Đồng minh thân cận của Nga nhận 500 triệu USD, ngả về phía Trung Quốc?
Khi Belarus nhận được khoản vay 500 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vào cuối tháng trước, quốc gia này đã công bố thông tin với một giọng điệu như muốn thách thức Nga.
Alexander Lukashenko bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Belarus và Nga duy trì quan hệ liên minh thân cận kế thừa từ thời Liên Xô. Nga không chỉ cung cấp cho Belarus nguyên liệu thô mà còn đề nghị cộng đồng quốc tế có cái nhìn tốt hơn, giúp Belarus hội nhập kinh tế thế giới từ năm 1996.
Trước khi thỏa thuận Belarus-Trung Quốc được ký kết, Nga từng hứa về một khoản vay ưu đãi 600 triệu USD. Vậy nên khi Bộ trưởng Tài chính Belarus Maksim Yermalovich công bố thỏa thuận, ông đã nhấn mạnh rằng Minsk không cần tiền của Moscow nữa.
“Chúng tôi không còn cân nhắc khoản vay từ chính phủ Nga và không tiếp tục đàm phán”, ông Yermalovich nói. “Chúng tôi không trong mong gì từ Nga và không có bất cứ đề nghị gì với Nga”.
Nga đã nhanh chóng chối bỏ khoản vay dự định cấp cho Belarus, nhưng một số nhà phân tích nhận định mối quan hệ kinh tế và an ninh phát triển nhanh chóng giữa Belarus và Trung Quốc có thể thổi bùng lên mâu thuẫn mới trong khu vực.
Belarus nằm trên con đường hàng hóa Trung Quốc vào châu Âu.
“Sau khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ, Trung Quốc dĩ nhiên không chỉ quay sang mời gọi Belarus về mặt kinh tế, mà còn cả chính trị, quân sự”, Arseny Sivitski, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại và chiến lược tại Minsk, nói.
Cả hai bên đều có lý do riêng để thúc đẩy mối quan hệ này. Nhận thấy tấm gương từ Ukraine, Belarus coi Trung Quốc là đối tác tiềm năng thay thế cho Liên minh châu Âu (EU).
Bắc Kinh muốn mở con đường mới sang châu Âu, khi Ukraine không còn là lựa chọn khả dĩ. Chiến lược này nằm trong Sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Yury Shevtsov, giám đốc Trung tâm hội nhập châu Âu, nhận định Belarus đang tận dụng mối quan hệ với Trung Quốc để tích cực đàm phán có lợi hơn với Moscow.
“Quan hệ Belarus-Trung Quốc đã khởi sắc kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Belarus trông chờ sự giúp đỡ hơn nữa từ Trung Quốc, hơn là cứ chờ đợi Nga”, Shevtsov nói.
Thương mại giữa hai nước năm 2018 tăng 17,1%, đạt ngưỡng 3,5 tỉ USD và chỉ xếp sau Nga. Bắc Kinh cũng tăng cường đầu tư vào Belarus mà điển hình là khoản vay 500 triệu USD.
Dự án Khu Công nghiệp Đá Lớn đã thu hút vốn đầu tư 1 tỉ USD.
Hồi tháng 4, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko có chuyến thăm Trung Quốc, hoàn tất hai thỏa thuận. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cấp 100 triệu euro cho ngân hàng Belarusbank, trong khi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đồng ý cung cấp 65,7 triệu euro cho Đường sắt Belarus.
Dự án tham vọng nhất của Belarus với Trung Quốc cho đến nay là Khu Công nghiệp Đá Lớn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng gọi khu phức hợp rộng 112 km2 ở ngoại ô Minsk với 200.000 công nhân này là “viên ngọc”.
Đó không chỉ là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Belarus, mà còn là dự án đầu tư kinh tế lớn nhất ở nước ngoài của Trung Quốc.
Cho đến nay, Khu Công nghiệp Đá Lớn đã thu hút 1 tỉ USD đầu tư với 56 công ty, bao gồm các gã khổng lồ của Trung Quốc như Huawei hay ZTE.
“Vị trí đắc địa của Belarus có thể giúp hàng hóa Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu”, Du Xiaofeng, phó chủ tịch nhà thầu xây dựng Thành Đô, nói trên tờ China Daily.
“Trung Quốc đang chuyển trọng tâm đầu tư từ Ukraine sang Belarus vì quốc gia này ổn định, thân thiện hơn với các nguy cơ xung đột quân sự, mâu thuẫn chính trị ở mức thấp”, Sivitski nói.
Đoàn tàu từ Thẩm Quyến đến thủ đô Minsk, Belarus.
Mặc dù là đồng minh thân cận nhất của Nga, Belarus có lẽ đã nhìn thấy tấm gương Ukraine, nên không muốn Nga can thiệp quân sự quá sâu vào quốc gia này.
Belarus dường như cũng cảm thấy phật ý khi Nga không bán các tổ hợp tên lửa Iskander cho mình với giá rẻ. Một lần nữa, Belarus lại quay sang Trung Quốc với việc Bắc Kinh giúp chế tạo mẫu tên lửa nội địa Polonez.
Khi được hỏi về khoản vay 500 triệu USD, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, nói đó không phải vấn đề của Nga. “Chúng tôi không thể đưa ra bình luận về khoản vay từ phía Trung Quốc. Đó là vấn đề của những người đồng chí Belarus”.
Nhưng theo Sivitski, Nga có lý đo để quan ngại. Đó là bởi một khi thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc thì Belarus có thể tận dụng mối quan hệ này để ngả về phía châu Âu. Một khi điều đó xảy ra, Belarus không còn lý do để nằm trong Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) mà Nga là trọng tâm.
Sivitski lưu ý rằng Nga từng phản đối kịch liệt nỗ lực của Ukraine trong việc ký thỏa thuận hợp tác với EU. Chính Trung Quốc đã khuyên Ukraine làm như vậy.
Không loại trừ khả năng một khi đã trở thành “bạn”, Bắc Kinh có thể tích cực khuyến khích Minsk hướng tây nhiều hơn, Sivitski nhận định.
Trung Quốc cam kết đầu tư 9 tỉ USD vào Philippines kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền nhưng các dự...
Nguồn: [Link nguồn]