Chuyện cưới vợ của người thầy viết chữ bằng miệng

Anh vẫn thầm cảm ơn chị đã thương yêu, lo lắng và cho anh một gia đình hạnh phúc.

Không đi lại được bằng đôi chân nên dù rất muốn nhưng không tài nào anh gặp được chị. Anh Trường chỉ vẻn vẹn biết chị tên Hường. Anh gửi một lá thư dài hơn 3 trang giấy được anh nắn nót viết bằng miệng để bày tỏ lòng mình. Trong thư anh cũng mời chị đến nhà chơi. Anh kể cho chị nghe tình hình bệnh tật của anh và chia sẻ với chị những điều anh trăn trở, người phụ nữ lấy anh làm chồng sẽ phải chấp nhận khó khăn.

Trong thư anh viết: “Cuộc đời tôi rất khổ, có chân, có tay nhưng không sử dụng được, em có chấp nhận được không? Lấy vợ, lấy chồng ai cũng mong muốn có con có cái, nhưng trời có thể sẽ không cho tôi. Không phải ai nên vợ, nên chồng là sẽ sống đến đầu bạc răng long, mà tôi lại tật bệnh thế này, gia đình chỉ có thể bền vững khi vợ tôi trước nhất là phải thương tôi, thương tôi mà trọng tôi, chứ không phải là thương hại".

Chuyện cưới vợ của người thầy viết chữ bằng miệng - 1

Tổ ấm hạnh phúc của anh Phùng Văn Trường. Ảnh: Ngọc Thi

Nhận được thư của anh, chị Hường hiểu phần nào về chàng trai tội nghiệp, lời nói từ tim, gan khiến chị thương anh nhiều hơn. Lần đầu gặp gỡ, chị Hường và mấy người bạn đến nhà. Anh Trường nhớ như in ánh mắt cô gái nhìn mình. Đó là ánh mắt rưng rưng, chứa đựng sự thương cảm.

Ban đầu, khi biết chị đem lòng yêu và muốn tính chuyện trăm năm với anh Trường, gia đình chị phản đối kịch liệt. Mặc dù khó khăn trong việc đi lại nhưng người nhà thuê xe bảo anh đến nhà nói chuyện với bố mẹ chị, mong họ tát thành.

Thương yêu, sợ con gái khổ nhưng rồi bố chị đã mủi lòng. Nói chuyện với chàng trai trước mặt ông thấy thương hơn bao giờ hết. Đồng thời, ông cũng tin sự lựa chọn của con gái bởi ông nhìn thấy sự thánh thiện trong con người anh.

Cuối năm 2012, đám cưới của họ diễn ra. Tình cảm của họ hàng dành cho đôi uyên ương không thể diễn tả bằng lời. Chú rể bảnh bao trong âu phục chỉnh tề, cô dâu đằm thắm trong tà áo dài truyền thống. Có điều, mang trong mình nỗi mặc cảm nên chú rể đến đón dâu không dám nhìn ngang dọc bởi sợ bắt gặp ánh mắt không came thông. Ngày đó, người anh trong họ bế anh vào nhà.

Anh nghe được lời cô bác trong đám hỷ nói với nhau: “Mặt mũi khôi khô, trong hiền lành mà bị thế này tội quá”. Với anh, nghe được những câu này là sự an ủi lớn.

Anh Trường không thể quên được giây phút nghẹn ngào hạnh phúc trong ngày cưới. “Khi anh trai bế tôi vào làm lễ ở họ nhà gái, có vài người lén lau nước mắt. Có người đến nắm tay, chúc vợ chồng tôi hạnh phúc. Lúc đó, tôi chỉ biết cảm ơn cuộc đời đã cho tôi quá nhiều đặc ân”.

Không lâu sau, anh chị có tin vui, bé Phùng Thiên Trường Quảng ra đời, gia đình nhỏ lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói tiếng cười. Nhìn con trai đầu lòng khỏe mạnh, lành lặn, anh như được tiếp thêm sức lực để chiến đấu với căn bệnh teo cơ quái ác. Với anh chị, giờ đây, bé Trường Quảng là niềm hi vọng, là mầm sống để cả hai gửi gắm những ước mơ, hoài bão của cuộc đời

Chung sống với nhau đến nay đã 4 năm, anh chị thi thoảng cũng có những lúc cơm không lành canh chẳng ngọt nhưng mỗi người luôn nhắc mình nhịn một tý. Anh vẫn thầm cảm ơn chị đã thương yêu, lo lắng và cho anh một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Thi ([Tên nguồn])
Những câu chuyện tình yêu cảm động nhất Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN