Hát càng ngốc nghếch càng được mê

Kể từ khi xuất hiện trên Internet vào tháng 8-2016, bản nhạc ngắn PPAP (Pen-Pineaple-Apple-Pen hay Bút-Dứa-Táo-Bút) đã biến DJ người Nhật Piko Taro trở thành người nổi tiếng toàn cầu “chỉ sau một đêm”.

Kể từ khi bắt đầu lan truyền mạnh mẽ trên Internet, vô số các kênh YouTube, các tài khoản Facebook, Twitter đã diễn lại bản nhạc của Piko Taro. Hiện Piko Taro đang lên kế hoạch cho ra mắt một album mới trong tháng 12 này.

Cả thế giới phát cuồng mà chẳng hiểu vì sao

Bản nhạc kéo dài vỏn vẹn 45 giây đã thu hút hơn 92 triệu lượt xem trên YouTube, đánh bật bản hit EDM đình đám Closer của cặp DJ The Chainsmokers. PPAP trở thành ca khúc ngắn nhất trong lịch sử từng lọt vào tốp 100 của bảng xếp hạng âm nhạc Billboard.

Ngôi sao âm nhạc của Canada Justin Bieber gọi PPAP là “video âm nhạc ưa thích nhất trên YouTube” của anh. Cặp đôi DJ The Chainsmokers còn tự nguyện đổi tên tài khoản Twitter của mình thành “Pineapple & Pen” như một cách bày tỏ sự thích thú và lời chúc mừng cho bản nhạc của DJ Nhật Bản.

Hát càng ngốc nghếch càng được mê - 1

DJ Piko Taro và bản nhạc “Bút-Dứa-Táo-Bút” trở nên nổi đình nổi đám kể từ đầu tháng 9 đến nay. Ảnh: AP

Bản nhạc đang được “cover” bằng đủ loại ngôn ngữ, đủ kiểu trang phục và diễn xuất, đủ thể loại nhạc từ rock đến ballad,… PPAP đã trở thành một hiện tượng mang tính toàn cầu. Chia sẻ với tờ Japan Times, DJ Piko Taro nói đùa: “Không có PPAP, chắc chỉ khi nào tôi là nguyên nhân gây ra chiến tranh thì tôi mới nổi tiếng được đến thế này”.

Nhu cầu… tẩy não

Tờ Japan Times cho biết DJ sinh năm 1973 bấy lâu chỉ mới là một nghệ sĩ tầm trung, đủ đáng chú ý để xuất hiện trong vài quảng cáo của các siêu thị Seven-Eleven và làm khách mời cho vài chương trình giải trí truyền hình nhưng chưa bao giờ thật sự tỏa sáng.

Chưa từng có bản nhạc hay sản phẩm hài nào của Nhật có sức lan tỏa mạnh đến vậy trong thời đại truyền thông mạng xã hội, tờ Japan Timesnhận định. Thế nhưng PPAP được chia sẻ mạnh mẽ đến vậy không phải vì nó là một sản phẩm đỉnh cao của âm nhạc, cũng không phải vì nó có những lời ca làm rung động lòng người.

“Tôi có một cây bút. Tôi có một quả táo. Bút táo! Tôi có một cây bút. Tôi có một quả dứa. Bút dứa! Bút táo. Bút dứa. Bút dứa táo bút” chính là toàn bộ phần lời của bài hát PPAP. Chính ca từ cực kỳ đơn giản, nếu không nói là gần như vô nghĩa, cộng với điệu nhạc cũng đơn giản không kém và được lặp lại toàn bài đã khiến PPAP trở nên nổi tiếng. Chỉ cần nghe một đến hai lần, bản nhạc này sẽ “ăn sâu” vào đầu bạn và bạn sẽ nhẩm hát theo cả một thời gian dài mới “cai nghiện” được.

Các trang bình luận hiện tượng mạng này gọi PPAP là một dạng nhạc “tẩy não”, thường có ca từ lặp đi lặp lại và dễ nhớ, giúp người nghe không cần phải nghĩ đến bất kỳ điều gì khác. “Bản thân tôi khi tạo ra bản nhạc này, tôi không muốn phải suy nghĩ quá nhiều về nó, tôi chỉ muốn cảm nhận giai điệu tạo ra bởi các từ ngữ mà thôi” - DJ người Nhật trả lời tờ Japan Times.

Ngoại hình kỳ dị phục vụ cho… ảnh chế

Một bản nhạc “tẩy não” khác cũng từng nổi đình nổi đám trên Internet trong một thời gian dài chính là Gangnam Style của DJ Hàn Quốc SPY. Điểm chung của các bản nhạc có khả năng “tẩy não” chính là chất hài hước và ngớ ngẩn của chúng. Cũng như những cảnh quay hài hước của SPY trong video âm nhạc Gangnam Style, Piko Taro trong PPAP có những điệu nhún nhảy đơn giản, dáng người cao đến 1,86 m - khá “dị” đối với dân châu Á, cặp mắt kính hài hước, bộ ria mép và bộ đồ da báo màu vàng lạ lùng. Những yếu tố này có tiềm năng rất lớn để phục vụ một xu hướng hoạt động nổi bật trên mạng xã hội là trào lưu “ảnh chế” hay còn gọi là “meme”.

Với môi trường mạng xã hội, các “meme” xuất hiện liên tục, đủ kiểu sáng tạo và lan nhanh như nấm mọc sau mưa. Và những thứ càng đơn giản thì mức độ “chế lại” và lan tỏa sẽ càng nhanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Nhân ([Tên nguồn])
Ngôi sao ca nhạc thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN