"Nhà quê ra phố" (49): Tễu lao đầu làm thơ

Trong mơ Tễu thấy mình làm ra rất nhiều thơ, toàn là thơ tình yêu, thơ triết lý cuộc đời. Trong đầu anh có tiếng ve kêu ong ong, giai điệu giống như một bài thơ ấy.

 Tễu tỉnh dậy trong bàng hoàng, mặt ngơ ngác như vừa mất trộm, mất một thứ rất lớn trong cuộc đời. Tễu hiểu được tâm trạng mình rồi, có lẽ các cụ cho ăn lộc làm thơ.

Tễu chạy ra quán mua cuốn sổ dầy 300 trang, 1 tá bút bi, cặm cụi ngồi viết thơ. Lần đầu tiên trong đời anh thấy hứng chí làm thơ, ngồi dưới gốc cây sung nghiêng chéo là là mặt nước ao tự nhiên trong đầu anh xuất hiện bao nhiêu là ý tưởng. Anh có cảm giác như hồn cốt của ông Nhà Thơ đã nhập vào mình.

Tễu chậm rãi bước theo con đường ngoằn ngoèo. Lá tre rơi xào xạc, mùa thu sắp tới rồi. Một cụ già dắt con bò gặm cỏ, ung dung vén quần đái xuống ruộng hết sức tự nhiên, cụ vừa chào Tễu vừa đái. Tuyệt thật, trên thế giới này không biết có nơi nào bình an hơn miền quê này nhỉ?

Sự nghèo túng không làm mất đi sự kiêu hãnh trên nét mặt con người, dù trong hoàn cảnh nào thì họ cũng nghĩ mình chiến thắng. Nông dân luôn nghĩ mình là người vĩ đại nhất, mọi sự trên đời đều có nguồn gốc nông dân. Xét về mọi góc cạnh thì dân thành phố dối trá và khốn nạn hơn dân nhà quê rất nhiều lần. Trong một làng người ta có thể tìm ra chỉ một người dối trá thôi, còn ở một khu phố thì rất đông những kẻ lừa đảo.

Con bò ung dung gặm cỏ mặc dù ngày mai nó sẽ bị mổ thịt phục vụ đám cưới rồi. Còn bò hoàn toàn không biết điều này, chỉ người chăn bò biết rõ. Cụ chăn bò kể: “Con bé lên phố bưng bê bị chửa hoang. Nó không nhớ có chửa với thằng nào. Bố mẹ nó phải thuê một thằng đóng giả chú rể cưới cho mát mặt với xóm làng. Ngày mai con bò này của tôi sẽ bị đưa lên dàn quay phục vụ cho cái sự sung sướng”.

Thật tội nghiệp con bò. Làm sao nó biết cái chết đã tới gần. Đối với nó cái chết vô cùng thanh thản, một sự hóa kiếp để tiến tới quy trình đầu thai gần hơn. Không hiểu Thượng Đế sẽ cho nó đầu thai làm giống gì nhỉ? Làm người thì cũng nhục!

Đầu bếp của đám cưới ngày mai ra kiểm tra con bò, ông này trên thành phố xuống mới biết quay bò chứ, dân nhà quê chỉ biết xào lăn. Ông vỗ vỗ vào mông con bò khen: “Béo đấy, con này mà quay thì hai họ cứ là say khướt”.

Ông đầu bếp có vẻ thạo tin xung quanh cái đám cưới lạ lùng này: “Con ấy xinh thật lại ngoan quá. Lên thành phố nó làm vợ hờ thằng giám đốc, giầu lắm. Chú rể ngày mai chỉ là giả vờ thôi. Thằng giám đốc đã mua cho vợ hờ căn hộ xịn lắm, nếu đẻ con gái thì nó còn mua cho xe ô tô”.

Tễu thấy thú vị nghe chuyện quê, tuy có vẻ vẫn thấy là tai lắm. Nhũng câu chuyện đại thể thế này đang xâm nhập vào miền quê sâu tít tắp, và đã trở thành rất bình thường với người dân. Mảnh đất quê thân thương này đã có đủ trò khốn nạn của cuộc sống rồi, nào là giết người, hiếp dâm, trộm cắp, làm đĩ điếm…

Bà con tiếp nhận những chuyện như thế thật bình thường, thậm chí hơi bàng quan, như kiểu chuyện nó phải thế. Tễu còn nhớ cách đây mấy chục năm cô Thị Mầu chửa hoang thì cả làng um lên như sắp có động đất, còn bây giờ thì các bà thi nhau nhe răng ra cười, kéo nhau đi ăn cưới cô chửa hoang.

Tễu chả biết mình phải viết cái gì nữa. Mới ra ngõ thôi đã thấy bao nhiêu là chuyện, toàn chuyện lạ đời. Cái làng quê này rồi sẽ đi về đâu khi người dân sáng lên phố kiếm ăn, tối thì kéo nhau về tổ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Truyện ngắn NHÀ QUÊ RA PHỐ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN