Điểm mới trong Luật Giáo dục Đại học

Ngày 1/1/2013 được đánh dấu với sự kiện quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học, Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực. Với các điều khoản chặt chẽ, Luật Giáo dục Đại học được kỳ vọng sẽ khắc phục nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách và tác động tích cực để đổi mới hệ thống giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.

Nhân sự kiện lớn này, Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH  Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, về ý nghĩa của việc này đối với hệ thống GDĐH, các nhà trường và xã hội trước nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày một lớn.

Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm đổi mới thể hiện trong Luật Giáo dục Đại học như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Giáo dục đại học là một hoạt động rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của đất nước. Do đó nó phải được điều chỉnh bởi văn kiện pháp lý cao nhất, đó là Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 vừa qua. Luật Giáo dục Đại học được xây dựng trên tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo của Nghị Quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nên khi thực hiện sẽ có nhiều thay đổi trong hệ thống. Những tồn tại, hạn chế lâu nay không còn phù hợp sẽ phải thay đổi.

Điểm mới trong Luật Giáo dục Đại học - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Giáo dục đại học trước hết cần thoát khỏi tư duy bao cấp để đào tạo những con người năng động, biết thích nghi với mọi môi trường công tác, có thể cạnh tranh tìm kiếm việc làm cho mình và tạo ra việc làm cho người khác trên thị trường lao động. Khi các cơ sở đào tạo được tự chủ, sáng tạo ra cách làm mới thì họ cần phải biết ranh giới được phép làm để phát huy hết năng lực, cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng trong toàn hệ thống.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đầu tư cho GDĐH ở nước ta khó có thể tăng một cách đột biến. Chi phí đơn vị (đầu tư cho mỗi sinh viên trong một năm học) còn rất thấp so với các nước phát triển. Việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên chúng ta không thể chờ đợi đến khi có điều kiện đầu tư cao thì mới nâng cao chất lượng đào tạo. Bài toán đặt ra là làm thế nào cải thiện được chất lượng đào tạo trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Trong điều kiện đó, giải pháp đột phá để tối ưu hóa bài toán đầu tư-chất lượng là đổi mới về cơ chế quản lý.

Trước khi Luật Giáo dục Đại học ra đời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 296 trong đó nêu rõ việc lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo. Điều này đòi hỏi sự đổi mới căn cơ về tư duy từ cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT ở trung ương đến tận cơ sở.

Đổi mới quản lý không thể thực hiện được nếu như quyền tự chủ đại học không được mở rộng. Vậy việc giao quyền tự chủ cho các trường sẽ được thực hiện như thế nào trong những năm sắp tới. Điều này được thể hiện trong Luật như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học được xem là bước cơ bản để chuyển hoàn toàn tư duy bao cấp sang tư duy năng động, sáng tạo trong quản lý đại học. Cơ chế này sẽ bắt buộc các trường năng động, phát huy năng lực sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.

Khi Luật Giáo dục Đại học đi vào cuộc sống, hệ thống các trường đại học của chúng ta sẽ được phân tầng thành các nhóm trường theo mục tiêu đào tạo và xếp hạng theo vị trí, vai trò và kết quả kiểm định chất lượng. Từ đó nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp. Người học, người sử dụng lao động cũng có thông tin về chất lượng của cơ sở đào tạo để lựa chọn. Điều này sẽ thúc đẩy lãnh đạo các trường phải phấn đấu liên tục, nâng cao hiệu quả quản lý để xây dựng thương hiệu chất lượng, đảm bảo sự phát triển lâu dài.

Khi hệ thống các văn bản dưới luật được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức các trường đã được thực hiện theo qui định của luật thì các trường được tự chủ theo đúng tinh thần của Luật giáo dục đại học. Các văn bản liên quan đến việc này gồm tiêu chí cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia, thông tư qui định về tổ chức kiểm định chất lượng, hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học. Các văn bản mới sẽ ban hành cùng với cơ chế giám sát của Hội đồng trường sẽ đảm bảo tính thực thi quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội.

Tự chủ đại học thể hiện sự trưởng thành của hệ thống. Các cơ sở giáo dục đại học cần ý thức rõ quyền tự chủ luôn đi kèm với trách nhiệm giải trình xã hội. Lâu nay người ta nói nhiều đến việc giao quyền tự chủ cho các trường nhưng ít có ai quan tâm đến việc khi các trường thực hiện quyền tự chủ thì người học có được hưởng một chất lượng đào tạo tốt hơn hay không. Khi đội ngũ quản lý ở các nhà trường chưa kịp đổi mới tư duy thì mục tiêu mà chúng ta mong muốn đạt được trong đổi mới quản lý vẫn còn rất xa vời. Ví dụ điển hình nhất là việc Bộ giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục Đại học. Qua kiểm tra, có trên 2/3 số trường vi phạm qui định. Hoặc như các trường ngoài công lập có quyền tự chủ trong đầu tư, quản lý tài chính tài sản nhưng nhiều trường sau nhiều năm hoạt động vẫn tạm bợ cả về cơ sở vật chất và đội ngũ… Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, quyền lợi của người học chưa thực sự là mối quan tâm hàng đầu của các trường khi thực hiện quyền tự chủ. Vì vậy để đảm bảo đạt được mục tiêu tự chủ đại học, Luật Giáo dục Đại học qui định quyền tự chủ được giao cho các trường phải phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục (Khoản 1 Điều 33 Luật giáo dục Đại học).

Thưa Thứ trưởng, trách nhiệm của các nhà trường có gì mới khi thực hiện Luật Giáo dục Đại học?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:  Khi thực hiện Luật Giáo dục Đại học, hệ thống GDĐH sẽ thay đổi theo mục tiêu đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng. Chương trình đào tạo của các trường cũng sẽ được thiết kế theo hướng nghiên cứu hay hướng ứng dụng. Cách tiếp cận quản lý chất lượng cũng thay đổi theo quan điểm không đánh giá kết quả đào tạo bằng số lượng các môn học đã hoàn thành theo chương trình khung qui định mà đánh giá bằng khối lượng kiến thức người học tích lũy được qua mỗi chương trình. Điều này sẽ khuyến khích các trường cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy lãnh đạo các nhà trường phải luôn năng động, cập nhật liên tục nội dung giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, tuyển dụng cán bộ có năng lực chuyên môn cao... Những trường có đội ngũ giáo viên giỏi sẽ thiết kế được chương trình hay, chất lượng đào tạo sẽ cao, tăng uy tín và tạo được sức hút đối với người học, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Bộ GD&ĐT sẽ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật nào cho phù hợp với yêu cầu của Luật Giáo dục Đại học, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Một số qui định trong Luật Giáo dục Đại học đã được Bộ GD&ĐT triển khai ngay từ khi Luật được Quốc hội thông qua ví dụ như việc giao cho các cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí đảm bảo chất lượng qui định hay việc thẩm định mở ngành, việc tổ chức đào tạo sau đại học… Hiện tại Bộ đang tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học, Nghị định về phân tầng, xếp hạng đại học... Đây là những văn bản dưới luật quan trọng cụ thể hóa một số qui định của luật làm cơ sở cho việc thi hành. Có những điểm mới phải có sự phối hợp liên bộ mới có thể triển khai được như những vấn đề về tài chính đại học, khung lương của giảng viên... Trong phạm vi quyền hạn của Bộ GD&ĐT, trong năm 2013, Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh những hoạt động của ngành theo qui định của luật như củng cố chất lượng hệ đào tạo không chính qui, phát triển chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, giao tự chủ tuyển sinh cho các trường thuộc khối ngành năng khiếu, nghệ thuật, thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức kiểm định chất lượng…

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bạch Ngọc Dư (Giáo dục & thời đại)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN