự “giết người” và “tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép”; khởi tố bị can đối với Cự về 2 hành vi trên và ra lệnh truy nã trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngày 23/2/1993, anh Trần Ngọc Thanh (SN 1974, trú tại xóm 4, Lý Nội) bị cơ quan chức năng bắt và di lý về Công an tỉnh Nam Hà để điều tra về hành vi “giết người”. Tiếp đó, ngày 27/5/1993, ông Trần Văn Vót (khi đó đang là Bí thư Chi bộ xóm 4) cũng bị bắt. Theo kết luận của Công an tỉnh Nam Hà: Ông Trần Văn Vót là người đã tàng trữ và đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh ném vào đám đông, gây nên cái chết của anh Trần Văn Việt và làm 21 người khác bị thương.

Bố bị hại 23 năm kêu oan

Cha bị hại viết hàng nghìn lá đơn kêu oan cho bị cáo - 2

Cánh đồng nơi cách đây hơn 23 năm xảy ra vụ nổ mìn làm 1 người chết, 21 người bị thương ở Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam. Ảnh: X.Thắng

Đấy là lời khẳng định của cụ Trần Anh Điền trong buổi trao đổi với PV Báo GĐ&XH vào ngày 20/8/2016. Nay đã ở tuổi 85, nhưng cụ Điền vẫn còn khá minh mẫn. Gợi nhắc lại quá khứ đau thương, đôi mắt cụ Điền nhòe nước vì xúc động. Sau khi con trai cụ Điền mất, nhiều nhân chứng đều khẳng định cả 2 bị cáo bị cơ quan chức năng bắt giữ và tuyên án tù là Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh đều không có mặt trong buổi xô xát giữa nhân dân 2 làng. Từ thời khắc đó, cụ Điền đã tự mình đi thu thập chứng cứ nhằm vạch mặt hung thủ thực sự đã sát hại con mình. Đồng thời, cụ không quên việc viết đơn kêu oan cho 2 bị cáo đã bị bắt giam. Tính đến nay, đã hơn 23 năm trôi qua, tổng số lá đơn mà gia đình bị hại gửi đi kêu oan cho các bị cáo đã lên tới con số hàng nghìn.

Quay lại diễn biến vụ án kỳ lạ trên, bị cáo Trần Văn Vót bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về các tội danh: Giết người, tàng trữ trái phép vũ khí, phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội và gây rối trật tự công cộng. Bị cáo Trần Ngọc Thanh bị truy tố về tội giết người. Trong các ngày 23-26/2/1994, TAND tỉnh Nam Hà đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Văn Vót mức án chung thân về tội giết người; 10 năm tù về tội phá hoại việc thực hiện chính sách xã hội; 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí; 3 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng (tổng hợp hình phạt chung cho cả 4 tội là tù chung thân). Phạt bị cáo Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội giết người. Ngày 25 - 27/8/1994, TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm vụ án trên và tuyên y án sơ thẩm.

Không đồng tình với kết quả của 2 phiên tòa, gia đình các bị cáo Vót, Thanh và cả người thân bị hại đều viết đơn kêu oan gửi tới các ban, ngành Trung ương. Ngày 11/12/1998, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cáo Nguyễn Văn Hiện đã có Công văn số 515/HS gửi Vụ 3 VKSND Tối cao với nội dung: "Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1030 ngày 25 - 27/8/1994, Tòa phúc thẩm TAND Tối cáo tại Hà Nội đã kết án Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội giết người. Sau khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo có đơn khiếu nại nên ngày 10/8/1995 TAND Tối cao đã có Công văn số 263 trả lời gia đình bị cáo. Ngày 16/11/1998, ông Trần Ngọc Thông và bà Trần Thị Tân (bố và mẹ bị cáo Trần Ngọc Thanh) và đại diện gia đình, họ tộc người bị hại Trần Văn Việt tiếp tục khiếu nại và đưa ra một số chứng cứ cho rằng việc điều tra vụ án không khách quan, dẫn đến việc tòa án kết tội oan cho ông Thanh và ông Vót. Theo ý kiến của Chánh án TAND Tối cao và căn cứ quy định tại các Điều từ 260 đến 263 (Bộ luật tố tụng Hình sự năm 1993), TAND Tối cao chuyển đơn khiếu nại đến Vụ 3 VKSND Tối cao để giải quyết theo thẩm quyền”.

Cụ Điền chia sẻ: “Thời điểm nhận được thông báo trên, tôi vui mừng lắm. Hy vọng, hung thủ thực sự của vụ việc sẽ phải chịu tội, các anh Vót và Thanh sẽ sớm được minh oan. Nhưng càng hy vọng bao nhiêu, sau đó càng thất vọng bấy nhiều khi sự việc lại chìm vào im lặng”.

Anh Trần Ngọc Thanh nói: “Tôi không phải là hung thủ. Hôm xảy ra vụ án, tôi đang đi vác đất thuê. Khi cán bộ công an hỏi về vụ ném lựu đạn, tôi nói mình không hề biết gì nhưng họ vẫn bắt đi. Cả tuổi xuân của tôi đã ở trong tù một cách oan ức. Hiện nay, tôi chỉ có một mong muốn, đó là các cơ quan tố tụng vào cuộc làm rõ vụ án, trả lại sự trong sạch cho tôi và ông Vót”.

Sau hơn 11 năm thụ án, hiện anh Trần Ngọc Thanh đã trở về quê nhà sinh sống và xây dựng gia đình, còn ông Trần Văn Vót vẫn bị cải tạo tại trại giam Nam Hà. Hai con người này dù hiện tại có hoàn cảnh trái ngược nhau, nhưng họ đều có chung một mục đích là tiếp tục kêu oan để quyết đòi lại 2 tiếng “trong sạch” cho cuộc đời mình. Hành trình đó đang tiếp diễn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo X.Thắng - T.Khang (Báo Gia đình xã hội)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN