Nỗi lòng đàn bà góa chồng
Thái độ của họ thay đổi 180 độ sau khi người con trai ra đi vì tai nạn giao thông.
Không gì qua được mắt bố chồng
Góa bụa ở tuổi 32 nhưng điều làm Quỳnh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) khổ sở nhất không phải sự thiếu thốn tình yêu và khoái lạc thể xác giữa tuổi thanh xuân, mà là sự ngột ngạt khi sống dưới con mắt dò xét, cảnh giác của bố mẹ chồng. Thái độ của họ thay đổi 180 độ sau khi người con trai ra đi vì tai nạn giao thông.
“Tôi đã nhiều lần nói với bố mẹ chồng rằng, ít ra là đến lúc này, tôi không hề có ý định đi bước nữa, mà chỉ tập trung nuôi hai đứa con. Nhưng ông bà không tin, họ luôn nói một người đàn bà có nhan sắc, lại ở tuổi sung mãn như tôi sớm muộn gì cũng vứt bỏ con cái để chạy theo đàn ông”, Quỳnh kể.
Bố mẹ chồng Quỳnh vốn ở cùng con trai cả, còn vợ chồng chị ở riêng trong căn nhà họ tích cóp mua được. Sau cái chết của con trai, ông bà viện cớ sang ở cùng dâu thứ để giúp chăm các cháu, cho cửa đỡ hiu quạnh, nhưng Quỳnh biết thực ra họ muốn canh chừng con dâu, không để chị có cơ hội gặp gỡ, cảm tình với người đàn ông nào. Hễ Quỳnh ra khỏi nhà là bố mẹ chồng lại hỏi kỹ đi đâu, gặp ai, bao giờ về, và mỗi lần về, chị đều thấy ánh mắt nghi kỵ của bố chồng đang dán vào mình sau cặp kính.
Được người xung quanh mách, chị biết bố chồng nhờ họ để mắt giùm cô con dâu, nếu có gì thì báo cho ông biết. “Nếu tôi cần đi mua gì đó, ông sẽ nói để mẹ mày đi cùng cho vui. Nếu tôi có công việc khác, ông sẽ gọi điện bảo chú út chở đi kẻo tôi lái xe máy không an toàn, nhưng tôi biết động cơ thực sự là gì”, Quỳnh nói.
Quỳnh không nghĩ mình ngờ oan cho bố mẹ chồng, bởi đã có lần chị nghe lỏm họ nói chuyện. Ông bảo bà phải để ý cả chuyện sức khỏe của con dâu, xem hằng tháng nó có kinh hay không, nhỡ nó chửa với thằng nào, dẫn về chiếm cái nhà này thì cháu mình khổ. Bà thì chép miệng than rằng, hồi trước đã bảo để bố mẹ đứng tên giấy tờ nhà mà thằng con ngu dại không nghe, giờ nó chết rồi, để nhà cho thằng khác hưởng. Nghe họ nói chuyện, Quỳnh lạnh người, nổi cả da gà.
Cũng ở hoàn cảnh tương tự, Hải Vân, 29 tuổi, sống ở thành phố Nam Định, nói: “Em không hiểu nổi, sao bố mẹ chồng không nghĩ rằng em mới chừng này tuổi đã góa bụa thì đau khổ biết bao nhiêu. Họ đã không thương thì chớ lại còn coi em như mối đe dọa gây thiệt hại cho gia đình họ. Lúc nào họ cũng nhìn em một cách cảnh giác, nói năng thì toàn cạnh khóe, cứ như em là tội phạm tiềm năng vậy. Bố chồng em nhiều lần còn nói, đàn bà phải thờ chồng nuôi con. Giờ là thời đại nào rồi mà ông còn muốn giam hãm em cả đời, mà liệu có giam hãm nổi không?”.
Vân cho biết, nỗi đau của cô chưa thể nguôi ngoai để nghĩ đến chuyện có ai khác. Nhưng nếu sau này vết thương lòng lành hẳn, nếu cô có hạnh phúc mới thì đó cũng là chuyện chính đáng và tất nhiên. Thế mà bố mẹ chồng cô cứ nghĩ đến điều đó là lại than khóc ời ời trước mặt hai đứa cháu: “Con ơi con chết thì thiệt thân, chứ vợ con nó chẳng chung thủy với con đâu. Khổ thân cháu tôi, rồi mẹ mày cũng bỏ chúng mày để sướng lấy một mình thôi”, khiến Vân nhiều khi muốn phát điên.
Cô ấm ức: “Chẳng lẽ ông bà nghĩ rằng em phải cô đơn, khổ sở suốt đời thì con trai ông bà mới đỡ thiệt hay sao? Có lẽ, họ coi con dâu là đồ vật trong nhà, thuộc sở hữu của gia tộc, nên không chấp nhận được việc có một ngày em không thuộc quyền kiểm soát của họ, không hầu hạ phục dịch họ nữa”.
Liệu có bao giờ họ nghĩ đến tương lai, tình cảm của những người mẹ góa con côi như chúng tôi? (Ảnh minh họa)
Cả họ hè nhau ăn hiếp gái góa
Khác với Vân và Quỳnh, chị Hoàng Oanh, 42 tuổi, sống ở Hà Nội, lại được cả nhà chồng chiều chuộng, nâng niu hơn hẳn sau khi chồng qua đời. Điều đó khiến chị vô cùng cảm động và thấy được an ủi rất nhiều. Mẹ chồng luôn mua đồ ăn sáng cho Oanh, hỏi han chị mỗi khi đi làm về mệt mỏi.
Nhà có việc, trong khi nàng dâu út bị sai đủ thứ, làm luôn chân luôn tay loạn hết cả lên thì Oanh được mẹ chồng bảo nghỉ ngơi cho khỏi mệt. Các em chồng được bà nhắc nhở phải biết quan tâm đến chị, giúp chị được cái gì thì giúp. Thực ra Oanh không cần các em giúp việc gì, mà chính chị lâu nay giúp đỡ các em rất nhiều, nhưng việc được quan tâm chia sẻ như vậy với chị là điều quý giá nhất. Chị biết ơn và coi những người trong gia đình chồng như ruột thịt.
Chỉ mới đây, Oanh mới nhận ra suy nghĩ thực của họ, sau lần chị bị trúng gió, được một nam đồng nghiệp đưa về nhà. Dù mệt, Oanh vẫn nhận ra ánh mắt lạnh lùng, dò xét, có phần lo sợ của mẹ chồng, mà linh cảm cho chị thấy không phải là lo cho sức khỏe con dâu. Tuy nhiên sau đó, bà nhanh chóng thay đổi thái độ, sốt sắng hỏi han, chăm sóc con dâu, đưa Oanh vào phòng nghỉ.
Lát sau, Oanh vào phòng ăn lấy nước uống, đến cửa thì nghe tiếng bố chồng: “Lúc nãy tôi hỏi rồi, cái thằng đưa nó về bị vợ bỏ, không biết có dan díu gì với con Oanh không. Chết thôi, bà phải quan tâm, khuyên bảo nó, kẻo nó mà đi lấy chồng thì mình mất nhờ. Mấy đứa kia lương thì thấp, tự lo thân còn không nổi”.
Oanh không tin nổi vào tai mình. Quả thật, từ nhiều năm nay, chị là trụ cột về kinh tế, không chỉ lương cao mà còn có thu nhập khá từ việc kinh doanh riêng, trong khi cả chồng lẫn mấy người em của anh đều làm nhà nước, ăn lương ngạch bậc và hoàn toàn không có khả năng kinh doanh. Ngay cả công ăn việc làm của các em chồng cũng nhờ mối quan hệ của chị mà có. Lâu nay, Oanh giúp đỡ gia đình chồng rất tận tình, rộng rãi và nghĩ mình được yêu quý thật lòng chứ không phải bị coi là con bò sữa như điều chị vừa nhận ra.
Còn chị Hương, 33 tuổi, cũng được nhà chồng o bế, chăm sóc khi thành quả phụ nhưng điều đó chẳng kéo dài bao lâu. Sau cái giỗ thứ hai của chồng, chị bắt đầu hẹn hò với một người bạn cũ. Kể từ đó, nhà chồng trở mặt. Họ xua đuổi, cảnh cáo bạn trai chị mỗi lần anh đến. Họ xúi giục các con chị chống lại mẹ, tẩy chay mẹ, cấm mẹ có bạn trai. Rồi khi thấy mối quan hệ ấy thật sự nghiêm túc và khăng khít, bố chồng họp cả đại gia đình, mời cả mấy ông bác trong họ đến, ra tối hậu thư cho Hương: Nếu lấy chồng nữa thì phải ra đi tay trắng, không được mang bất cứ thứ gì ngoài quần áo, còn ngôi nhà đang ở thì phải sang tên cho ông bà nội hoặc các con, do ông bà quản lý.
Hương biết, gia đình chồng hiểu rõ rằng về mặt pháp lý, họ không có quyền yêu cầu như vậy, nên mới phải huy động hết họ hàng ra để uy hiếp chị. Ngôi nhà mang tên vợ chồng chị, tài sản trong đó cũng do họ tự ki cóp mà có. Nhưng bố mẹ chồng Hương cho rằng, con trai họ kiếm tiền nhiều hơn, vả lại tài sản người chết để lại phải thuộc về gia đình bên nội chứ không có lý nào con dâu được hưởng để rồi chồng sau của “nó” vớ bở.
Hương đáp, chị chưa định cưới, nhưng nếu có làm thế thì chị vẫn ở nhà mình, pháp luật cho chị cái quyền đó. Vậy là cả nhà xông vào chửi mắng, đay nghiến chị, mẹ chồng túm tóc chị tát vào mặt. Những ngày sau đó, thường xuyên có đám anh em chồng gọi điện, nhắn tin hoặc đến tận nhà đe dọa, khủng bố tinh thần. Họ nói, nếu không nghe lời thì chị đừng hòng sống yên.
Hương than thở: “Những người làm bố mẹ chồng chỉ nghĩ đến quyền lợi của gia đình họ. Liệu có bao giờ họ nghĩ đến tương lai, tình cảm của những người mẹ góa con côi như chúng tôi?”.