Bi hài chuyện phần thưởng của trẻ mỗi dịp hè đến: Người lớn cần học cách tôn trọng trẻ

Sự kiện: Dạy con

Theo các chuyên gia, khi người lớn chỉ khen thưởng trẻ đạt thành tích là họ đang vô tình tiếp tay cho bệnh thành tích ở nhà trường, làm khổ con trẻ và chính phụ huynh làm khổ nhau. Đây là kiểu xem trọng thành tích và vi phạm quyền được tôn trọng của trẻ em.

Bi hài chuyện phần thưởng của trẻ mỗi dịp hè đến: Người lớn cần học cách tôn trọng trẻ - 1

Khi giáo dục chưa lấy sự tôn trọng trẻ làm nền

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý tình cảm 1088 cho rằng, việc các cơ quan, đoàn thể chỉ có phần thưởng cho học sinh đạt thành tích trong dịp hè (chúng tôi đã phản ánh trong bài trước) cũng đồng nghĩa đưa ra một thông điệp rằng, không đạt được thành tích thì không có phần thưởng mặc dù cũng trải qua thời gian học tập cố gắng như các bạn. Điều đáng nói là cách cư xử với con trẻ ở người lớn xảy ra không chỉ trong gia đình, ở tổ dân phố, ở cơ quan đoàn thể như sự việc cụ thể mà chúng tôi đang phản ánh ở đây, điều này còn xảy ra ngay chính trên môi trường học đường. Như việc họp phụ huynh chẳng hạn.

Một phụ huynh đang có con học lớp 11 kể rằng, trong 11 năm học của con, anh đã tham dự trên 20 cuộc họp phụ huynh ở trường. Tất cả đều theo một kịch bản và đều giống nhau ở chỗ: Khi báo cáo kết quả học tập của lớp, bên cạnh việc tuyên dương những em ngoan, học giỏi khiến những phụ huynh đó nở mày nở mặt thì luôn đi kèm với phần “kể tội” những em quậy phá, lười học khiến phụ huynh những em này xấu hổ muốn chết, đến khi về nhà thì lại trút tức giận lên con. Nhiều trẻ đã phải chịu những trận đòn của cha mẹ sau cuộc họp phụ huynh, có trẻ uất ức quá mà bỏ học, có phụ huynh nóng giận quá không cho con đến trường nữa...Vị phụ huynh này cũng thừa nhận rằng, anh đã từng mắc phải sai lầm khi một lần trút đòn roi lên con chỉ vì bị cô phê bình.

Câu chuyện của chị Thanh ở Hà Nội là một ví dụ cho cách người lớn thiếu tôn trọng trẻ. Chị Thanh kể rằng, chị nhớ như in hồi nhỏ, chị dường như năm nào cũng được cô giáo, nhà trường tuyên dương học sinh giỏi. Bố mẹ và gia đình tự hào về chị vô cùng. Một lần, khi các bạn trong xóm đến nhà chị chơi, bố chị vô tình hỏi: cháu không chịu học hay sao mà cô giáo lại nói là chữ viết như gà bới. Quay sang đứa bạn khác, bố chị lại hỏi câu tương tự. Cũng vì câu nói của bố chị mà mấy năm sau đó, chị phải đi học một mình. Các bạn trong xóm rủ nhau tẩy chay chị. Vì từ nhà đến trường, tất cả trẻ con đều đi bộ nên những buổi đi học đối với chị là những ngày nặng nề. Chúng bạn của chị Thanh không những tẩy chay chị mà còn hùa nhau trêu chọc chị là “con nhà giàu có bố tham ô”. Ngày nắng nóng, má chị hồng rực lên thì bị chúng bạn ném đá nói rằng mới tí tuổi mà đã thích tô son đánh phấn… Đó là những ngày tháng đau khổ nhất cuộc đời học sinh khiến chị Thanh không bao giờ quên được.

Nguyên nhân dẫn đến tư duy méo mó

Nhà báo Phạm Sao Mai, một nhà báo hiện đang sinh sống tại Pháp cho biết, không như ở Việt Nam, việc họp phụ huynh cho con ở Pháp khác hoàn toàn. Không phải họp chung toàn bộ phụ huynh để nhận xét từng học sinh như ở Việt Nam mà ở Pháp, giáo viên họp riêng từng phụ huynh một. Làm như vậy là bởi, văn hóa của người Pháp là tôn trọng sự riêng tư của người khác, tôn trọng sự riêng tư của đứa trẻ, của phụ huynh. Trẻ em ở Pháp đi học, các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm rằng con mình không bao giờ bị kỳ thị, cho dù họ (phụ huynh) là những người ở tù về, là người nghiện ma túy hay có những vấn đề khó khăn nào khác… Chính văn hóa tôn trọng sự riêng tư, ngay cả với đời sống riêng tư của trẻ đã tạo một môi trường lành mạnh để trẻ phát triển.

Câu chuyện của chị Thanh kể diễn ra cách đây 30 năm nhưng cho đến nay dường như vẫn còn thời sự. Văn hóa thiếu tôn trọng quyền riêng tư, coi trọng và chạy theo thành tích thể hiện rất rõ ngay trong lời thăm hỏi xã giao hay như cách khen thưởng học sinh giỏi mỗi độ hè đến. Gặp trẻ thay vì "Con cảm thấy thế nào sau một năm học?" hay "Năm học vừa qua con có kỷ niệm gì không?"… thì phần đông người lớn sẽ hỏi trẻ "Năm nay cháu có được học sinh giỏi không?" hay "Cháu xếp thứ mấy trong lớp?"… Hay khi gặp nhau, người lớn thường hỏi những câu như: "Con anh có giấy khen không?", "Con chị có đạt học sinh giỏi không?".

Trên Báo Tuổi Trẻ, một phụ huynh nêu ý kiến rằng "Nếu chúng ta luôn nói về điểm số, về danh hiệu học sinh, chắc chắn đứa trẻ đến trường là học cho mẹ cha chứ không phải vì mình. Thời nay vẫn còn nhiều phụ huynh đánh đổi thời gian, niềm vui của con để lấy về thành tích rồi đăng bảng điểm của con lên Facebook là làm khổ trẻ và phụ huynh đang làm khổ nhau".

Việc khen thưởng học sinh đạt thành tích mà ngó lơ học sinh khác mỗi dịp hè về thực chất là biểu hiện tư duy méo mó về giá trị sống của chính người lớn hiện nay. Việc tuyên dương khen thưởng sẽ chỉ có ý nghĩa thực sự khi nó gợi lên sự khát khao vươn lên ở mỗi người. Tuyên dương một người sẽ mất ý nghĩa nếu nó làm tổn thương người khác, đặc biệt ở đây là những đứa trẻ đang cần được sự giúp đỡ nhiều hơn. Bởi vậy việc tuyên dương khen thưởng theo cách đó không mang ý nghĩa giáo dục như nó cần phải có.

“Nguyên nhân dẫn đến sự méo mó trong tư duy của không ít người lớn hiện nay là tư duy đám đông. Người lớn thường chạy theo những giá trị đám đông, tìm kiếm những giá trị bên ngoài mà bỏ quên chính giá trị con người thật của mình. Họ cũng mang tư duy đó áp lên những đứa trẻ. Chính vì luôn hướng ra bên ngoài nên người ta rất quan tâm đến đời tư của nhau. “Trong nhà chưa tỏ nhưng ngoài ngõ đã tường”. Vì quan tâm đến đời tư của người khác và xem đó là điều bình thường trong cuộc sống nên mới dẫn đến việc thiếu tôn trọng quyền trẻ em đến như vậy”.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa

Có những hành động  này, cha mẹ đã quá nghiêm khắc khiến con bị tổn thương

Nghiêm khắc là điều mà nhiều cha mẹ trang bị cho bản thân để dạy dỗ con nên người. Nhưng nếu có những dấu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Khánh (Gia đình & xã hội)
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN