Phiếm đàm Ất Mùi: Nỗi oan của Dê
Nói đến "đạo đức" của nó người ta có vẻ khinh ghét. Khi nó chết người ta còn "treo đầu dê, bán thịt chó"!
Chiều ba mươi Tết, thanh niên trong bản chúng tôi quây quần bên mâm cỗ tất niên để tổng kết một năm hoạt động về phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Ngoài mấy con gà dùng để cúng, bữa nay chúng tôi còn mổ một con dê do mình tự chăn nuôi được. Sau khi nâng ly rượu thuốc ngâm với ngọc dương chúc sức khỏe mọi người, chủ tọa nói:
- Chuẩn bị bước sang năm mới Ất Mùi, năm con dê, chúng ta cùng nói chuyện xung quanh con dê nhé, anh em đồng ý chứ?
- Đồng ý! - Mọi người đồng thanh.
Chủ tọa nói tiếp:
- Từ mấy năm nay, thanh niên trong bản chúng ta luôn luôn đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau, làm tốt phong trào thanh niên tự quản, giúp từng gia đình vượt khó vươn lên, góp phần xóa đói giảm nghèo. Là một bản miền núi, có nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chậm, giao thông cách trở, chúng ta đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê. Do vậy, đàn dê phát triển nhanh trông thấy, khắp bản ta đâu đâu cũng nghe thấy tiếng dê kêu "be be" rộn rã, râm ran. Hơn ai hết chúng ta hiểu rất rõ lợi ích từ việc nuôi dê.
Một trai bản nhanh nhảu:
- Đúng vậy! Người xưa có câu "Phú dưỡng ngan, bần dưỡng dương" nghĩa là giàu nuôi ngan, nghèo nuôi dê, để nói nghề nuôi dê là nghề của người nghèo!
- Thịt dê không những là một món ăn đặc sản mà trong y học cổ truyền nó còn được dùng làm thuốc chữa trị bệnh tật, suy nhược cơ thể, gầy yếu, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, liệt dương... Tim dê bổ tim, xương đuôi dê bổ mắt, tráng dương, lông dê ngâm với dấm rồi hơ nóng có thể dùng để trị bong gân, sừng dê nấu cao, chữa được bệnh đau mắt.
Người khác tiếp lời:
- Dân nhậu rất khoái các món rượu tiết dê, tiết canh dê, tái dê, dê nướng, nầm dê, lẩu dê, dê hầm thuốc bắc... Thế mà người đời còn gán cho dê đủ thứ tiếng xấu. Chẳng hạn để chỉ những người ưa dâm dục, đa dâm hay làm những việc đồi bại, người ta dùng ngay dê để gán vào như: "cái gã dê xồm", "già rồi mà còn dê", "thằng cha ấy dê lắm", "đúng là con mụ dâm dê", "kẻ có máu dê", "dê cụ", "đồ dê già"... Cho nên ăn thịt dê thì ngon đấy, mà bảo người ta có máu dê thì nó thế nào ấy, tồi tội!...
- Chắc là xuất phát từ chú dê đực mà ra. Một con dê đực có thể "đảm nhận" khoảng từ 20 đến 30 con dê cái, cứ nghe thấy tiếng dê cái kêu là tìm đến ngay! Dê quan hệ với nhau cả ngày lẫn đêm, đặc biệt là thời kỳ dê cái động dục. Nhưng dê cũng biết "kiêng kỵ" khi đang mang thai vì sợ sảy thai. Việc một con dê đực có thể đảm nhận truyền giống cho vài chục con dê cái âu cũng là đặc điểm do trời sinh ra!
- Thảo nào! Như người ta vẫn nói rằng, con dê chết không bao giờ nhắm mắt, chắc là do nó bị oan ức quá. Mọi thứ trên cơ thể con dê đều có thể dùng được, kể cả "lục phủ ngũ tạng" đến lông dê đều làm thuốc, phục vụ con người. Nói đến "đạo đức" của nó người ta có vẻ khinh ghét. Khi nó chết người ta còn "treo đầu dê, bán thịt chó"!
Chủ tọa kết luận:
- Con dê có bị tai tiếng, oan ức, có giảm giá trị ở đâu đó, nhưng ở bản ta nó vẫn giữ nguyên giá trị. Sang năm Ất Mùi - năm con Dê, ta sẽ tiếp tục chăn nuôi dê để chúng luôn sinh sôi nảy nở đầy đàn, đầy chuồng. Tôi xin có đôi câu mừng Xuân như sau:
Đón chào năm mới Ất Mùi
Bản ta ngày sẽ càng vui hơn nhiều
Đứng trên đỉnh núi cheo leo
Có đàn dê đó cùng trèo với ta
Sáng ra cho đến chiều tà
Có dê bên cạnh thật là... nên thơ!...
Theo Đặng Việt Thủy ([Tên nguồn])