Từ "trùm" buôn chuối đến Tổng thống Haiti và kết cục bị ám sát

Xuất thân là một doanh nhân xuất khẩu chuối, Jovenel Moise trở thành nhân vật quyền lực nhất ở Haiti vào năm 2015 và đề ra nhiều cải cách quan trọng, khiến ông có nhiều kẻ thù.

Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát ở tuổi 53.

Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát ở tuổi 53.

Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát vào rạng sáng ngày 7.7 trong một cuộc đột kích vào dinh thự ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince. Cái chết của Moise đã tạo nên cơn địa chấn trên thế giới.

Jovenel Moise, 53 tuổi, xuất thân là một doanh nhân xuất khẩu chuối, người gây nhiều tranh cãi ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị. 

“Tôi vẫn luôn là chính mình”, ông Moise tuyên bố khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.2016, bác bỏ nghi ngờ cho rằng mình chỉ là con rối của người tiền nhiệm Michel J. Martelly.

Trong những năm cuối nhiệm kỳ, ông Moise đối mặt làn sóng chỉ trích về việc thâu tóm quyền lực. “Tôi không phải là nhà độc tài,” ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Mỹ New York Times vào đầu năm nay.

Xuất thân là doanh nhân

Moise sinh ra ở thành phố Trou-du-Nord, trong một gia đình có bố là thương nhân và mẹ là thợ may. Ông tốt nghiệp Đại học Quisqueya, kết hôn với người bạn cùng lớp Martine Moise, rời thủ đô Port-au-Prince để tới vùng nông thôn làm việc.

Ban đầu, ông đầu tư vào các doanh nghiệp liên quan đến ô tô, rồi tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.

Năm 2014, công ty tài chính nông nghiệp Agritrans của Moise mở đồn điền trồng chuối, tạo công ăn việc làm cho 3.000 người.

Moise đắc cử trong cuộc bỏ phiếu tháng 11.2016.

Moise đắc cử trong cuộc bỏ phiếu tháng 11.2016.

Công việc kinh doanh phát đạt đã khiến Moise được chú ý với biệt danh "Người đàn ông Chuối". Với tư cách nhà xuất khẩu chuối, Moise có cơ hội gặp Tổng thống Haiti Michel Martelly vào năm 2014.

Martelly chọn Moise trở thành người kế nhiệm trong cuộc bầu cử tiếp theo, dù doanh nhân này không có kinh nghiệm chính trị và gần như không có tên tuổi trên chính trường. Đó là lý do nhiều người cáo buộc Moise là “con rối” của Martelly.

Các chính trị gia ủng hộ Moise vì cho rằng ông sẽ được cử tri hoan nghênh do doanh nhân này có nền tảng liên quan đến nông nghiệp. Moise giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử mà phần lớn cử tri làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gây hiềm khích với giới thượng lưu

Sau khi đắc cử Tổng thống, Moise bị cáo buộc hành xử ngày càng giống một "kẻ độc tài", khi ông tìm cách củng cố quyền lực, theo New York Times.

Năm 2017, ông đã hồi sinh quân đội Haiti sau hai thập kỷ bị giải tán và tạo ra một cơ quan tình báo với quyền hạn giám sát lớn trong nước. 

Từ đầu năm ngoái, Moise đã điều hành đất nước bằng sắc lệnh khi nước này không có cơ quan lập pháp. Quốc hội Haiti đã giải tán vào đầu năm 2020 khi nhiệm kỳ của các nhà lập pháp kết thúc và cho đến nay vẫn chưa có cuộc bầu cử mới.

Moise xuất hiện trong một sự kiện diễn ra vào tháng 10.2020.

Moise xuất hiện trong một sự kiện diễn ra vào tháng 10.2020.

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Haiti vì tình trạng thiếu khí đốt, mất điện, lạm phát cao và điều kiện sống ngày càng tồi tệ, cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Phong trào biểu tình lan rộng vào đầu năm nay, sau khi Moise từ chối tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới. Ông cho rằng nhiệm kỳ của mình kéo dài đến ngày 7.2.2022, trong khi phe đối lập nói nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào ngày 7.2.2021.

Nguyên nhân là do Moise được bầu trong một cuộc bỏ phiếu năm 2015 nhưng bị hủy bỏ vì gian lận. Ông được bầu lại vào tháng 11.2016 và nhậm chức vào tháng 2.2017.

Trước khi bị ám sát, Moise được cho là đã lên kế hoạch thay đổi Hiến pháp Haiti để tăng cường quyền lực của tổng thống và giúp kéo dài thời gian cầm quyền.

"Lịch sử sẽ ghi nhớ Moise như một người cứng đầu và dũng cảm, biết mình muốn gì và sẵn sàng chiến đấu vì nó", Pierre Reginald Boulos, lãnh đạo doanh nghiệp thuộc phe đối lập, nói. Boulos từng giúp Moise đắc cử nhưng sau đó quan hệ giữa hai người rạn nứt do ông này bị đơn vị chống tham nhũng của chính phủ điều tra.

"Từ những gì tôi biết về ông ấy, đây là một người thực sự muốn thấy sự thay đổi ở Haiti. Tôi nghĩ rằng ông ấy mong muốn được nhìn thấy một Haiti đổi mới”, Boulos nói. "Tuy nhiên khi đã vạch ra mục tiêu trong đầu, ông ấy trở nên mù quáng".

Không chỉ gây căng thẳng với phe đối lập, Moise còn trực tiếp đánh mạnh vào lợi ích của giới siêu giàu ở Haiti.

Không chỉ gây căng thẳng với phe đối lập, Moise còn trực tiếp đánh mạnh vào lợi ích của giới siêu giàu ở Haiti.

Khi được hỏi ai là người muốn sát hại Tổng thống Haiti, Boulos nói: “Tất cả mọi người, kể cả tôi”.

Ngay cả những người chỉ trích Moise cũng tán thành việc ông đã sử dụng quyền lực để cố gắng chấm dứt thế độc quyền cung cấp hợp đồng béo bở của giới tài phiệt. 

Điều đó khiến ông càng có thêm nhiều kẻ thù. Nhưng cũng có những người coi nỗ lực này là đạo đức giả vì ông cũng chẳng khác gì họ.

“Đối với một số người, ông ấy là kẻ tham nhũng, nhưng với những người khác, ông ấy là nhà cải cách", Leonie Hermantin, nhà hoạt động cộng đồng người Haiti ở Miami, cho biết. "Ông ấy là một người đang cố gắng thay đổi đất nước, đặc biệt là về khía cạnh tiền bạc và ai là người có quyền kiểm soát các hợp đồng cung cấp điện”.

Simon Desras, cựu thượng nghị sĩ đối lập ở Haiti, nói rằng Moise dường như biết cuộc chiến chống lại những nhà tài phiệt và những người quyền lực sẽ khiến ông đối diện với cái chết.

“Moise từng nói về việc chấm dứt hợp đồng của giới siêu giàu ở Haiti”, Desras nói. “Ông ấy nói rằng mình có thể chết vì lý do này, bởi vì những người đó đã quen với việc giật dây các vụ ám sát và đẩy đối thủ phải sống lưu vong”.

Nguồn: [Link nguồn]

Haiti: 200 năm dữ dội và đẫm máu với hàng loạt tổng thống bị lật đổ, sát hại

Tổng thống Haiti Jovenel Moise gần đây bị ám sát không phải là nạn nhân duy nhất của bạo lực chính trị kể từ khi quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Tổng thống Haiti bị ám sát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN