Vì sao nhân tài Đà Nẵng phải bồi thường tiền tỉ?
Đà Nẵng rất mong các học viên sau khi học xong trở về phục vụ, còn bỏ khỏi đề án thì phải bồi thường vì đó là tiền thuế của dân.
Xoay quanh thông tin 29 học viên ra khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922 do Thành ủy TP Đà Nẵng tổ chức) phải bồi thường hơn 33 tỉ đồng, tức trung bình mỗi học viên phải bồi thường hơn cả tỉ đồng, chiều 14/3, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng.
Ông Tiếng nói: Đề án 922 của TP Đà Nẵng có tổng cộng 608 học viên được cử đi đào tạo trong lẫn ngoài nước, hiện đã có 250 học viên trở về phục vụ cho TP Đà Nẵng và có 29 học viên (có cả đào tạo trong nước lẫn ở nước ngoài) ra khỏi đề án mà TP đang truy phải bồi thường số tiền cả chục tỉ đồng nói trên.
Tiền tỉ cho mỗi học viên đi học
Thưa ông, chi phí TP bỏ ra cho mỗi học viên tham gia Đề án 922 cụ thể như thế nào?
Ông Bùi Văn Tiếng: Tính bình quân trên dưới tỉ đồng mỗi học viên nhưng cũng có người nhiều hơn có người ít hơn. Đào tạo trong nước thì thấp hơn, chỉ vài trăm triệu đồng nhưng nước ngoài thì cao hơn. Những người tham gia đề án này sẽ được TP trả lại tiền học phí, sinh hoạt phí. Và phần sinh hoạt phí là rất lớn. Tất nhiên, đã đầu tư là phải đầu tư toàn diện. So với đề án của Bộ GD&ĐT thì cũng không phải cao hơn đâu. Thực ra các em sống cũng rất chật vật.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng tặng hoa chúc mừng các học viên sau khi tốt nghiệp đại học của Đề án. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Đã có bao nhiêu học viên của đề án này về làm việc cho TP Đà Nẵng và hiệu quả có như mong đợi không?
Hiện có gần 250 học viên đã về làm việc cho TP. Theo đánh giá chung là rất tốt. Nhưng một số kỹ năng hành chính thì còn lúng túng. Có nhiều em đi học về cũng chưa biết ông bí thư Thành ủy và chủ tịch UBND khác nhau về công việc ở chỗ nào ấy chứ. Những lớp đầu thì chúng tôi ít chú ý điều này. Nhưng từ khi có Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực (năm 2009) thì sau khi tốt nghiệp trở về các học viên sẽ được Sở Nội vụ bồi dưỡng thêm những kỹ năng mềm, kỹ năng hành chính. Và các em cũng hòa nhập nhanh, vì được đào tạo bài bản.
Các học viên có được TP bố trí đúng công việc được đào tạo không? Vì sao có 29 trường hợp bỏ đề án?
Kỳ thực không ai được đào tạo là trùng khít với công việc sau này. Rất khó. Thực ra con số 29 học viên bỏ đề án không phải là nhiều. Nó có rất nhiều nguyên nhân, nhiều cái cớ để họ ra đi. Có phần nguyên nhân là do chính sách tiền lương của mình. Nếu một người được học hành giỏi giang như thế, với lương bình quân như hiện nay không đủ sức giữ chân họ. Nhưng điều đáng nói ở đây là nếu em bỏ tiền ra đi học, khi lương như thế này thì các em có thể chần chừ, lựa chọn những nơi tốt hơn. Nhưng ở đây, các em đi học bằng ngân sách TP, tiền tỉ chứ có ít đâu nên phải có trách nhiệm quay về phục vụ cho nơi đã bỏ tiền ra đào tạo chứ. Đa số nhận thức được điều này nên họ quay trở về phục vụ TP. Còn một số đã vi phạm hợp đồng thì họ nói lý do này lý do kia.
Sẽ kiện nhân tài ra tòa nếu không bồi thường
Thưa ông, vậy cơ sở nào để TP buộc họ phải bồi thường?
Đầu tư nào cũng tính đến yếu tố rủi ro. Ngay từ đầu, TP cũng tính đến yếu tố rủi ro nên trong hợp đồng mới có ghi chế tài không trở về công tác, không chấp hành sự phân công, bố trí công việc thì phải chấp nhận bồi thường gấp năm lần so với chi phí TP bỏ ra đào tạo. Thực ra khi ghi điều đó vào hợp đồng thì không ai mong muốn nó xảy ra. Nhưng buộc lòng phải ghi để sau này còn truy bồi thường vì đây là tiền ngân sách, tức là tiền thuế của người dân. Mình là người quản lý thì mình không thể không tính tới.
Vậy cụ thể họ đã vi phạm hợp đồng như thế nào?
Có rất nhiều dạng. Một học không nổi (quy định là tốt nghiệp loại khá), hai học kỳ liền loại trung bình thì TP không giải ngân cho các học kỳ sau. Dạng thứ hai là học xong không về nước. Có dạng “đi một về hai” (bạn đời người nước ngoài), công tác được một thời gian thì không phù hợp nên họ tìm một cớ nào đó để ra đi…
Số tiền TP buộc bồi thường gấp năm lần so với chi phí bỏ ra có quá lớn với họ không và trước nay việc này được thực hiện thế nào?
Thực tế từ trước tới nay đã có người bồi thường rồi nhưng chủ yếu là học trong nước. Nhiều người chấp nhận vi phạm hợp đồng và bồi thường để làm công việc khác mà không về TP. Cái này họ bồi thường gấp năm lần nhưng gia đình họ chịu được và TP cũng không đòi hỏi hoàn trả một lần. TP cũng xem xét theo gia cảnh cho bồi thường trong nhiều năm. Còn số học ở nước ngoài thì họ thường chủ động rút khỏi đề án trong vài học kỳ đầu để chỉ bồi thường 50% so với mức đã nhận được. Trường hợp họ học xong rồi về làm việc nhưng lại ra đi với những nguyên nhân khác nhau thì TP cũng xét về hoàn cảnh gia đình, khả năng chi trả để áp dụng phương án bồi thường. Trong thực tế thì thường là bồi thường gấp ba lần chi phí đã bỏ ra chứ TP cũng chưa bao giờ đòi họ đền năm lần. Thứ hai là TP giãn tiến độ bồi thường ra nhiều lần. Còn số học viên không hợp tác, bỏ đi ngang xương, bây giờ không biết ở đâu thì buộc lòng phải áp dụng mức bồi thường cao nhất.
Nhưng nếu các học viên vi phạm này vẫn không thực hiện bồi thường thì TP Đà Nẵng sẽ làm như thế nào để thu lại số tiền ngân sách đã bỏ ra?
TP sẽ khởi kiện ra tòa, nhờ pháp luật can thiệp thôi. Vì đây là hợp đồng dân sự có thỏa thuận rõ ràng. Nói thực, cái hợp đồng pháp lý là không thể không có nhưng thực ra hợp đồng tinh thần mới quan trọng. Điều TP mong muốn là hợp đồng tinh thần, tức là người học tự nhận ra nghĩa vụ với nơi mình sinh ra, sinh sống, được cưu mang học hành. Có lẽ đại bộ phận trở về chính là sự thôi thúc họ cần trở về gắn bó lâu dài với TP.
Xin cảm ơn ông.
Chủ động tìm đến nhân tài Hiện TP đã có giải pháp nào để hạn chế việc chi ngân sách đào tạo mà vẫn thu hút người ta về phục vụ? Ông Bùi Văn Tiếng: Có chứ. Trước đây thu hút và đào tạo là đi song song. Nhưng bây giờ giữa thu hút nhân tài và dùng ngân sách để chủ động đưa đi đào tạo thì TP thiên về thu hút. Thu hút có cái lợi là mình không tốn công đào tạo, mình được quyền lựa chọn sản phẩm. Tức là trải thảm đỏ chìa tay đón họ về. Nhưng cái nhược của chính sách thu hút nhân tài 15 năm qua của TP là vẫn làm theo cách ngồi chờ người ta đến với mình. Không phải không có nhưng có ít trường hợp mình tìm đến người giỏi nên mình vẫn chưa hút được các chuyên gia đầu ngành và những ngành cần nhân lực chất lượng cao. Còn đưa đi đào tạo, mình sẽ chủ động hơn. Còn bây giờ TP phải chủ động đi tìm người giỏi chứ không chờ người giỏi đến với mình. Nói một cách thời thượng là mình phải “săn lùng người”. Cái này cũng lắm công phu. Vì người giỏi thật sự thì người ta quan sát, nếu họ về với anh thì anh đối xử như thế nào với họ và anh đối xử với những người đang có như thế nào. Vì vậy cần có cả chính sách đãi ngộ tốt đối với các người đang làm việc với mình nữa mới thu hút người tài nơi khác về được. |