Nỗi đau cựu bác sĩ 10 năm đợi ngày trả án tử

Có lẽ trong trại giam Bắc Giang (Công an tỉnh Bắc Giang) Vũ Năng Sỹ (SN 1968, quê Phú Bình, Thái Nguyên) là môt trong những tử tù đặc biệt nhất của trại giam khi phải ngồi chờ thi hành án đến 10 năm.

Nỗi đau cựu bác sĩ 10 năm đợi ngày trả án tử - 1

Với Vũ Năng Sỹ, án tử ngày nào giờ đã như "'bát nước nguội dần", Sỹ mong ngày trả án sớm hơn

Ngày chúng tôi gặp Sỹ phòng biệt giam của trại tạm giam Bắc Giang (Công an tỉnh Bắc Giang), Vũ Năng Sỹ đã khá hơn rất nhiều, các giám thị ở trại cũng cho biết tình hình tư tưởng của Sỹ đã tốt hơn và rất có ý thức.

Khuôn mặt bảnh bao, cách ăn nói rất có học thức của một vị cựu bác sỹ, chúng tôi thấy, trong ánh mắt của Vũ Năng Sỹ sự mệt mỏi, chán chường dường như đã được vượt qua.

Theo hồ sơ vụ án và lời tự thuật của Sỹ, cuộc đời Sỹ gắn liền với 2 người đàn bà, người vợ đồng thời cũng là mối tình đầu của Sỹ, người đã song hành những ngày gian khó, giờ lại bao dung chăm sóc 2 đứa con Sỹ lên người và người đàn bà nhân tình – Nguyễn Thị Ngọc, cũng là mối tình tội lỗi ngoài luồng góp phần đưa Sỹ đến án tử.

Hai người đàn bà ở hai thái cực khác nhau đã đưa cuộc đời của Sỹ đến những bi kịch. Bi kịch của những đam mê xác thịt, sự hào nhoáng của đồng tiền tội lỗi và bi kịch bởi sự ân hận trước tấm lòng bao dung của người vợ hiền mà Sỹ từng phụ bạc.

Trước khi sa chân vào cùm tử tội, Sỹ được đánh giá là bác sỹ có chuyên môn tốt, một gia đình viên mãn với người vợ hiền và hai đứa con học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Thế nhưng hạnh phúc của Sỹ bị chính Sỹ đạp đổ với những đam mê xác thịt với người đàn bà đa tình Nguyễn Thị Ngọc.

Trong những năm công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lương, Sỹ thường tiếp xúc với các đối tượng nghiện ma túy được đưa đến cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện huyện Phú Lương. Cũng chính tại đây, Sỹ đã tiếp xúc với Ngọc.

Ngọc là một người đàn bà có nhan sắc mặn mà nhưng cuộc sống không hạnh phúc bởi người chồng nghiện ngập. Găp Sỹ, vị bác sỹ đẹp trai, ga lăng lại có học thức nên những khao khát yêu thương của Ngọc trỗi dậy hơn bao giờ hết.

Và điều gì đến đã phải đến, Sỹ đã không vượt qua nổi sự cám dỗ của xác thịt và ước vọng làm giàu bất chính mà Ngọc đã vẽ ra. Sỹ chính thức hùn vốn tham gia vào đường dây ma túy của Ngọc.

Mắc phải lưới tình của sơn nữ vùng cao, thứ tình cảm "ngoài chồng, ngoài vợ" đã khiến Sỹ mù quáng, lầm đường lạc lối khi góp sức với người tình đi buôn ma túy.

Điểm hẹn của đôi tình nhân là các nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cuộc tình tội lỗi của Sỹ và Ngọc kéo dài hơn 2 năm, cho đến tận khi cả Sỹ và Ngọc bị bắt trong vụ án ma túy do Công an tỉnh Bắc Giang bóc gỡ, mối quan hệ vụng trộm ấy mới kết thúc.

Theo hồ sơ vụ án, trong tháng 9/2004, đường dây này liên tục mua bán, vận chuyển hêrôin với khối lượng hàng chục bánh từ Thái Nguyên lên Cao Bằng bán. Vũ Năng Sỹ 9 lần mua bán tổng số 10 bánh 6 cây hêrôin, Nguyễn Thị Ngọc 9 lần mua bán 9 bánh, 9 cây.

Tiền bạc và ái tình đã khiến một bác sĩ học hành đầy đủ, lại thừa hiểu biết về tác hại của ma túy như Sỹ lại trượt dốc không phanh. Sỹ bị bắt khi các con còn quá nhỏ. Đã 10 năm sau ngày Sỹ thấy trời tối sầm sau khi nhận án tử.

Trong khoảng thời gian ấy, Sỹ đã chứng khiến sự ra đi của không biết bao nhiêu bạn tù. Thế nhưng, với Sỹ, số phận đã khiến anh ta mòn mỏi sống trong những lo âu, sự chờ đợi đôi lúc đã vượt quá sức chịu đựng.

Trong câu chuyện của chúng tôi và Sỹ, Sỹ nói nhiều về những điều “thiện” trong cuộc sống, Sỹ bảo cuộc đời Sỹ đến bây giờ đã được “giải thoát” khi những người thân của Sỹ đã tha thứ, bao dung cho những tội lỗi của Sỹ vấp phải.

Sỹ tâm sự: “Giờ có hối thì đã quá muộn. Tôi đã tự đưa mình vào “con đường chết” nên không trách ai được”.

Như vượt qua những sự rằn vặt lương tâm đó, đến bây giờ, Sỹ chỉ đợi “ngày đi”. Cũng chính sự tha thứ của con cái, sự chấp nhận bỏ qua quá khứ đã khiến lòng Sỹ như “bát nước nguội dần” chờ đợi ngày dài biền biệt trong phòng biệt giam.

Từng ấy thời gian là những ngày dài mòn mỏi Sỹ dằn vặt về mối tình tội lỗi mà Sỹ và người đàn bà giang hồ trong đường dây ma túy bị bại lộ.

Mối tình tội lỗi ấy đã bị phơi bày trước mặt vợ Sỹ. Vậy mà chừng ấy năm, chị đã chăm sóc các con, động viên thăm hỏi chồng bằng long bao dung độ lượng của một người vợ, người mẹ.

Hạnh phúc của Sỹ và vợ được xây dựng bằng tình yêu, khi chính tay mình đạp đổ, Sỹ mới nhận ra rằng tình cảm của “mối tình đầu” dành cho mình vô cùng rộng lượng. Chị đã cư xử theo cách của một người có học, dù trong cuộc sống của người phụ nữ ấy luôn có ngày nhận tin Sỹ phải trả án.

Trước tấm lòng của vợ, Sỹ đã mắc nợ người phụ nữ ấy cả đời. Với Sỹ, dường như sau những vấp váp cuộc đời, Sỹ mới hiểu rõ giá trị của vợ, nhiều lúc Sỹ thầm ước được tựa vào vai vợ, được nghe lời trách móc của vợ cho những việc làm tội lỗi của mình. Thế nhưng bờ vai ấy chỉ có trong tâm tưởng của Sỹ.

Nhắc về các con, Sỹ gượng cười và nhìn vào hư không tâm sự: “Giờ chỉ có con cái là niềm an ủi lớn nhất với tôi. Vừa rồi cháu thứ hai đã đỗ vào đại học. Con lớn đã có công việc ổn định, thỉnh thoảng vẫn đến thăm bố. Vợ tôi là giáo viên nên có điều kiện chăm sóc, dạy bảo con. Đời tôi thế là hết, giờ con cái ngoan ngoãn học hành đỗ đạt là tôi thấy an lòng”.

Khi được hỏi hai đứa con sao không ai theo nghề bố, Sỹ bảo: "Vợ cũng đã hướng nghiệp cho con đầy đủ, theo nghề bố thì vất vả lắm”.

Đã 10 năm sau khi sa chân vào cùm của tử tội, Sỹ đã chứng kiến không ít bạn tù của mình đi thi hành án, còn bản thân Sỹ vẫn ngày ngày chấp chới trong ranh giới sự sống và cái chết, hi vọng và tuyệt vọng. Khi nói chuyện với chúng tôi, Sỹ bảo, bản thân Sỹ đã vượt qua sự sợ hãi của những sớm mai chờ đợi một ngày mới để đi trả án.

Mong cho cuộc đời bớt đi điều ác

Đoạn cuối câu chuyện với chúng tôi, Sỹ liên tục nhắc về sự sám hối, lương tâm và điều thiện. Sỹ bảo: “Trước khi ra đi tôi cũng chẳng biết nói gì hơn, chỉ mong cuộc sống bên ngoài kia bớt đi điều ác. Với những kẻ đã sa chân vào cùm tử tội như chúng tôi mới thấu hiểu. Tội ác mà mình gieo rắc cho cộng đồng quá lớn. Nhưng cuộc đời không cho ai chữ giá như khi tội mình gây ra quá lớn. Tôi đã căm ghét chính tôi và thương vợ con, vì tôi mà gia đình khổ. Biết là mọi chuyện đã quá muộn và hi vọng ngày “đi” sẽ sớm hơn để tôi thỏa ý nguyện.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Phương - Chí Công ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN