Phụ huynh "khóc ròng" vì con nghiện sử dụng điện thoại di động

“Nhiều đêm cả nhà đang ngủ ngon thì con bỗng ngủ mơ và quát tháo ầm ầm những câu như: “Xông lên… bắn nó đi… bắn nát sọ nó đi…” như trong trò chơi điện tử làm mình toát mồ hôi”, chị Ngọc Bích cho biết.

Phụ huynh "khóc ròng" vì con nghiện sử dụng điện thoại di động - 1

Nhiều phụ huynh cho con dùng điện thoại từ rất sớm (ảnh minh họa)

Điện thoại di động ngày càng trở nên thông dụng hơn với cuộc sống, chỉ cần vài trăm nghìn chúng ta đã có thể mua một chiếc ĐTDT có khả năng lướt web, xem phim, nghe nhạc. Nhất là khi ở một số thành phố lớn, bố mẹ đi làm cả ngày không có thời gian đưa đón hay quản lý con nên thường cho con dùng điện thoại di động từ rất sớm. 

Em Nguyễn Khánh Linh (Lớp 5 trường THCS Khương Thượng) cho hay: “Em được bố mẹ cho dùng điện thoại từ khi còn học lớp 4. Trước đó, em đã phải làm cam kết với mẹ là phải tắt máy khi đến trường. Có việc gì gấp hay quan trọng mới được mở máy và liên lạc với mẹ. Đến giờ em vẫn thực hiện cam kết ấy.

Một điều rất tuyệt vời là khi về nhà em được xem phim, được chơi game, lướt web thoải mái. Em coi chiếc điện thoại như một vật bất ly thân vì nó giúp em giải trí, “chém gió” với bạn bè ... Nếu cuộc sống mà không có nó chắc sẽ buồn lắm vì thời gian rảnh rỗi cũng không biết làm gì”.

Một học sinh lớp 5 trường THCS Cầu Giấy chia sẻ: “Năm nay em phải đi học thêm rất nhiều, mẹ em đi làm muộn nên cũng không có thời gian đón. Mẹ thuê một bác xe ôm đưa em đi học. Vì thế, mẹ cho em mang điện thoại đi học để có thay đổi về lịch học thì em chủ động gọi cho bác xe ôm tới đón. Em thấy dùng điện thoại rất tiện lợi”. 

Học sinh này còn cho biết ngoài việc dùng để liên lạc, em dùng điện thoại di động để vào facebook xem tin tức, trò chuyện cùng bạn bè.

Chị Nguyễn Ngọc Bích (Tây Hồ - Hà Nội) cho hay: “Bất đắc dĩ mới phải cho con dùng điện thoại vì nhu cầu liên lạc và kiểm soát con. Tuy nhiên, mình thực sự mệt mỏi khi mỗi lần đi làm về là thấy con “ôm” điện thoại xem phim 5S Online, rồi chơi game… Mẹ thì về nhà là vội vã vào bếp nhưng nhờ con phụ giúp một vài việc thì cứ phải quát rát cổ chúng mới nghe thấy vì đang tập trung xem phim. Nhiều đêm cả nhà đang ngủ ngon thì con bỗng ngủ mơ và quát tháo ầm ầm những câu như: “Xông lên…bắn nó đi…bắn nát sọ nó đi…” làm mình toát mồ hôi”.

Chị Bích cũng cho biết: “Bé nhà mình ngoan lắm, từ bé đã luôn biết nhường nhịn em nhỏ. Thế mà hôm chủ nhật tuần trước, đang nấu cơm thì mình nghe tiếng cô bé 5 tuổi nhà hàng xóm khóc thét, vội chạy ra hành lang mới thấy bé nhà mình thẳng tay túm áo và cào xước mặt cô bé kia vì hai đưa tranh đồ chơi với nhau.

Có hôm đang ăn cơm mà mình bị sốc bởi những câu nói láu cá, “sặc mùi xã hội đen” của con. Hỏi ra thì mới biết những câu nói đó là con bắt chước một chùm xã hội đen trong phim mà con rất thần tượng. Từ hôm ấy mình “tịch thu” điện thoại của con luôn. Bị mẹ cấm điện thoại, cu cậu cũng phản ứng gay gắt lắm nhưng khi mình phân tích kỹ thì con cũng thôi không đòi nữa. Cho con dùng điện thoại khiến mình thực sự rất mệt mỏi”.

Liên quan đến vấn đề này, cô Lê Thị Loan  - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Cho con dùng điện thoại không xấu nhưng làm sao chúng ta phải quản lý được các con. Nếu không kiểm soát được thì việc để các con dùng ĐTDĐ sẽ gây ra những hệ lụy mà người lớn không thể lường trước được.

Có rất nhiều em có những trò đùa “thái quá” như sưu tầm những tư thế “buồn cười” nhất của các bạn trong lớp sau đó phát tán trên facebook. Có thể các em chỉ suy nghĩ đơn giản là làm thế sẽ khiến người khác buồn cười nhưng thực tế đã có rất nhiều học sinh vì bị bạn cùng lớp phát tán hình ảnh “xấu hổ” mà trở nên trầm cảm, thậm chí còn tự tử…Thậm chí, các em còn dùng hình ảnh ấy đe dọa bạn học…

Hay mới đây, một nữ sinh tại trường THCS 15/10 (Mộc Châu, Sơn La) cũng vì cãi nhau trên facebook với bạn cùng lớp, sau đó không giải quyết được mâu thuẫn nên đã tát bạn liên tiếp 52 cái khiến bạn tím mặt và chảy máu mũi. Hơn thế, nhiều học sinh khác trong lớp cũng chứng kiến nhưng không những không can ngăn mà còn quay lại clip. Sau đó đoạn clip ấy đã bị phát tán trên mạng ảnh hưởng đến tâm lý cũng như danh dự của bạn”.

Cũng theo cô Loan, việc cho các em dùng ĐTDT khi mới học tiểu học hay THCS sẽ khiến các em chịu tác động không nhỏ từ những thước phim mang nội dung bạo lực hay những hình ảnh phản cảm. Vì thế, ngoài đời thực khi các em gặp vấn đề và không có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn thì các em sẽ nghĩ ngay tới việc dùng bạo lực và vụ việc nữ sinh tát bạn 52 cái ở Mộc Châu là một ví dụ điển hình.

Vậy nên phụ huynh nên cân nhắc kỹ việc cho con dùng ĐTDĐ và khi để con dùng thì phải có biện pháp để quản lý cũng như bảo vệ con khỏi những hành động tiêu cực, đảm bảo sự phát triển nhân cách của con.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN