Hãy "khóc" cho Pháo thủ!
Cuối cùng Arsenal đã giành vé dự Champions League mùa tới.
Arsenal kết thúc mùa bóng ở vị trí thứ tư, với 73 điểm sau 38 trận là một thất bại với Arsenal và với những người yêu mến đội bóng này.
1. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu với Newcastle vang lên, các cầu thủ Arsenal ôm chầm lấy nhau ăn mừng, Arsene Wenger nở nụ cười mãn nguyện và khán giả của họ trên khán đài ăn mừng cứ như thể vừa giành được chức vô địch. Từ bao giờ Arsenal lại tự hài lòng với tấm vé dự Champions League?
Đã rất lâu rồi gã khổng lồ một thời Arsenal tự cho phép mình tận hưởng những niềm vui bé nhỏ một cách dễ dãi. Mùa trước Pháo thủ cũng đã ăn mừng vị trí thứ ba và cũng chỉ hơn Tottenham 1 điểm. Nhìn xa hơn, trong 6 mùa giải gần nhất đội bóng áo đỏ trắng thành London đều kết thúc ở vị trí thứ ba hoặc thứ tư với số điểm quanh quẩn mốc 70. Lần gần nhất các học trò của Wenger chạy đua giành chức vô địch cho tới những vòng cuối cùng là ở mùa bóng 2007-08, họ dẫn đầu suốt một thời gian dài để rồi hụt hơi trong giai đoạn nước rút. Khi ấy, Man City vẫn chưa được bơm tiền và Tottenham vẫn còn làng nhàng. Sự trỗi dậy của hai đội bóng ấy trong những mùa gần đây khiến Pháo thủ trở nên mong manh trong cuộc đua vào Top 4.
Arsenal giành vị trí thứ 4
2. Trước vòng đấu cuối cùng, các nhà báo Anh đã đặt một câu hỏi cho Arsene Wenger, rằng ông có cảm thấy ghen tị không khi thấy Chelsea vô địch Europa League. Vị HLV người Pháp đã thẳng thắn trả lời “không”, bất chấp đội bóng của mình đã có 8 năm liên tiếp tay trắng.
“Trận chung kết diễn ra giữa hai đội rớt xuống từ Champions League. Mục tiêu của họ ở đầu mùa là Champions League, không phải là Europa League. Nếu họ đặt mục tiêu ban đầu là Europa League và vô địch thì đó mới là thành công”, Wenger lý giải với ý ám chỉ Chelsea bị loại khỏi Champions League ngay từ vòng bảng, trong khi đội bóng của mình giành được vé vào vòng knock-out.
Wenger là một học giả uyên bác và luôn biết cách bảo vệ mình bằng những lý lẽ khôn ngoan. Nhưng vị HLV 63 tuổi quên mất rằng mùa giải trước Chelsea đã vô địch Champions League, trong khi Arsenal của ông cũng đã từng rất khao khát vô địch UEFA Cup năm 2000 (phiên bản cũ của Europa League) khi rớt xuống từ Champions League nhưng rồi lại thất bại trước Galatasaray ở chung kết.
3. Arsene Wenger có lẽ sẽ rất hạnh phúc và tự hào với chiến tích giành vé tham dự Champions League mùa giải thứ 16 liên tiếp, một kỷ lục. Đó cũng là mùa giải trọn vẹn thứ 16 của HLV người Pháp ở Bắc London (mùa đầu tiên 1996-97, Wenger chỉ bắt đầu làm việc từ tháng 10 thay HLV Bruce Rioch bị sa thải và Pháo thủ để mất vé vào tay Newcastle). Nhưng kỷ lục có ý nghĩa gì khi trong 15 mùa giải tham dự trước đó The Gunners mới một lần vào chung kết (thua Barca năm 2006) cùng một lần vào bán kết (bị loại bởi M.U). Đừng nói tới vô địch, chỉ cần Arsenal vào tới tứ kết mùa giải sau đã được xem là một thành công ngỡ ngàng.
Mới đây người viết được dự buổi lễ ký kết hợp đồng đưa Arsenal sang Việt Nam thi đấu mùa hè này. Trong buổi lễ, một clip do phía Arsenal dàn dựng đã được chiếu như một lời chào dành cho khán giả Việt Nam. HLV Wenger là nhân vật chính của clip ấy, vị HLV có ngoại hình và phong thái đạo mạo như “giáo sư” đã say sưa nói về triết lý bóng đá của mình - một phong cách bóng đá bền vững với tiêu chí quan trọng nhất là mạnh mẽ, chủ động về tài chính.
Sự nghiệp bóng đá của Wenger cho thấy ông đã làm đúng với triết lý của mình. Ông mua Patrick Vieira với giá 3,5 triệu bảng để rồi biến anh thành tiền vệ trung tâm hay nhất thế giới. Ông bỏ 500.000 bảng mua chàng thanh niên 17 tuổi Nicolas Anelka để rồi xuất xưởng anh sang Real với giá đắt gấp 46 lần. Một ví dụ điển hình khác cho triết lý “kinh tế bóng đá kiểu Wenger” là Marc Overmars, mua vào 7 triệu bảng và bán ra với giá 25 triệu.
4. Từng theo học ngành kinh tế & khoa học quản lý tại đại học Strasbourg và có bằng cử nhân, Wenger đã có thời tỏ ra là một chuyên gia kinh tế lọc lõi. Nhưng HLV người Pháp tốt nghiệp đại học từ năm 1974 và trong 4 thập kỷ ấy, một quy luật thời thượng có thể trở nên lạc hậu. Triết lý của Wenger thì bao năm qua vẫn bất biến: săn hàng rẻ, đào tạo và bán đi khi được giá. Cũng giống như bạn mua chiếc áo ngoài chợ với giá 10 bảng, đợi đến khi nó “mốt” và bán với giá 100 bảng. Với 10 chiếc áo bán được, bạn đút túi 900 bảng tiền lời.
Nhưng có một cách kinh doanh khác hiệu quả hơn: bạn mạnh dạn mua chiếc áo hàng độc với giá 1.000 bảng và bán với giá 5.000 bảng. Chỉ cần một thương vụ thành công, bạn đã lãi 4.000 bảng. Đó là cách mà Sir Alex Ferguson của M.U đã làm với Cristiano Ronaldo khi mua anh với giá 12 triệu bảng và rồi bán cho Real để thu về 80 triệu sau 6 năm. Với tính cách của mình, Wenger sẽ không bao giờ trả 12 triệu bảng cho một cầu thủ 18 tuổi. Bởi thế, ông mới chỉ có những món hời, chứ chưa thể có những món cực hời. Và hơn nữa Arsenal vẫn chỉ thể hiện bộ mặt của “con buôn” hơn là một đội bóng khát danh hiệu.
Arsene Wenger xứng đáng được ngợi khen vì những điều đã làm cho Arsenal. Đóng góp lớn nhất của ông là đã giúp CLB có được sân bóng mới mà vẫn duy trì nền tảng tài chính ổn định. Nhưng vẫn có những điểm bất hợp lý. Đầu tiên là giá vé vào sân Emirates quá cao, thuộc hàng đắt nhất nước Anh và đắt hơn nhiều lần vé xem Bayern Munich, đội đã 3 lần vào chung kết Champions League trong 4 năm. Tiếp đến là cái tiếng “buôn bán cầu thủ”, “buôn bán trẻ em” đeo đẳng.
Pháo thủ hài lòng với vị trí thứ 4
Có một cách làm hợp lý và hiệu quả hơn mà người hâm mộ muốn ở Arsenal, đó là cách làm của M.U: đầu tư mạnh, bán ít và giành chiến thắng nhiều hơn. Trong 8 năm Arsenal trắng tay, M.U đã 5 lần vô địch Anh, 1 lần vô địch cùng 2 lần vào tới chung kết Champions League. Ngoài tiền thưởng thì những danh hiệu ấy đã giúp M.U lôi kéo được rất nhiều khán giả cùng những hợp đồng thương mại, đặc biệt là từ những thị trường tiềm năng như Đông Á.
Mới đây M.U đã ký với một ngân hàng ở Việt Nam hợp đồng thương mại trị giá 131 triệu bảng, và vẫn còn những thị trường màu mỡ hơn thế. Wenger cần phải bán bao nhiêu Van Persie, bao nhiêu Fabregas để kiếm được số tiền khổng lồ ấy?
5. Một cổ động viên Arsenal chân chính không nên vui khi đội bóng của mình đánh thắng Wigan mới đây, được Wenger đánh giá là một chiến thắng lớn bởi nó đưa Pháo thủ tới gần mục tiêu tốp 4. Cũng không nên mừng khi đội bóng của mình cán đích ở vị trí thứ tư. Với tấm vé Champions League trong tay, Arsene Wenger càng có thêm cơ hội bảo vệ triết lý của mình, vẫn kiên định với những mục tiêu nhỏ và hoài bão kiếm tiền lớn hơn săn lùng những danh hiệu.
Một thất bại, một cái trượt chân khỏi Top 4 lại là thứ cần thiết hơn với Arsenal bởi nó sẽ khiến Wenger tỉnh ngộ hoặc bị sa thải. Nhưng đáng buồn cho các gooner là đội bóng của họ đã thắng và serie trắng tay có thể kéo dài sang mùa giải thứ 9, thứ 10… Phút huy hoàng chẳng có, và buồn le lói thì suốt trăm năm.