Cậu SV gác bút đi làm thuê nuôi mẹ tâm thần
Sinh ra đã không có cha, mẹ lại mắc bệnh tâm thần, cậu học trò nghèo Nguyễn Em Cường (SN 1991, trú tại thôn Tân Mỹ, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã làm nức lòng người dân nơi xóm nghèo khi thi đỗ vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Niềm vui chưa được bao lâu thì cậu lại phải xếp bút nghiên để dành thời gian đi làm công nhân kiếm tiền nuôi mẹ…
Chiến tranh phân ly…
Căn nhà trọ của mẹ con Cường sơ sài, nằm cuối cánh đồng thuộc quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), chẳng cái gì đáng giá, chỉ có một chiếc giường trong không gian nồng nặc mùi thuốc Tây. Lúc chúng tôi vào, Cường đang loay hoay chuẩn bị bữa trưa cho mẹ. Thấy có khách lạ, cô Nguyễn Thị Hạnh (SN 1957, mẹ Cường) từ từ ngồi dậy một cách khó khăn. Khi chúng tôi hỏi những chuyện đã qua, cô kể với các chuỗi sự kiện chẳng trùng khớp với nhau, phải nhờ Cường chắp nối lại chúng tôi mới hiểu.
Hai mẹ con Cường trong căn phòng trọ ở Đà Nẵng
Năm cô Hạnh 13 tuổi, ông bà ngoại Cường ly hôn, cô Hạnh cùng người cậu của Cường trong lúc chạy trốn bom đạn đã lạc mất bà ngoại. Thời gian ấy, cô Hạnh làm đủ việc để có miếng cơm ăn qua ngày cho 2 chị em.
Sau ngày giải phóng, cô Hạnh và người cậu trở về quê hương sau bao năm xa cách, thì mới biết, bà ngoại Cường đã mất vì bom mìn chiến tranh, người cha thì bỏ đi biệt tăm không ai biết. Gia đình tan tát, cô Hạnh tuyệt vọng, căn bệnh tâm thần phân liệt quái ác cũng đeo bám từ dạo ấy.
Vài năm sau, một bất hạnh nữa lại ập đến với cô. Cô Hạnh bị lời lừa phỉnh của một người đàn ông và có thai Cường. Khó khăn chồng chất khó khăn. Cường ra đời, ông ấy cũng lạnh mặt làm ngơ không thèm nhìn nhận. Vừa sinh Cường xong, cô Hạnh lại phải bon chen với cuộc sống mưu sinh và ngã bệnh nặng.
Căn bệnh ngày một trầm trọng với những biến chứng nặng nề. Nhiều lúc lên cơn, mẹ Cường chửi bới hàng xóm, đem hết vật dụng trong nhà ra đập phá, đến khi tỉnh lại, chỉ biết ôm mặt mà khóc vì hối hận. “Mẹ lúc lên cơn nhìn ghê lắm, thấy ai cũng chửi, thấy cái gì cũng phá nhưng đến khi tỉnh dậy thì tránh mặt mọi người mà khóc, nhìn mẹ như vậy, em cũng không cầm được nước mắt” - Cường lắng nghe câu chuyện đứt đoạn của mẹ buồn rầu tâm sự.
50.000 đồng làm hành trang đi thi đại học
Mẹ Cường dù lúc tỉnh lúc điên nhưng vẫn cố gắng lo cho Cường chu đáo. Đến tuổi đi học, Cường cũng được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Đi học về, Cường lại lao vào nhà phụ giúp mẹ mọi việc. Khi Cường lên cấp 3, bệnh của mẹ Cường nặng hơn, có khi một tuần liền phải nằm ở nhà chẳng đi đâu được, sau mỗi lần lên cơn là sức khỏe gần như kiệt quệ. Khi đó Cường phải làm tất cả những việc mà ngày bình thường mẹ làm.
Năm học cuối cấp 3, ban ngày Cường đi làm thêm ngoài đồng, tranh thủ lúc nghỉ ngơi lại lấy sách vở ra học; chiều tối mới về nhà, lo cơm nước, chăm sóc cho mẹ xong, Cường lại ngồi ôn luyện kiến thức chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học. Năm 2011, Cường thi đỗ tốt nghiệp THPT. Cường chia sẻ: “Mẹ đau ốm lại không có tiền đi chữa bệnh, thật sự khi ấy em chỉ muốn thi xong tốt nghiệp, đi làm thêm kiếm tiền rồi năm sau thi đại học, tiếp tục giấc mơ dang dở của mình. Chỉ cần có mẹ ở bên cạnh, em sẽ cố gắng!”.
Nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, thầy cô, nhà trường, Cường cố gắng nỗ lực và thi đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ngày đi thi đại học, Cường chỉ có vỏn vẹn trong người 100.000 đồng. Trong thời gian này, Cường nhờ bà con lối xóm sang chăm sóc mẹ. Chị Đoàn Thị Mỹ, hàng xóm Cường cho biết: “Ngày cháu nó đi thi, nó bảo dắt mẹ đi theo nhưng bà con chúng tôi khuyên bảo, ra đó ai sẽ trông coi, lỡ mẹ lại lên cơn thì sao. Bà con hàng xóm ai cũng hiểu được nỗi niềm của nó, thế là tôi khuyên nó để mẹ ở nhà, cơm nước, chăm sóc, chúng tôi lo… Thằng Cường lúc đi trong túi quần chỉ có 100.000, nó gửi lại một nửa, bảo là tiền ăn của mẹ. Chúng tôi nói thế nào nó cũng một mực từ chối rồi đi bộ ra đầu làng bắt xe đi nhờ ra Đà Nẵng thi”.
Hành trang Cường đi thi là bộ đồng phục quần tây áo trắng cũ kỹ, đôi dép đứt quai và vỏn vẹn 50.000 bỏ trong túi. Khi tới bến xe, Cường ngơ ngác và bỡ ngỡ, may nhờ các sinh viên tình nguyện biết hoàn cảnh khó khăn mà Cường được đưa về chùa ăn ở miễn phí.
Chông chênh con đường đến giảng đường
Ông Nguyễn Văn Cúc, Chủ tịch xã Đại Phong, cho biết: “Là một hộ thuộc diện nghèo đặc biệt, chính quyền cũng đã dành một sự quan tâm bằng việc xây cho mẹ con chị Hạnh một căn nhà tình thương để trú nắng trú mưa mấy năm qua. Gia đình chỉ có cháu Cường tuy chưa đến tuổi lao động nhưng được xem như là nguồn lao động chính. Vì mẹ, Cường có nguy cơ bỏ học, rất mong sự quan tâm của cộng đồng”. |
Vừa chăm mẹ bị đau, lại phải quán xuyến hết tất cả công việc trong nhà, niềm vui xen lẫn với nỗi lo, đó là điều mà mọi người ai cũng biết, cũng thương cho hoàn cảnh của Cường khi ấy. Ngày Cường đưa mẹ đi ra Đà Nẵng tìm thuê phòng trọ gian nan vô cùng. Lang thang biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu nhà cho thuê phòng trọ, Cường chỉ nhận được cái lắc đầu vì không có phòng. Cường nói: “Khi ấy, do em ra trễ nên phòng đã được thuê hết rồi, chỉ còn lại những căn phòng giá cao tới gần triệu bạc. Em sao dám ở… May nhờ các anh chị tình nguyện viên chỉ dẫn, em xuống chùa Quan Âm bên quận Ngũ Hành Sơn để ở. Các sư trong chùa thương nên cho mẹ con em tá túc”.
Do nhà chùa ở xa, mất hơn 20km từ trung tâm thành phố xuống trường, lại không có xe để đi học nên Cường xin phép được gửi mẹ tại chùa nhờ các sư chăm sóc giúp. Còn Cường ra ngoài ở với bạn để vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền nuôi mẹ. Học trên trường gần như chiếm hết thời gian nhưng Cường vẫn tranh thủ nhận hai lớp dạy thêm. Có hôm học xong 4 tiết từ sáng đến trưa, Cường lại chạy ngay tới nhà học sinh, dạy xong lại tranh thủ tới trường để chuẩn bị cho ca học chiều. Mỗi lần như vậy, Cường chỉ tranh thủ ăn vội ổ bánh mì không, với chai nước lọc cho qua bữa. Kéo dài suốt hai tháng trời, Cường đã ốm yếu lại thức khuya lo việc học lẫn việc dạy thêm nên sức khỏe giảm sút đi rất nhiều.
Căn nhà cấp 4 được chính quyền xây cất tại quê nhà đã lâu, nay đã xuống cấp trầm trọng
Còn mẹ Cường, khi được ở tại chùa, do căn bệnh mỗi lần bột phát lại không thể điều khiển hành vi của mình mà đập phá đồ đạc trong chùa. Mỗi lần tỉnh, mẹ Cường lại ôm mặt khóc nức nở. Biết chuyện mẹ mình không thể kiểm soát được hành vi mỗi khi trở bệnh, Cường xin cảm ơn chùa đã cưu mang và chăm sóc mẹ thời gian qua, đành lòng phải đưa mẹ về sống chung chứ không thể để liên lụy đến nhà chùa.
Cường không ở cùng các bạn nữa mà thuê phòng trọ riêng rồi rước mẹ về sống chung. Thời gian này đầy khó khăn đối với Cường, phải lo từng bữa cơm và cả những chi phí khác như tiền điện, tiền phòng… nên Cường đã quyết định bảo lưu kết quả học tập lại một năm.
“Mẹ về ở chung với em thì em vui lắm, nhưng cũng quá nhiều cái để lo, nhất là chuyện tiền bạc, làm sao có thể vừa đi học, vừa đi làm rồi lại vừa chăm sóc mẹ chu đáo được. Em nghĩ mẹ là trên hết, còn mẹ thì còn tất cả, mất mẹ, có học cũng bằng không. Nên em mới quyết định dừng tạm thời chuyện học để kiếm thật nhiều tiền, đủ chi trả cho những ngày tháng sắp tới” - Cường nói thêm.
Hiện nay, Cường đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh thuộc quận Liên Chiểu. Công việc bốc vác nặng nhọc với mức lương là 150.000 đồng/ngày. “Làm như thế này tuy mệt thiệt, người đau ê ẩm, những bữa đầu vừa về đến nhà là nằm liệt luôn. Nhưng em phải làm kiếm tiền để vô năm đi học lại chứ không có tiền cũng chẳng dám mơ màng đến chuyện trường lớp” - Cường tâm sự về công việc của mình.
Thế nhưng khi chúng tôi nói sâu hơn vào chuyện học thì Cường tỏ ra rất buồn bã. Cường bảo dự tính là như thế nhưng đến bây giờ, tiền chẳng có bao nhiêu, mẹ lại sắp sửa đến đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ, việc học chắc phải tiếp tục bị gác lại. “Mấy hôm nay thầy cô, bạn bè gọi điện liên lục bảo lên trường rút đơn bảo lưu kết quả học tập vì đã hết hạn. Nhưng tiền đâu mà học bây giờ…”. Cường thở dài đưa đôi mắt bất lực nhìn ra phía cửa sổ, len lén giấu đi giọt nước mắt mà chia sẻ với chúng tôi.