TQ tiếp tục bồi đắp đảo ở Biển Đông, thách thức Mỹ

Trung Quốc sẽ cải tạo và bồi đắp trái phép bãi cạn Scarborough nhằm đáp trả lại các hoạt động tuần tra biển đảo của Mỹ và phản ứng lại vụ kiện Trung Quốc mà Philippines theo đuổi ở tòa án quốc tế Hague.

TQ tiếp tục bồi đắp đảo ở Biển Đông, thách thức Mỹ - 1

Lính Trung Quốc tuần tra trái phép trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

Trung Quốc sẽ tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông trong năm nay, tuyên bố được báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lại từ một nguồn tin hải quân Trung Quốc. Diễn biến này càng làm khu vực Biển Đông vốn căng thẳng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn xây thêm đường băng một khi quá trình bồi lấp hoàn thành.

Khu vực Biển Đông “dậy sóng” từ khi Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông và bắt đầu bồi lấp đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Hiện nay Trung Quốc đã xây dựng 2 đường băng trái phép ở khu vực này và nói rằng hoạt động chỉ nhằm phục vụ mục đích dân sự.

Bắc Kinh nói rằng đã dừng các hoạt động bồi lấp trái phép ở Trường Sa từ năm ngoái. Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, quân đội Trung Quốc sẽ “tiếp tục các hoạt động tôn tạo đảo tại bãi cạn Scarborough trong năm 2016”. Bãi cạn Scarborough là khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Năm 2012, bãi cạn thuộc chủ quyền Philippines đã bị rơi vào tay Trung Quốc.

Bài báo viết kế hoạch bồi lấp đảo là để phản ứng lại các hoạt động “Tự do Hàng hải” mà quân đội Mỹ thực hiện gần một số đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trong mấy tháng gần đây. Đồng thời, Bắc Kinh tuyên bố đây là hành động đáp trả vụ kiện của Philippines lên tòa án  quốc tế Hague.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định mới đây rằng cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Malaysia sẽ được thực hiện ở Biển Đông. Trong năm nay, không quân Mỹ đã cung cấp nhiều trang thiết bị  và cải tạo căn cứ quân sự của Philippines để cho phép máy bay Mỹ sử dụng khi cần.

Mỹ nói rằng các hoạt động tuần tra biển đảo liên quan quyền tự do hàng hải nhằm đảm bảo Biển Đông, một trong những khu vực có lưu lượng thương mại lớn nhất thế giới, được tôn trọng như một vùng biển quốc tế. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Việt Nam tuần trước đã tuyên bố các hoạt động “bồi lấp trái phép và gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc” chỉ khiến “đổ thêm dầu vào lửa và gây nghi ngờ về ý định thực sự của Trung Quốc”.

Trung Quốc ngụy biện rằng các cơ sở vật chất xây dựng trên đảo nhân tạo trái phép, bao gồm hải đăng sẽ giúp các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và đường không được thuận tiện. Trong khi Bắc Kinh nói vẫn muốn duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực, một số chuyên gia cảnh báo căng thẳng có thể leo thang vượt ngưỡng kiểm soát: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang dấy lên ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa bằng cách chuyển hướng sang vấn đề Biển Đông”, Willy Lam, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Hong Kong nhận định. “Ông Tập muốn thể hiện rằng mình đủ cứng rắn để đối đầu với Mỹ”.

Willy Lam khẳng định hiện nay người dân Trung Quốc lo ngại về vấn đề nền kinh tế suy yếu chứ không phải các hoạt động quân sự leo thang ở Biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - IBT ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN