Black Friday bị hoen ố vì bạo lực

Sự kiện mua sắm Black Friday diễn ra ngày hôm qua đã chứng kiến nhiều trường hợp bị chấn thương vì chen lấn, giẫm đạp lên nhau.

Đã trở thành thông lệ hàng năm, sau lễ Tạ ơn, người dân Mỹ sẽ đến với sự kiện mua hàng giảm giá vào ngày thứ 6 tiếp theo được gọi là Black Friday. Đây là cơ hội tuyệt vời giúp mọi người có thể sắm sửa cho Giáng Sinh, năm mới mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền, nhưng vẫn được sở hữu vật dụng cần thiết.

Song bên cạnh những ích lợi mang lại, người tham gia Black Friday cũng tạo ra nhiều hình ảnh không đẹp vì cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí cả giành giật, giẫm đạp lên nhau để đạt mục đích.

Black Friday bị hoen ố vì bạo lực - 1

Hình ảnh không mấy xa lạ trong ngày Black Friday

Ngày hôm qua, một Black Friday nữa đã đến và cũng nhận về không ít trường hợp chấn thương không đáng có. Đáng chú ý, năm nay là năm đầu tiên, Black Firday được thực hiện trên một số cửa hàng ở nước Anh. Tuy nhiên, nó cũng không tránh được tình trạng hỗn độn. 

Tại cửa hàng Asda, Anh đã có một phụ nữ được đưa đi bệnh viện cấp cứu vì bị giẫm đạp trong cuộc chiến mua hàng điện tử giám giá.

Clip người Mỹ được ví như những thây ma trong ngày Black Friday:

Để tránh thương vong không đáng có, nhân viên bảo vệ ở đây buộc phải hạn chế số lượng người vào mua sắm đặc biệt với phụ nữ mang thai hoặc người già. Nhân viên an ninh cho hay, một người đàn ông đã bị nhân viên khống chế khi cố gắng chen lấn để mua bằng được 2 chiếc ti vi 60 inch giảm từ 179 bảng Anh xuống 99 bảng Anh.

Black Friday bị hoen ố vì bạo lực - 2

Một người đàn ông bị nhân viên an ninh khống chế

Đại diện của chuỗi cửa hàng này cho biết, sự an toàn của khách hàng đối với họ là yếu tố quan trọng sống còn. "Đây là lần đầu tiên Black Friday được thực hiện trên các cửa hàng nước Anh và khách hàng của chúng tôi cũng muốn tận dụng được dịp mua sắm hiếm có này. Hàng hóa được tiêu thụ rất nhanh kể từ 8 giờ sáng", đại diện của cửa hàng Asda phát biểu trên iTV.

"Trong suốt sự kiện này, sự an toàn của khách hàng được đặt lên hàng đầu. Vì thế chúng tôi buộc phải hạn chế một số trường hợp, đồng thời tăng cường đội ngũ an ninh trong từng cửa hàng".

Ở Mỹ, ngày mua sắm trong mơ này được nhiều người gọi là "ngày lễ đáng lo ngại nhất". Chính vì những người mua sắm cuồng loạn nên Black Friday đã bị hoen ố vì bạo lực và chấn thương. 

Clip dân tình chen chúc nhau để mua được hàng giảm giá:

Cảnh sát Mỹ đã ghi nhận nhiều trường hợp tội phạm trong Black Friday ngày hôm qua. Hiện tượng ăn cắp tranh thủ giở trò "hai ngón" trong tình cảnh hỗn loạn xảy ra rất nhiều cùng những màn xô xát có vũ khí. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất phải kể đến trường hợp của một người đàn ông bị đe dọa bằng súng và buộc phải giao cho kẻ uy hiếp chiếc ti vi vừa mua giảm giá.

Bên cạnh những hình ảnh xấu xí này, một chuyên gia phân tích kinh tế đã chỉ ra nhiều hệ lụy liên quan đến "cơn bão" mua sắm kinh hoàng này. 

Black Friday bị hoen ố vì bạo lực - 3

Tranh nhau, giành giật để mua sắm

"Chính ngày giảm giá điên cuồng này đã khiến nhiều người mù quáng và cuồng loạn Nó thực sự là một hình ảnh đáng xấu hổ cho đất nước Mỹ. Ước chừng có khoảng 140 triệu người tham gia vào cái ngày lễ này. Đáng buồn thay, hầu hết trong số họ hoàn toàn không ý thức được rằng, chính họ đang tham gia tích cực vào việc phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế của Hoa kỳ", chuyên gia phát biểu trên tờ Rin.

Vì sao lại gọi là phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế? Chuyên gia này phân tích, việc mua sắm điên cuồng tại Black Friday không đơn giản chỉ đang giúp nền kinh tế Mỹ tiêu thụ sản phẩm. Trên thực tế, những sản phẩm tham gia đợt sale mạnh này đa phần đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Việc làm này chính là tiếp tay cho lao động và doanh nghiệp ở đất nước này và gây tổn hại cho đất nước.

Clip người dân tranh nhau mua sắm tại cửa hàng Wal-Mart ở Texas được ghi nhận ngày hôm qua:

Số lượng hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài đã khiến nhiều người Mỹ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Theo thống kế, có hơn 102 triệu người Mỹ ở độ tuổi lao động không có việc làm. Từ năm 2001, hơn 56.000 cơ sở sản xuất ở Mỹ đã phải đóng cửa. Theo Viện chính sách kinh tế, Mỹ đang mất nửa triệu lao động sang Trung Quốc mỗi năm.

Trong khi đó, số lượng hàng hóa tiêu thụ trong ngày Black Friday hoàn toàn gây sửng sốt. Báo cáo ở một cửa hàng Wal-Mart nổi tiếng tại Mỹ đã tổng kết: "Cửa hàng đã bán được 2,8 triệu khăn tắm; 2 triệu ti vi; 1,4 triệu máy tính bảng; 300.000 xe đạp và 1,9 triệu con búp bê". Nên nhớ đây chỉ là số liệu của một cửa hàng Wal-Mart trong chuỗi hệ thống lớn.

"Thật đáng buồn là hầu hết người Mỹ không bao giờ chịu dẹp bỏ lòng tham để suy nghĩ thấu đáo về những hậu quả khi chúng ta tiêu thụ hàng của Trung Quốc", chuyên gia này cho hay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trang Anh ([Tên nguồn])
NÓNG cùng thời trang mỗi ngày! Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN