Vụ án oan đòi bồi thường hơn 64 tỷ: Tòa phải nghị án kéo dài

Tại phiên tòa, ông Lương Ngọc Phi (67 tuổi, ở TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã đề nghị Công an tỉnh Thái Bình và TAND tỉnh Thái Bình, mỗi cơ quan phải bồi thường thiệt hại cho ông hơn 32 tỷ đồng.

Tài sản định giá lớn hơn số tiền được tuyên đền bù cũ

Ngày 4.8, TAND thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình mở phiên tòa xét xử dân sự sơ thẩm vụ ông Lương Ngọc Phi đòi bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 64 tỷ đồng, vì số tài sản của ông bị kê biên, phát mại thời gian vướng vào lao lý. Bị đơn trong vụ án này là TAND tỉnh Thái Bình và Công an tỉnh Thái Bình.

Vụ án oan đòi bồi thường hơn 64 tỷ: Tòa phải nghị án kéo dài - 1

Ông Lương Ngọc Phi tại tòa

Ông Phi là người bị kết án oan phải đi tù gần 3 năm. Sau khi được minh oan, ông Phi đã kiện đòi bồi thường thiệt hại. Vụ kiện được cơ quan chức năng tách thành hai vụ việc, trong đó, vụ án bồi thường về tổn thất tinh thần và giảm sút về sức khỏe được TAND thành phố Thái Bình tuyên TAND tỉnh Thái Bình buộc phải bồi thường 666 triệu đồng. Ông Phi đã nhận số tiền này. Tháng 8.2013, ông Phi kiện tiếp về phần bồi thường thiệt hại do tài sản bị kê biên, phát mại. TAND thành phố Thái Bình đã tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình (cơ quan ra bản án tuyên phạt tù ông Phi) phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền hơn 21,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bản án này bị TAND Tối cao kháng nghị. Đầu năm 2015, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Thái Bình đã quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án dân sự của TAND thành phố Thái Bình về việc bồi thường thiệt hại hơn 21,4 tỷ đồng cho ông Lương Ngọc Phi. Quyết định giám đốc thẩm cho rằng quá trình giải quyết vụ án, TAND thành phố Thái Bình đã vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án nên cần hủy án để xét xử lại.

Khi khi phiên tòa diễn ra, ngày 16.5.2015, TAND thành phố Thái Bình đã ban hành Biên bản định giá đối toàn bộ khối tài sản bị phát mại trong vụ án mà ông Phi bị khởi tố, truy tố và tuyên án sai. Biên bản định giá số 04/2015 định giá đối với các loại tài sản: hạt ý dĩ (bobo), hạt kê giống Nhật Bản, hạt vừng giống Nhật Bản, 1 chiếc xe ô tô du lịch bốn chỗ nhãn hiệu Daewoo nhập khẩu Hàn Quốc. Tổng số tiền định giá đối với bốn khối tài sản này là gần 28 tỷ đồng. Số tiền này lớn hơn số 21,4 tỷ đồng mà TAND thành phố Thái Bình đã tuyên bồi thường cho ông Phi trước đó.

Nghị án kéo dài

Trước đó, ông Phi yêu cầu bị đơn ngoài việc bồi thường số tài sản đã tịch thu, phát mại còn phải bồi thường cả thiệt hại do không được sử dụng khai thác từ tài sản, như thiệt hại do không xuất khẩu hạt kê cho khách hàng nước ngoài là 12 tỷ đồng, tiền lãi suất, lương công nhân...Tổng cộng toàn bộ số tiền ông Phi yêu cầu bồi thường là hơn 66,4 tỷ đồng. Tuy nhiên tại phiên tòa ông Phi đã rút yêu cầu bồi thường thiệt hại về phần tiền lương của công nhân do Công ty do ông làm giám đốc không hoạt động được, 90 tấm cao bản bằng gỗ và 1.200m2 bạt che đã bị thu hồi, toàn bộ số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Như vậy số tiền yêu cầu bồi thường còn hơn 64 tỷ đồng.

Phiên tòa không có tranh luận nhiều bởi bên nguyên đơn đã dẫn chứng, đưa ra các tài liệu khá đầy đủ để chứng minh con số thiệt hại vì tài sản bị kê biên, phát mại. Sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định kéo dài thời gian nghị án, đến chiều ngày 10.8, HĐXX sẽ tuyên án.

Ông Lương Ngọc Phi nguyên là giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (tỉnh Thái Bình). Tháng 5.1998, ông Phi bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về hai tội "Trốn thuế" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Toàn bộ tài sản của ông gồm nhà xưởng, ôtô, và nhiều hàng hóa nông sản... đều bị phát mại.

Tháng 9.1999, TAND tỉnh Thái Bình đã xét xử tuyên phạt ông Phi 17 năm tù về cả hai tội trên. Ông Phi đã kháng cáo. Tháng 4.2000, Tòa phúc thẩm TAND Tối tại Hà Nội đã xét xử và nhận định, hành vi của ông Phi không cấu thành tội phạm. Tòa cấp sơ thẩm kết án ông Phi là có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự. Chính vì thế Tòa phúc thẩm đã tuyên ông Phi không phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" và hủy phần tội "Trốn thuế" để điều tra lại.

Tháng 3. 2001 ông Phi được ra tù sau 3 năm thụ án. Tháng 12.2003, Viện KSND Thái Bình mới ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Lương Ngọc Phi vì hành vi trốn thuế không cấu thành tội phạm. Năm 2006, TAND tỉnh Thái Bình đã tổ chức xin lỗi công khai xin lỗi với ông Phi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN