30 triệu/tháng vẫn không đủ cho 5 miệng ăn

Trong thời đại bão giá, cái gì cũng đắt đỏ thì việc chi tiêu trong gia đình càng trở nên eo hẹp hơn. Và điển hình là nhiều cặp vợ chồng dù khéo chắt góp vẫn “cháy túi” mỗi ngày cuối tháng.

Điển hình là trường hợp của chị Trần Ly Ly và anh Nguyễn Công Minh (Trần Quốc Hoàn - Cầu Giấy) dù tính tổng thu nhập cả tháng lên tới 30 triệu/tháng mà vẫn không đủ chi tiêu cho cả gia đình.

Nói về vấn đề chi tiêu anh Minh lắc đầu “Mới đầu tôi còn trách vợ mình hoang phí, vì nghe người ta nói rằng lương hai vợ chồng có hơn 10 triệu/tháng mà vẫn đủ rủng rỉnh, thậm chí còn đút sổ tiết kiệm, thế mà nhà tôi làm bao nhiêu cũng không đủ ăn cả. Thậm chí có tháng còn âm tiền nữa”.

Tuy nhiên sau khi vợ chồng anh ngồi bàn bạc lại, vạch ra các khoản chi anh mới “tá hỏa” hóa ra vợ anh không phải là không có lý. Cô ấy đã rất cố gắng rồi, nhưng vẫn không thể giải nổi bài toán chi tiêu trong gia đình. “Mình ngồi tính toán với vợ, đau đầu lắm nhưng rồi vẫn phải chấp nhận, thời buổi giá cả leo thang, chi tiêu bao nhiêu cũng không thể đủ được. Với lại phải tùy cơ ứng biến thôi".

Về phía chị Ly Ly chia sẻ: “Thực sự khi có chia sẻ, trao đổi với các chị em mình mới thấy, đúng là phụ nữ trăm cái khổ. Cả việc chi tiêu sao cho hợp lý cũng khó thật. Riêng mình 3 đứa con, đứa lớn có nhu cầu đứa lớn, đứa nhỏ có nhu cầu đứa nhỏ, lại thêm vợ chồng, bố mẹ gia đình hai bên… Nói chung tính sao cũng thấy thiếu. Mà mấy tháng rồi mình cũng chẳng mua sắm được gì thêm cho bản thân. Ngay cả ý định sửa sang lại phòng ngủ cho con cũng tạm gác lại."

30 triệu/tháng vẫn không đủ cho 5 miệng ăn - 1

Gia đình có 3 con nhỏ nên việc chi tiêu gia đình của chị Ly Ly khá khắt khe

Kế hoạch chi tiêu của gia đình chị Ly Ly

Tiền học phí, tiền ăn trên lớp cho con: 9 triệu/tháng (3 bé, mỗi bé 3 triệu).

Tiền sữa cho con: 2 triệu/tháng

Tiền ăn cho trẻ (Hoa quả, sữa chua, đồ ăn dặm): 3 triệu/tháng

Tiền trả người giúp việc: 4 triệu/tháng

Tiền ăn cả gia đình: 5 triệu/tháng

Tiền phát sinh (cưới hỏi, ma chay, sinh nhật): 3 triệu

Tiền biếu bố mẹ ở quê theo định kỳ: 2 triệu (ông bà nội: 1 triệu/tháng; ông bà ngoại: 1 triệu/tháng)

Tiền xăng xe, ăn sáng của hai vợ chồng: 2 triệu/tháng.

Tổng chi: 30 triệu/tháng

Cũng theo chị Ly Ly đây chỉ là mới tính sơ sơ các khoản cần chi, còn những khoản “giời ơi đất hỡi nữa” đôi khi chị vẫn phải bấm bụng đi vay, hoặc trích từ sổ tiết kiệm ra. Tuy nhiên chồng chị lại không hài lòng về điều đó. Từ hôm vạch ra các khoản chi tiêu mỗi tháng, hai vợ chồng chị đã cố đưa ra một số khoản chi khác, thậm chí là “cắt bỏ” khoản ăn sáng ở ngoài, nhưng vẫn chỉ tiết kiệm 1 triệu đồng.

Đau đầu với những khoản phát sinh

Không chỉ vậy, cuộc sống gia đình với 3 đứa con nhỏ nhiều khi cũng khiến anh chị vắt óc suy nghĩ. Chưa kể 3 đứa con anh chị thường xuyên ốm đau, phải nằm viện. Thậm chí đứa lớn đợt tết vừa rồi cũng phải nằm viện tận 1 tuần vì viêm phổi. Chị như cạn nước mắt vì thương con, vì nghĩ làm sao để giải quyết được bài toán kinh tế cho cả gia đình.

“Gia đình chồng ở quê, thi thoảng ngoài khoản biếu mỗi tháng, có việc đột xuất ông bà lại gọi điện lên xin tiền, nào là tiền sửa nhà, tiền mua máy tập thể dục, tủ lạnh hỏng, ti vi đời cũ… Mình từ chối cũng không được mà đồng ý cũng không xong. Vợ chồng mình lương thưởng như thế cũng gọi là tạm ổn so với bạn bè mà đôi khi vẫn thấy túng thiếu. Cũng may là đã có nhà ở, nếu không thuê nhà nữa chắc mình phải điên đầu lên mất thôi”, Chị Ly trăn trở.

“Thiếu mấy cũng không được rút sổ tiết kiệm chi tiêu”

Khi được hỏi đến những khoản tiết kiệm về tiền thưởng đột xuất, thưởng năng suất lao động cao, chị Ly có phấn khởi hơn một chút. “Những khoản đó thì mình có, thi thoảng vài tháng lại được thưởng một lần. Cũng may cả hai vợ chồng đều thuộc diện lao động năng suất nên cũng có tí "lộc lá". Còn thưởng tết tính cả hai mỗi năm cũng được khoảng 50 triệu. Vì thế cũng có tí chút đút sổ tiết kiệm. Nhưng nói thật số tiền đó đã được tính để lo cho tương lai các con sau này rồi”.

Còn anh Minh khi hỏi về việc anh có đồng ý nếu trích sổ tiết kiệm ra chi tiêu khi túng thiếu thì anh lắc đầu. Anh đưa ra quan điểm riêng “Việc thiếu mỗi tháng vợ chồng phải tính cách để bù vào, chứ mình không ủng hộ việc rút sổ tiết kiệm ra chi tiêu. Đã gọi là tiết kiệm thì phải có kế hoạch, mà kế hoạch thì không thể tự dưng phá vỡ như vậy được. Theo mình trong cuộc sống cũng phải có những nguyên tắc riêng và anh không đồng ý việc chị Ly tự rút sổ chi tiêu”.

Theo chị Ly và anh Minh việc chi tiêu “vượt ngưỡng” quy định cũng do bất đắc dĩ vì thế để có cuộc sống dư giả hơn, anh chị buộc phải làm việc nhiều hơn. Thậm chí là kinh doanh để có đảm bảo cho gia đình có một cuộc sống hạnh phúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Nguyên (Người đưa tin)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN