Gia Lai: Giáo viên kiện lãnh đạo bị trù dập?
Các giáo viên là đảng viên liên quan đến vụ kiện này lại bị điều chuyển vào vùng sâu.
Trường mầm non nơi các cô giáo bị điều chuyển đi sau khi tố cáo hiệu trưởng lạm quyền
Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện nhiều sai phạm của Hiệu trưởng trường Mầm non Đắk Djrăng (huyện Mang Yang) liên quan đến đạo đức, tư cách lãnh đạo theo đơn tố cáo. Các giáo viên là đảng viên liên quan đến vụ kiện này lại bị điều chuyển vào vùng sâu.
"Con kiến kiện củ khoai"
Cô giáo Trần Thị Huyền có đơn tố cáo bà Phạm Thị Ánh Ngọc, Hiệu trưởng trường Mầm non Đắk Djrăng lên nhiều cấp. Vụ kiện này, có 7 cô giáo cùng làm chứng, trong đó có các cô giáo là đảng viên gồm: Lê Thị Hiền, Tô Thị Tình và Hiệu phó trường mầm non là cô Ngô Thị Hằng.
Sau đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai, huyện Mang Yang đã xác định rõ ràng sai phạm của hiệu trưởng Ngọc. Trong khi bà Ngọc chưa bị xử lý thì cả bà Ngọc lẫn các giáo viên có đơn kiện bà Ngọc đều bị điều chuyển đi nhiều trường khác nhau. Trong đó, cô Huyền (người kiện) điều chuyển dạy trường Mầm non xã Đắk Trôi (đi xa nhất), cách nhà khoảng 50km; Cô Tình bị điều đến xã Kon Thụp, cách nhà khoảng 30km; Cô Hiền (người làm chứng) bị điều đến trường Lơ Pang, cách nhà 15km. Đáng chú ý, bà Ngọc, người bị kiện cho đến nay vẫn chưa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Đê Ar.
Bà Ngọc bị Thanh tra tỉnh Gia Lai và UBND huyện Mang Yang xác định trong kết luận thanh tra theo đơn tố cáo với các nội dung như: “Không thực hiện đúng một số quy định của pháp luật trong công tác tài chính. Là lãnh đạo quản lý, người đứng đầu một đơn vị nhưng không gương mẫu, vi phạm các quy định về Luật Cán bộ, công chức về văn hóa giao tiếp nơi công sở, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo”… Tuy nhiên, UBND huyện chỉ yêu cầu họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Chậm trễ xử lý trách nhiệm
Tháng 4/2016, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã làm việc và xác định một phần đơn tố cáo của cô Huyền là đúng. Việc chỉ yêu cầu họp kiểm kiểm rút kinh nghiệm đối với bà Ngọc là chưa thỏa đáng. Vì vậy, Thanh tra tỉnh yêu cầu UBND huyện Mang Yang xử lý trách nhiệm đối với bà Ngọc theo đúng quy định pháp luật.
UBND huyện Mang Yang sau đó tiếp tục có Kết luận số 02/KL-UBND, trong đó công nhận nội dung cô Huyền tố cáo bà Ngọc: Có thái độ ứng xử, xưng hô chưa đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo, trong cuộc họp có phát ngôn những câu từ không hay.
Trả lời Báo Giao thông liên quan đến sự việc này, ông Trần Kim Bảng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mang Yang cho biết, việc điều chuyển này là vì các cô giáo là đảng viên nhưng không có tinh thần góp ý, phê bình trong tập thể, ký đơn tập thể tham gia kiện tụng. Ngoài ra, việc điều chuyển giáo viên này nằm trong quy định luân chuyển giáo viên vùng khó khăn ra vùng thuận lợi và vùng thuận lợi vào vùng khó khăn.
Trả lời câu hỏi thẳng thắn của Báo Giao thông khi nêu vấn đề đạo đức của một đảng viên, nhà giáo của hiệu trưởng Ngọc, ông Bảng cho biết: “Đây là câu hỏi tế nhị. Muốn đánh giá phải có một quá trình, tuy nhiên, nếu bà Ngọc phát ngôn những lời nói thiếu chuẩn mực trong môi trường sư phạm, trong các cuộc họp là điều không nên. Còn về việc xử lý kỷ luật bà Ngọc theo đơn kiến nghị là cửa quyền, hách dịch thì vẫn chưa đến mức nghiêm trọng nên chờ Chủ tịch huyện đi công tác nước ngoài về sẽ tham mưu xin ý kiến, ông Bảng cho biết. Còn về việc các cô giáo có đề nghị xem xét lại việc điều chuyển tôi sẽ báo cáo lãnh đạo xem xét lại”.
Trong một diễn biến khác, Chánh văn phòng UBND huyện Mang Yang lại cho biết, theo quy định việc luân chuyển sẽ có sự ưu tiên xem xét đối với trường hợp các giáo viên từng có thâm niên công tác ở vùng sâu; Có chồng là công an, bộ đội… và nhiều trường hợp ưu tiên khác. Được biết, các cô giáo: Huyền, Tình, Hiền vừa có con nhỏ và chồng làm quân đội. Các cô giáo này trước đây đã từng công tác ở vùng sâu, đơn cử như cô Hiền dạy ở xã Kon Chiêng (2006-2012); Cô Tô Thị Tình chuyển từ xã Hà Tam (Đắk Pơ) về công tác tại trường năm 2012… |