Sự khác nhau giữa “táo Ta” và “táo Tàu“
Nhiều người cho rằng tục cúng Ông Táo của nước ta bắt nguồn từ Trung Hoa, chúng ta cùng xem đúng hay sai.
Bởi hai Ông Táo của hai dân tộc tuy có nhiều nét tương đồng nhưng có nhiều nét văn hóa rất khác nhau đặc trưng cho nền văn minh ở mỗi nước. Hãy xem những so sánh sau đây sẽ rõ:
Táo Ta theo kiểu “mẫu quyền”, 2 ông 1 bà, còn Táo Trung Hoa thì ngược lại. Thế mới biết phụ nữ xứ ta xưa khỏe mạnh và “oách xà lách” cỡ nào!
Táo Ta lên báo cáo Ngọc Hoàng thì cưỡi cá chép (cá thật hoặc cá giấy); còn Táo Trung Hoa thì cưỡi ngựa giấy. Do đó Táo Ta “thần thông quảng đại” hơn, ngài có tài “khinh công” cao thủ tới mức có thể biến người thành không trọng lượng để cưỡi cá.
Đồ cúng của các vị Táo Quân cũng khác nhau, của Táo Ta ngoài mâm cỗ thì còn có quần áo, giầy mũ, cá bằng giấy, tiền vàng để Ông Táo chi tiêu dọc đường. Rõ ràng là Táo Ta “hoành tráng” hơn!
Lễ cúng Ông Táo của ta có tục phóng sinh cá chép thật. Trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của dân tộc Việt.
Về phục trang thì Táo Trung Hoa có vẻ như “lịch sự” hơn Táo Ta. Nhưng ngẫm cho cùng lại thấy Táo Ta “nghệ sĩ, bản năng” hơn hẳn. Bởi cái gì “bản năng” là tuân theo lẽ tự nhiên. Thêm nữa, ở trên ta đã biết rằng Táo Ta cưỡi cá chép thật, vây cá chép thì sắc nhọn, Ông Táo Ta lại cưỡi cá chép trong hiện trạng “truổng cời” như vậy chứng tỏ ông rất... “mình đồng da sắt”.