Tìm thịt cho bữa cơm học sinh

Bữa cơm có thịt? Ở Thu Lũm, các nhà trường cố cho các cháu tuần 2 bữa, ở Ka Lăng tuần 1 bữa, ở Tá Bạ có lẽ phải 2, 3 tuần một bữa.

Học sinh bán trú ở Tá Bạ còn thiếu cả bộ quần áo chỉn chu cho buổi lên lớp, suất cơm với 2 con cá khô được khen “ngon hơn ở nhà”.

Đại gia đình nghèo hiếu học

Bản Ka Lăng hôm nay còn được gọi là bản hiếu học. Trong khu bán trú, nội trú ở trung tâm xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, Lai Châu) có đến cả chục “gia đình” nhỏ với 3-4 anh, chị em người bản Ka Lăng đến ở để theo học. Chuyện học ở Ka Lăng đã có truyền thống từ những năm 1960, thời ấy đã có những gia đình chấp nhận ăn sắn, ăn củ rừng để dành gạo cho con đi 2-3 ngày đường về huyện học cấp 2, hay đi cả tuần về tỉnh học cấp 3.

Cụ Lỳ Po Hừ năm nay 77 tuổi là một trong những người như thế. Cụ Hừ có cái may được đi bộ đội, xuất ngũ năm 1962. Những năm trong quân ngũ giúp cụ hiểu cái chữ quan trọng với đời người, để quyết nuôi các con được học hành. Cựu quân nhân Lỳ Po Hừ không có gì hơn sức khỏe, để chăm chỉ hơn người khác, làm mọi việc nuôi các con.

Tìm thịt cho bữa cơm học sinh - 1

Học sinh Trường PTDT bán trú xã Tá Bạ đang cố viết lại nét chữ của cô giáo

Thời ấy, Ka Lăng vẫn còn đói nặng, mùa đói mỗi năm 4-5 tháng. Những mùa đói ấy, vợ chồng cụ ăn sắn, củ rừng, nhường gạo cho 6 người con mang đi ăn học. Đường học thật dài, những năm con đi học là những năm nhà cụ dù chăm chỉ vẫn “nghèo xơ xác”.

Gia đình cụ Hừ nay thuộc loại sang nhất bản, trong 6 người con đã có 2 người tốt nghiệp đại học, cậu con út đang học năm thứ 2 Đại học Luật (Hà Nội). Nhà cụ Hừ sang còn vì lẽ những dịp tết, cúng bản, nhà cụ có đông bạn bè của con về chơi (với tục mến khách của cộng đồng người Hà Nhì, đông khách còn quý hơn giàu có). Chuyện đi học, cụ bảo “như ăn quả mắc kham vậy, trước thì chát sau ngọt, ngọt mãi”. Lớp trẻ hôm nay ở Ka Lăng nhìn vào những nhà như nhà cụ Hừ mà chịu khổ, quyết tâm đi học.

Hiếu học bậc nhất ở Ka Lăng nay phải kể đến nhà Lỳ Gạ Xá. Anh Xá năm nay 32 tuổi, bố mẹ cùng mất năm 2011, để lại cho anh 3 người em đang đi học, cùng với 3 đứa con anh là 6 người đi học. Xá bây giờ cũng vào loại nghèo nhất nhì bản, gia tài quý nhất có cái TV bố mua từ 10 năm trước. Anh cũng giống cụ Hừ năm xưa ở chỗ chăm làm. Làm ruộng, làm thuê, việc gì vợ chồng anh cũng nhận quyết cho em, con “học hết chữ”. Nhà nghèo nhưng vào năm học, cả 6 đứa em và con anh đều có quần áo mới. Hơn 2 triệu đồng sắm sửa, số tiền ấy vợ chồng anh phải tranh thủ làm thuê trong 3 tháng.

Tìm thịt cho học sinh

Nếu so về giá cả, hàng hóa, nhất là thực phẩm thì vùng Thu Lũm, Ka Lăng, đắt gấp rưỡi, gấp đôi nơi khác. Gạo thường 15.000 đồng /kg, thịt 140.000 đồng/kg, trứng 4.000 đồng/quả... Tiền Nhà nước trợ cấp cho học sinh bán trú 420.000 đồng/em/tháng, trừ tiền gạo, thức ăn, các cháu còn 4.000 đồng/bữa.

Chuyện lo cho các em được ăn thịt đúng là thách đố các thầy cô. Không có miếng thịt cũng khó ổn khi các em đang tuổi lớn. Đưa ra bàn chuyện huy động phụ huynh góp gạo, Trường THCS Ka Lăng chịu, vì nếu phải góp thì không ít em sẽ nghỉ học.

Cuối cùng cũng có cách, miếng thịt tìm thấy trong... ngày nghỉ học. Những ngày các em về nhà, gia đình nuôi, đó cũng là đã góp. Số tiền không nấu ăn ngày nghỉ đó đủ để nhà trường lo cho các em mỗi tuần 1 bữa cơm thịt.

Có dịp đi họp, đi phép, thầy cô làm thêm cái chân tiếp phẩm “miếng thịt tươi làm quà”. Học sinh ở lại ít về, các thầy cũng không muốn cho các em về nhiều, đi về bản cả ngày đường dễ “mất” học sinh lắm.

Anh Bùi Văn Ái - cán bộ y tế học đường kiêm “bếp trưởng” của khu bán trú Trường THCS Ka Lăng nói rất thật: “Thịt không nhiều đâu, phải kho thêm với đậu, các em mới được gắp đẫy tay một tý”. Với Trường THCS Thu Lũm, dân khá giả hơn nên góp được gạo, các em mỗi tuần thêm được bữa thịt nữa.

Tìm thịt khó nhất là ở Tá Bạ, giá hàng ở đây đắt gấp rưỡi Ka Lăng, các thầy cô cũng thiếu thịt. Thầy cô ở điểm bản muốn ăn thịt phải mua gà mang vào. Thịt lợn phải mua tận xã Mường Tè hoặc vào xã Ka Lăng, đều cách bản trung tâm Tá Bạ 50-60km. Nhắn người chở thực phẩm vào bán thì “thịt đắt như nhung hươu, rau đắt như thuốc” - thầy Lê Hoài Phương - Hiệu phó nhà trường ví.

Bữa cơm của cả thầy lẫn trò ở Tá Bạ cứ cá khô toàn tập. Học sinh bán trú ở Tá Bạ phần lớn là người La Hủ “đói quen rồi”, ăn cơm với cá khô khen “sướng hơn ở nhà”. Miếng thịt cho bữa cơm học sinh ở Tá Bạ - “thôi thì đầu cá vá đầu tôm, tuần không được thì hai tuần, ba tuần phải cố cho các cháu một bữa” - Hiệu trưởng Nguyễn Anh Dũng tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Trường - Vũ Tân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN