Phim về vụ án giết người lạ kỳ gây nhức nhối Nhật Bản

Từ một vụ thảm án, "Rashomon" gợi mở thông điệp về nhân tính, tìm định nghĩa mới cho khái niệm con người.

Thế giới điện ảnh có nhiều bộ phim hay nhưng không có cơ hội lan tỏa rộng rãi đến khán giả. Ai đã xem những bộ phim này đều muốn chia sẻ đến mọi người bởi sự cảm động, sâu sắc, nhân văn, lãng mạn... Những bộ phim như thế sẽ được giới thiệu tới độc giả vào lúc 11h, thứ 5 hàng tuần, mời các bạn đón đọc!

Rashomon (1950) là tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới. Triết lý về nhân tính được lồng ghép đầy thuyết phục ở Rashomon, ẩn trong từng cốt truyện, từng nhân vật, bối cảnh… tạo nên một cuộc rượt đuổi về cảm xúc mà nếu không xem phim, khán giả chắc có lẽ sẽ chẳng thể hình dung được.

Từ một vụ án giết người lạ kỳ, Rashomon đi tìm định nghĩa mới cho khái niệm con người: Con người là người có nhân tính!

Phim về vụ án giết người lạ kỳ gây nhức nhối Nhật Bản - 1

Vụ thảm án xoay quanh ba nhân vật chính: tên cướp Tajomaru, vợ chồng người võ sĩ đạo cùng một nhân chứng sống là người tiều phu nghèo khó, nhân hậu. Trước công đường, lần lượt từng người từ nghi phạm đến nhân chứng và cả người bị sát hại đã thuật lại rõ ràng từng chi tiết trong vụ thảm án. Họ nhận tội về mình nhưng đổ thừa nguyên nhân gây tội cho người khác hòng giữ lại cho bản thân cái “lòng tự trọng” - của họ.

Tajomaru giết người võ sĩ đạo vì nghe theo lời xúi giục của vợ người võ sĩ đạo. Vợ người võ sĩ đạo giết chồng vì không chịu nổi ánh mắt lạnh lùng, vô cảm của chồng dành cho mình. Người võ sĩ đạo tự sát vì sự phản bội của người vợ.

Ba lớp lý lẽ được xây dựng song song đã khắc họa thành công bản tính của từng nhân vật mà chỉ có những tính từ như hèn nhát, yếu đuối mới đủ để lột tả tất cả.

Phim về vụ án giết người lạ kỳ gây nhức nhối Nhật Bản - 2

Bên cổng Rashomon đổ nát, dưới cơn mưa tầm tã, câu chuyện kỳ lạ đó đã một lần nữa được nhắc lại trong sự xuất hiện của ba nhân vật: vị sư, người tiều phu, người khách trú mưa. “Kể cả nhà sư có tiếng tinh thông nhất đền Kiyomizu cũng chưa từng nghe câu chuyện nào lạ lùng đến thế” – vị sư nói trong sự bàng hoàng…

Từ cốt chuyện chính xoay quanh vụ thảm án, Akira Kurosawa đẩy thông điệp của Rashomon sang cốt truyện phụ độc đáo, khác lạ với sự xuất hiện của một đứa trẻ nơi cổng Rashomon.

Tiếng khóc ré lên của đứa trẻ đã phá tan bầu không khí nặng nề, u tịch nơi cổng Rashomon. Người khách trú mưa ngay lập chạy về phía có tiếng khóc và lấy cho bằng được chiếc kimono của đứa trẻ.

Một cuộc giằng co qua lại diễn ra rồi ngay lập tức kết lại bằng một cú tát vào mặt người tiều phu từ phía người khách trú mưa. Đây là một chi tiết nghệ thuật thú vị, gợi mở thông điệp về nhân tính ở Rashomon. Nhân tính này là của người tiêu phu.

Phim về vụ án giết người lạ kỳ gây nhức nhối Nhật Bản - 3

Cái tát là cái giá mà người tiều phu tự nguyện trả cho hành động lấy cắp thanh đoản đao trong vụ thảm án. Cái tát là ranh giới phân định giữa phần con và phần người bên trong con người của người tiều phu. Cái tát đồng thời còn là cái cớ để vị sư tiếp tục nghi ngờ về nhân tính của con người, để rồi cuối cùng ông cũng nhận ra con người là có nhân tính: “Cảm ơn anh. Ta nghĩ ta có thể giữ lại niềm tin về nhân tính”.

Người tiều phu bế theo đứa trẻ, bước ra khỏi cổng Rashomon trong ánh nắng rực rỡ. Đứa trẻ là nhân tính, cũng là điểm sáng chói cho thông điệp về nhân tính con người ở Rashomon.

Nhân tính ở đây không cần đến một vị quan xử án hay những lời kết tội, cũng không cần đến sự ngụy biện của con người. Nhân tính trước hết là thái độ sống, là lời nói, hành động mà ở đó con người vươn đến cái đẹp, cái thiện, cái cao cả.

Con người chỉ cần đối diện với chính mình, để lắng nghe và cảm nhận về nhân tính của mình như một người đang tọa thiền. Từ đó, không dưới ba lần hai tiếng nhân tính được nhắc lại trong từng lời nói của vị sư và cũng chỉ duy nhất vị sư nhắc tới nhân tính ở Rashomon.

Phim về vụ án giết người lạ kỳ gây nhức nhối Nhật Bản - 4

Sau hai lần phủ định về nhân tính con người, trong lần thứ ba vị sư đã giữ lại cho mình niềm tin về nhân tính, trao gửi niềm tin ấy nơi người tiều phu nghèo khổ. Đứa trẻ là biểu tượng của nhân tính bỗng im bặt tiếng khóc khi được trao sang tay người tiều phu…

Phải chăng, đứa trẻ cũng cảm nhận được thế nào là nhân tính?

Mời độc giả thưởng thức trailer phim

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bắt Bộ ([Tên nguồn])
Phim hay ít người biết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN