Trong 20 năm, số trẻ khuyết tật được đi học tăng 10 lần

Theo thống kê, năm 1996 cả nước có 42.000 trẻ khuyết tật được đi học, đến năm 2015 đã có hơn nửa triệu trẻ khuyết tật được đến trường. Trong 20 năm qua, số lượng trẻ khuyết tật được đi học đã tăng lên 10 lần.

Sáng 15.12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học “20 năm giáo dục học sinh khuyết tật Việt Nam”, nhằm đánh giá kết quả thực hiện giáo dục học sinh khuyết tật trong 20 năm qua.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Công tác quản lý, giáo dục học sinh khuyết tật ngày càng thực hiện hiệu quả và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đã có 1.300 nhà trẻ, 71.873 trẻ mẫu giáo, 52.606 học sinh tiểu học, 14.073 học sinh trung học cơ sở, hơn 2.300 học sinh trung học phổ thông là học sinh khuyết tật đã được đến trường. Nhiều học sinh khuyết tật tốt nghiệp trung học phổ thông và các trường cao đẳng, đại học đã đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Trong 20 năm, số trẻ khuyết tật được đi học tăng 10 lần - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, số lượng trẻ em khuyết tật được đi học và hòa nhập cộng đồng ngày càng tăng. Nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Theo số liệu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, năm 1996, cả nước chỉ có 42.000 trẻ khuyết tật được đi học. Đến năm 2015, đã có hơn 500.000 trẻ khuyết tật được đến trường.

Ông Phạm Minh Mục - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - khẳng định: Trong 20 năm qua, số lượng trẻ khuyết tật được đi học đã tăng lên 10 lần. Đặc biệt, quy mô giáo dục trẻ khuyết tật đã tăng hơn hẳn so với năm trước. Số trẻ khuyết tật đi học không chỉ tập trung ở cấp mầm non và tiểu học, trung học, mà còn một số đang học ở trình độ đào tạo như: Dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.

Ông Mục cho biết: Nhiều chính quyền địa phương, nhà trường, cán bộ, giáo viên chưa thấy trách nhiệm cao mà còn coi việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật chỉ như việc làm thêm, từ thiện và các em chỉ có thể học tập tại các cơ sở giáo dục trẻ chuyên biệt. Phụ huynh học sinh khuyết tật chưa nhận thức đầy đủ về khả năng của con mình nên cam chịu, không tạo điều kiện cho trẻ phát triển, học tập.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho hay, ở nước ta có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Trong đó, người khuyết tật nặng chiếm 28,9%, có 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi…

Chị Nguyễn Thị Lan Anh - người được hưởng lợi từ chương trình giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam - cho hay, nhờ chương trình giáo dục hòa nhập cộng đồng mà giờ chị từ một người khuyết tật về vận động, phải ngồi xe lăn cả đời, nhưng đã trở thành Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN