Nháo nhác vì kịch 16+
Nhằm câu khách và thương mại - NSƯT, đạo diễn Hồng Vân đã khẳng định như vậy khi được hỏi vì sao trong hai vở kịch “Làm...” và “Nước mắt người điên” - tham gia liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc tại Huế - có nhiều cảnh “nóng”. Đây là điều khá mới so với quan niệm truyền thống về sân khấu kịch là chính thống và kinh điển.
Tự trang trải thì phải câu khách
Cả hai vở “Làm...” và “Nước mắt người điên” đều khai thác khá kỹ cảnh phòng the trên sân khấu. Nó khiến khán giả lần đầu xem có chút lạ lẫm, nhất là khán giả Huế. Nhưng cũng từ hai vở diễn này, lượng khán giả đến xem biểu diễn tại Nhà văn hóa Huế tăng đột biến, nhất là vào buổi tối. Có nhiều người phải bỏ về vì không có chỗ ngồi và do nóng nực.
NSƯT Hồng Vân chia sẻ: “Dù nói câu khách hay không, quan trọng là sự đánh giá tác phẩm từ phía khán giả. Khán giả “khôn” lắm nên không thể nói câu khách đơn giản được, dù anh có cởi truồng cũng chẳng ai xem”.
Những cảnh nhạy cảm trong vở “Làm...”. Ảnh: L.Đ.Dũng
Hai vở tham gia liên hoan lần này của sân khấu Phú Nhuận là một điển hình nhất cho phong cách sân khấu Sài Gòn. Nhiều cảnh phòng the, cảnh “nóng” được diễn tả chi tiết, thậm chí kéo dài.
Trong vở “Làm...” là cảnh nhân vật Đào Xuân, Huyền ăn mặc hở hang, những tiếng rên rỉ của phòng the, cảnh Đào Xuân xoa xoa vòng một của Huyền...
Vở “Nước mắt người điên”, cảnh phòng the giữa cô vợ và anh bác sĩ, cô vợ và đứa cháu trai của chồng diễn ra khá dài.
Điều này đã khiến BTC và Nhà văn hóa Huế phải lưu ý hạn chế khán giả dưới 16 tuổi tới xem những vở kịch có cảnh “nóng”. Những người trong giới thì xem đây là một sự táo bạo đúng cái kiểu “chất Sài Gòn”.
NS Hồng Vân khá thẳng thắn: “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc làm mới cách diễn kịch là tất yếu, nó phải gần gũi đời sống và kéo được khán giả tới xem. Với những đoàn kịch xã hội hóa như Phú Nhuận, đến những cái đinh vít phục vụ biểu diễn cũng phải tự trang trải thì thương mại và câu khách là điều tất yếu, dù muốn dù không”.
Thực tế, tại sân khấu Phú Nhuận, dù những vở diễn do các đạo diễn trẻ tự tay dàn dựng cũng phải đạt tiêu chí diễn được từ 30-40 suất mới được cất. Trong đó, có những vở như “Số đỏ” đã được diễn từ 10 năm nay, đến nay vẫn tiếp tục diễn. Đó là cách mà NS Hồng Vân đặt ra, vừa tạo động lực cho các đạo diễn sáng tạo những kịch bản hay, nhưng trên hết là đáp ứng về nguồn thu kinh tế.
Nghệ sĩ Hồng Vân: Diễn theo cách ước lệ có lẽ chỉ hợp cách đây 10 năm
Trên sân khấu chỉ diễn tả ước lệ
Hiện vẫn có sự khác biệt về quan niệm biểu diễn sân khấu giữa Hà Nội và TPHCM. Giới sân khấu miền Bắc vẫn cho rằng đã là sân khấu thì là chính thống và kinh điển. Nghĩa rằng như liên quan đến những cảnh phòng the, bạo lực...thì chỉ cần ước lệ, tự khắc khán giả sẽ hiểu. Sân khấu miền Nam thì cho rằng, cần nhất là khán giả, ai cũng có thể thích thú và xem được.
Những vở kịch phải làm sao làm khán giả thấy được mình ở trong đó, thấy mình sẽ giải quyết được gì khi là nhân vật trong đó. “Diễn theo cách ước lệ có lẽ chỉ hợp cách đây 10 năm. Còn giờ phải hòa vào đời sống mới có được sự hấp dẫn, đó là sự phồn thực. Ở nước ngoài, thậm chí người ta còn đưa nước và lửa lên sân khấu nữa kia” - NS Hồng Vân bộc bạch.
Đứng ở một cách nhìn khác, nhà biên kịch Lê Quý Hiền cho rằng, sân khấu nêu lên những vấn đề chung mang tính xã hội. Ở đó không có những số phận cụ thể. Như vậy, hình thức gợi ý và ước lệ trong diễn tả trên sân khấu là điều tất nhiên. Còn muốn chi tiết hay đi sâu thì có báo chí, có điện ảnh...
Như vậy, dù muốn hay không thì việc thương mại hóa đã dần đi vào các sân khấu, mà hiện tại là các sân khấu phía nam. Và như thế, việc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, dựa trên việc thu hút khán giả hay dựa trên phong cách biểu diễn truyền thống, hiện đại đang là vấn đề lớn đặt ra cho nền sân khấu kịch nước nhà.