Báo động hành vi lệch chuẩn trong nhà trường
Sau hàng loạt vụ bạo lực học đường, đốt trường học vì câu like..., việc bàn thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết .
Ngày 12-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên.
1/4 học sinh coi bỏ học là bình thường
TS Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, khẳng định trường học có vai trò quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, giáo dục đạo đức, niềm tin, lý tưởng, lối sống cho học sinh.
Theo TS Trang, bên cạnh những thành tựu đạt được của ngành giáo dục thì vẫn còn tồn tại những hiện tượng làm ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng văn hóa học đường. Tình trạng bạo lực học đường xảy ra giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên và học sinh; những lệch lạc trong ứng xử diễn ra trong môi trường học đường như: trốn học, bỏ học, quay bài, nói bậy, chửi thề, yêu sớm, lấy trộm đồ của bạn… đang diễn ra hằng ngày đã ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh và uy tín của các trường.
Số liệu thống kê về hạnh kiểm học sinh ở 25 tỉnh, thành phố cho thấy biểu hiện đáng quan tâm. Cụ thể là ở cấp THCS, tỉ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 70,7% nhưng lên cấp THPT, tỉ lệ này giảm còn 65,6%; tỉ lệ học sinh xếp loại khá cấp THCS là 23,5% và cấp THPT là 24,9%. Hành vi lệch chuẩn trong học tập còn thể hiện ở việc học sinh không chú ý lắng nghe bài giảng, không mang đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, gây mất trật tự trong lớp để gây sự chú ý hoặc thể hiện với bạn bè. Một số học sinh còn rủ nhau trốn tiết đi chơi hoặc mải mê chơi game mà quên việc học tập.
Nữ sinh ở Khánh Hòa đã đốt phòng y tế của trường vì bị thúc ép thực hiện lời hứa “Đủ like là làm”. (Ảnh cắt từ video clip)
Một nghiên cứu về thái độ của học sinh đối với các hành vi lệch chuẩn trong học tập cho thấy có 23% học sinh được hỏi cho rằng việc đi học muộn, bỏ học, nghỉ học không xin phép là hiện tượng bình thường. TS Hoàng Gia Trang cũng nhấn mạnh vấn đề bạo lực học đường đang là nỗi lo của các nhà trường và của các bậc cha mẹ. “Tình trạng học sinh có hành vi gây hấn, hành hung nhau diễn ra ở nhiều nơi, cả thành thị, nông thôn; cả học sinh nam và nữ cũng có hành vi bạo lực mà hậu quả để lại rất đáng lo ngại” - TS Trang cảnh báo.
PGS Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nhận định hầu hết các trường học hiện nay đều có quy tắc ứng xử trong nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả trong việc xây dựng các quy tắc đó vẫn còn đáng bàn luận bởi hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa trong nhà trường đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo số liệu được Bộ GD-ĐT đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau...
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử
Phân tích nguyên nhân của tình trạng xuống cấp văn hóa trường học, PGS Huỳnh Văn Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân, như gia đình chưa quan tâm đến con cái, chưa phối hợp đồng bộ và hiệu quả với nhà trường trong hoạt động giáo dục học sinh. Trong khi đó, nhà trường chưa xử lý kịp thời, nghiêm khắc khi những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường, giáo viên chưa công bằng trong việc xử lý các hành vi thiếu văn hóa của học sinh, chưa quan tâm và chia sẻ với học sinh kịp thời.
Những quy tắc ứng xử trong nhà trường còn mang tính một chiều, chưa hiệu quả. Hầu hết các trường đều tự ban hành những quy tắc ứng xử mà không thu thập ý kiến của học sinh. Cách truyền đạt chưa sáng tạo và thu hút học sinh. Trong khi đó, bản thân học sinh chưa chủ động trong việc rèn luyện đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, có văn hóa; chưa tự trang bị các kỹ năng sống cần thiết nhằm vượt qua những cám dỗ…
Chưa hết, những tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày mà các em phải chứng kiến khác với những chuẩn mực văn hóa đạo đức được truyền đạt trong nhà trường cũng dẫn đến việc học sinh bối rối trong việc lựa chọn các hành vi ứng xử trong nhà trường nói riêng và cuộc sống nói chung. Chương trình đạo đức, giáo dục công dân ở các bậc học còn mang nặng tính lý thuyết, không tạo được dấu ấn để tác động hình thành nhân cách học sinh. Những bài học ý nghĩa, gần gũi với đời sống chưa được chú trọng mà thay bằng những bài học quá trừu tượng.
Một trong những giải pháp xây dựng môi trường văn hóa học đường chính là xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các chuyên gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp lâu dài, đột phá và những việc cần làm ngay nhằm xây dựng văn hóa học đường ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và cho tương lai; thống nhất đề xuất nguyên tắc xây dựng quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục, chủ yếu là trong nhà trường từ mầm non đến ĐH.
Cần được phản biện TS Trương Đình Chiến, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (Phân hiệu phía Nam), cho rằng việc thiết kế bộ quy tắc ứng xử của các trường phải tuân thủ nguyên tắc hợp với chuẩn mực đạo đức phổ biến đã được xã hội thừa nhận, phù hợp với những quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ và nhân văn… Khi xây dụng bộ quy tắc rất cần thiết phải tạo điều kiện cho các thành viên tham gia đóng góp ý kiến và phản biện, đặc biệt là góp ý cho các biện pháp và hình thức chế tài sẽ áp dụng khi xử lý các sai phạm. Điều này để tránh trường hợp bộ quy tắc ứng xử là sản phẩm của sự lạm dụng quyền lực của lãnh đạo, trở thành sự áp đặt ngặt nghèo, phi lý. |