Brave – Điềm gở của hãng phim Pixar?
Brave có một câu chuyện dễ hiểu, dễ cảm, dễ hài lòng, nhưng cũng dễ quên như mọi câu chuyện cổ tích khác.
Kể từ khi ra mắt bộ phim đầu tiên Toy Story vào năm 2005, hãng phim Pixar đã liên tiếp đưa tới công chúng những tác phẩm hoạt hình xuất sắc. 10 tác phẩm sau đó, từ A Bug’s Life cho tới Toy Story 3, đều thành công vang dội cả về doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật.
Bằng chính thực lực của mình, hãng phim còn rất trẻ Pixar đã tạo được dấu ấn lớn trong lòng khán giả hâm mộ điện ảnh. Và trong năm 2012, bộ phim thứ 13 của hãng có tên Brave (tên tiếng Việt: Công chúa tóc xù) đã chính thức ra mắt, đem đến một hiện thực không mấy sán lạn của Pixar. Sự ra đi của Chủ tịch Steve Jobs và việc sáp nhập vào Disney dường như gây ra cho Pixar nhiều ảnh hưởng xấu hơn là ta tưởng.
Brave - bộ phim thứ 13 của hãng Pixar
Lướt sơ qua nội dung nhiều bộ phim của Pixar trước đây, ta luôn thấy rõ tính độc đáo ở từng tác phẩm. Đồ chơi có thể cử động và chúng luôn tìm về chủ nhân để được yêu thương. Một chú cá hề vượt cả đại dương bao la để đi tìm đứa con trai Nemo của mình. Một gia đình siêu nhân giải nghệ phải đương đầu với kẻ ác vốn là fan hâm mộ siêu nhân. Một ông già cột hàng triệu quả bóng bay để đưa cả căn nhà của mình bay tới Nam Mỹ theo ước nguyện của người vợ quá cố.
Chỉ có Pixar mới đủ khả năng nghĩ ra những ý tưởng bay bổng tới vậy, và cũng chỉ Pixar với tài năng thấu hiểu tuyệt vời mới có thể biến chúng thành những thước phim đầy ma thuật và rung động tới đáy lòng người.
Up - bộ phim thành công của hãng Pixar trước đó
Do đó, ngay từ khi Pixar công khai ý tưởng làm một bộ phim cổ tích, với công chúa và bối cảnh thần thoại, nhiều người tỏ ra hào hứng với hy vọng Pixar sẽ đem đến một không khí mới cho dòng phim cổ tích đang đi vào lối mòn. Cho dù kỳ vọng có bị sứt mẻ bởi bộ phim thảm bại về nội dung, Cars 2, nhưng ai cũng đều muốn tin vào chuyện “phong độ nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”.
Thế nhưng, với Brave, hãng Pixar đã lại phụ lòng mong đợi của khán giả. “Bộ phim thứ 13 quái gở” không phải là bộ phim đưa Pixar trở lại mạch chiến thắng quen thuộc, mới bị Cars 2 làm chệch hướng trong năm 2011. Nó chỉ chứng minh được rằng, phong độ của Pixar vẫn chưa sung mãn như trước.
Nói vậy không có nghĩa rằng Brave là một bộ phim quá dở. Với nội dung theo chân Merida, một công chúa tóc xù giỏi bắn cung, đây là bộ phim đầu tiên đưa tới một mẫu anh hùng đặc biệt nhất của Pixar từ trước tới nay – một cô gái. Không chỉ thế, đây còn là cô công chúa đầu tiên của Pixar (và Disney) không yêu một chàng hoàng tử nào.
Quyết tâm đi theo con đường riêng của mình, Merida không cưới 1 trong 3 hoàng tử được tiến cử, theo phong tục lâu đời được đặt ra bởi ba vị lãnh chúa của vương quốc. Những hành động của Merida đã gây ra sự náo loạn trong vương quốc và sự tức giận từ phía người mẹ - hoàng hậu.
Brave đưa ra một mẫu anh hùng đặc biệt nhất của Pixar từ trước tới nay – một cô gái
Trái với suy đoán của nhiều người, bộ phim Brave tập trung khai thác tình mẫu tử cảm động và tình yêu thương gia đình một cách đầy bi tráng. Merida đã tìm đến mụ phù thủy lập dị và nhận được một điều ước đầy rủi ro – biến hoàng hậu trở thành một con thú gớm ghiếc. Những sự kiện và mối đe dọa sau đó đã buộc Merida phải dùng tới mọi kỹ năng và tình yêu thương của nàng để đảo ngược một lời nguyền trước khi quá muộn.
Qua hành trình gian nan này, cô công chúa khám phá ra ý nghĩa đích thực của lòng quả cảm và sự gắn kết gia đình. Bộ phim được làm theo lối kể truyện kinh điển của Disney, đem tới một câu chuyện bình thường mà khá xúc động.
Thế nhưng, “bình thường” đã là khái niệm khó có thể chấp nhận với hãng phim từng thực hiện loạt phim đẳng cấp như Toy Story, The Incredibles, Ratatouille, Up. Không có nhiều kịch tính, nhiều phần thoại lê thê trên mức cần thiết, những cảnh phim thừa thãi và nặng tính phô trương là những điểm nhận ra rõ ràng ở Brave. Và đó không phải là một bộ phim theo tinh thần Pixar – nói ít, gợi nhiều.
Các bộ phim trước của Pixar không cần những đoạn thoại dài dằng dặc giảng giải về ý nghĩa của sự yêu thương, mà thông qua những chi tiết rất đơn giản trong phim, người xem có thể hiểu và dễ dàng cảm nhận được.
Không có nhiều kịch tính, nhiều phần thoại lê thê trên mức cần thiết, những cảnh phim thừa thãi và nặng tính phô trương là những điểm nhận ra rõ ràng ở Brave
Brave có một câu chuyện dễ hiểu, dễ cảm, dễ hài lòng, nhưng cũng dễ quên như mọi câu chuyện cổ tích khác. Nỗ lực của Pixar trong việc tạo ra một điểm nhấn ấn tượng đã không hoàn thiện với Brave, khiến bộ phim trở nên mờ nhạt và dần trôi tuột ở những phút cuối phim, khi người mẹ trở về theo một phong cách sến thường có của Disney.
Phải chăng, hiện giờ Pixar bị phụ thuộc quá nhiều vào lối suy nghĩ của “ông chủ”, khi mà nhiều hoạ sĩ và nhân sự của Disney đang ngồi vào các vị trí trước đây vốn chỉ dành riêng cho Pixar? Nếu vậy, Pixar cần cố gắng rất nhiều để tránh tạo ra những bộ phim “vỏ Disney, ruột Pixar” như Brave.
Theo nhiều nhận định, rất có thể Pixar đang muốn tìm đến một lớp đạo diễn mới hơn bằng cách để những hoạ sĩ lão thành bước lên bục đạo diễn, với hy vọng mở rộng tư duy của mình. Ý kiến này khiến nhiều người liên tưởng tới trường hợp của hãng phim Ghibli (Nhật Bản) đang trên đường “trẻ hoá” đội ngũ khi mà các đạo diễn kỳ cựu đều già cỗi.
Khởi đầu luôn là những khó khăn và sau những nỗi thất vọng mang tên Cars 2 và Brave (rất có thể thêm cả Monster University - ra mắt năm 2013), hy vọng Pixar sẽ biết đâu là điểm đừng và hiểu cách quay lại con đường sáng tạo độc đáo của mình trước kia.