Nữ du học sinh kêu gọi cứu Sơn Đoòng

Những tiếng nói bảo vệ Sơn Đoòng của Hương đã tạo nên những tác động mạnh mẽ.

Lê Nguyễn Thiên Hương, sinh năm 1987 (TPHCM) tự đặt cho mình nickname “Cô giáo đi bụi”. Là người sáng lập dự án #SaveSonDoong (Cứu Sơn Đoòng), từng thành công trong việc can thiệp đến một số công trình có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tại hang động lớn nhất thế giới này.

Học ngành Truyền thông ở California State University Fullerton (Mỹ) nhưng Thiên Hương bén duyên với công tác sư phạm từ khi còn ở trong nước.

Nữ du học sinh kêu gọi cứu Sơn Đoòng - 1

 Lê Nguyễn Thiên Hương khi đi dạy tại Nepal.

“Cô giáo đi bụi” là ai?

Nói về lý do thích đi bụi và quan tâm tới môi trường, Hương kể, năm 17 tuổi, cô giành được tấm vé đi Nam Phi 2 tuần. Đó là thời gian Hương được thả mình trong thiên nhiên, học các khóa huấn luyện như định vị từ các ngôi sao, phân tích các loại phân động vật đến việc học xử lý nước sạch từ sông hay uống nước từ thân cây…Từ đó, cô bắt đầu trân trọng thiên nhiên và yêu môi trường hoang dã.

Trong thời gian du học, Hương đã có 2 tháng trải nghiệm thiên nhiên tại Nepal và tham gia dạy tiếng Anh, chăm sóc cho trẻ em trong một cô nhi viện. Hương kể, Nepal có nhiều trẻ em mồ côi hoặc có cha mẹ là tù nhân. Ở đó, họ chỉ tắm 1 lần/tuần vì thiếu nước. nhớ lần đầu tiên tắm cho các bé, trong đó em Sundar, Hương bàng hoàng vì khi cởi áo ra, cô phát hiện người em đầy sẹo bỏng.

Hương nhớ lại: “Nepal còn những hủ tục, phân biệt đối xử với phụ nữ. Trại trẻ của mình lúc đó là trại nam, chỉ có một em gái, lớn tuổi nhất, tên là Sita. Sita làm người giúp việc ở đó để cho 2 em trai của em được sống tại trại.

Theo phong tục của người Nepal, cứ mỗi lần đến tháng, em ấy phải “ở cũi” không được vào nhà. Mỗi lần mang cơm ra cho Sita, mình lại ứa nước mắt nghĩ đến thân phận phụ nữ ở đây”. Nỗi ám ảnh lớn nhất của cô khi rời Nepal là cảm giác bất lực, vì cô chưa giúp họ được nhiều. Hiện Hương vẫn giữ liên lạc với các em ở trại trẻ đó.

Thời gian đang du học ở Mỹ, Hương nhận tin hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) mới được phát hiện và xác nhận là “thế giới dưới lòng đất lớn nhất”. Hương kể, năm 2014, người ta mới thử nghiệm các tour du lịch đầu tiên, mỗi tour chỉ có 8 vé cho 8 khách, mỗi vé có giá đến 3.000 đô la Mỹ. Với tình yêu thiên nhiên, Hương quyết tâm dành tiền và tập thể dục nhiều hơn để đi Sơn Đoòng.

Giữa 2014, Hương bắt đầu khám phá Sơn Đoòng: “Hang mở ra trước mắt mình cả một thế giới ngầm đầy bí ẩn, một vương quốc tách biệt với loài người, đánh thức một tình yêu khám phá mà mình đã mơ từ rất lâu”.

Khi đọc được những thông tin về dự án xây tuyến cáp vào Sơn Đoòng để nâng số du khách lên 8.000 người/ngày, Hương bức xúc vì đây là một quyết định có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái bên trong hang động, về lâu dài sẽ để lại những hệ lụy xấu đối với môi trường.

Hương tâm sự: “Năm triệu năm mới hình thành nên động Sơn Đoòng đặc biệt. Mình không muốn dự án cáp treo, đưa hàng ngàn người vào động mỗi ngày phá hỏng di sản này. Người Việt Nam mình luôn tự hào khi nói với thế giới đất nước tôi có các kỳ quan thiên nhiên thế giới như Hạ Long, Sơn Đoòng nhưng lại không làm gì để bảo vệ nó”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoan ([Tên nguồn])
Thiếu nữ và cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN