Dâu quê

Giữa lúc mẹ chồng bị sốc vì con dâu thẳng tính quá thì cha chồng cứ ngồi gật gù.

Gả chồng cho con em được ba năm, thúc hối miết, thằng anh mới chịu đưa về nhà giới thiệu cô bạn đồng nghiệp người gốc Quảng Nam. Thôi thì con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Dẫu gì con trai mình cũng đã ngoài ba mươi, cưới vợ cột chân nó cho rồi. Ông quyết luôn khi thấy bà nhà cứ trù trừ, với lu bù lý do như dáng thô quá, y như đàn ông; giọng nói khó nghe lại còn ồm ồm kiểu thổ pha kim, đã vậy còn lớn hơn chồng một tuổi, cầm chắc chuyện nắm quyền chồng.

Đúng như dự đoán của bà. Về nhà chồng được hai tuần, con dâu có ý kiến nên sửa lại nhà, đập tường trổ cửa sổ cho có nhiều ánh sáng, tháo bỏ mái che để làm giàn bầu bí, cải tạo lại cái sân thượng để trồng rau... Tất nhiên là thằng con ủng hộ vợ nó hai tay. Ông dè dặt dòm chừng vợ một cái rồi cũng đồng ý. Bà giận lẫy bảo muốn làm gì thì làm. Vậy là nó làm thiệt. Ít ngày sau, con dâu lại tiếp tục công cuộc cải cách nhà chồng. Nó nói ăn bên ngoài không vệ sinh, sẵn phải giở cơm trưa đem theo cho hai đứa, nấu luôn cho ba má ăn. Mẹ chồng nói không quen ăn cơm sáng. Nó phán một câu chắc nịch: "Chừ má không quen, nhưng rồi sẽ quen". Bà thở ra, cảm giác mất thằng con trai, mất luôn quyền điều hành căn nhà của mình khiến bà muốn lên tăng-xông. Vậy nhưng, sáng hôm sau xuống bếp, thấy ông chồng và con trai xúm xít quanh mâm cơm nóng sốt đầy đủ món canh, món mặn, món xào, bà cũng ngồi xuống cầm đũa. Con dâu đứng bên cứ hỏi dồn dập: "Ngon má hỉ? Rứa má ăn thêm chén nữa má hỉ?". Đâu được vài ngày, sau buổi cơm chiều, con dâu lại ý kiến:

- Chừ ba má ăn cơm con nấu quen rồi hỉ? Vậy con xin ba má đóng góp, vừa công, vừa tiền. Tiền thì ba má đưa con một phần ba lương hưu của mỗi người là được rồi, còn công thì con nhờ ba má giúp con tưới tắm chăm sóc rau ớt, bầu bí với sơ chế thực phẩm giúp để con làm bếp nhanh hơn. Ba má thấy răng?

Dâu quê - 1

Cái tính thẳng ruột ngựa của con dâu còn làm bà bị sốc nhiều lần (Ảnh minh họa)

Giữa lúc mẹ chồng bị sốc vì con dâu thẳng tính quá thì cha chồng cứ ngồi gật gù: “Con nói phải. Phải vậy chớ, để tụi con lo hết sao được”. Cái tính thẳng ruột ngựa của con dâu còn làm bà bị sốc nhiều lần sau đó như gửi nó mua gì là nó đòi tiền ngay, con em gái gọi điện thoại về bảo mai tụi em về chơi, chị Hai nấu mì Quảng nha. Nó hỏi liền: “Chừ cô hùn cái chi để chị tính?”. Con em ngớ người chẳng biết trả lời sao vì trước nay đã quen về nhà ăn chực bất cứ lúc nào. Có lần, cả nhà đang ăn, thằng cháu ngoại quậy tưng mà ai cũng cưng không dám la, không dám đánh, chỉ năn nỉ. Con dâu tức mình: “Chừ cô dượng để tui dạy thằng ni. Cô dượng dạy rứa con nít nào sợ”. Con em lúc đầu cũng giận, nhưng sau thì lại thích, mỗi lần về thăm nhà, nó cứ quấn quýt chị dâu, thầm thì to nhỏ đủ thứ chuyện, lại còn khuyên mẹ:

- Thời buổi bây giờ kiếm con dâu như vậy không có đâu má à. Con nghĩ má phải thương chị Hai nhiều hơn. Từ lúc có chị, con thấy nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Da dẻ ba má cũng hồng hào, tươi tắn, ít bệnh lặt vặt hơn.

Đó là con gái chưa biết, từ ngày có con dâu ba má tích lũy được tiền lương hưu kha khá, đủ để vài tháng đi du lịch một lần. Bạn bè, bà con đến thăm, sau khi đi tham quan một vòng, ai cũng tấm tắc khen ông bà có phước. Bà nhìn chồng cười bẽn lẽn:

- Thiệt ra lúc đầu cũng thấy khó. Mình quen nếp dân thành phố, ít lao động chân tay, nhà cửa không thích ai dòm ngó, có bao nhiêu xài hết bấy nhiêu. Đùng một cái con dâu về đảo lộn mọi thứ. Chừ thì quen rồi.

Bà nói mà không để ý là mình cũng đã quen đến nhập tâm luôn giọng nói của con dâu. Chỉ có ông là nhận ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Quý ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN