Nhận xét học sinh tiểu học: Cô, trò lúng túng

Bỏ chấm điểm tiểu học, thay bằng nhân xét, với giáo viên bên cạnh niềm vui, sự hào hứng từ cách làm mang nhiều tính giáo dục này, lại là nỗi lo về việc phải đánh giá chính xác, không nhàm chán, nhưng lại bảo đảm khuyến khích được học sinh chịu khó học đang là vấn đề khó khăn với giáo viên.

Cô mất nhiều thời gian, trò không hứng thú

Một hiệu trưởng Trường tiểu học thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, đổi mới đánh giá học sinh bằng nhận xét bước đầu cũng có khó khăn với giáo viên. Nếu theo hình thức chấm điểm thì giáo viên chỉ việc ghi “Đúng”, “Sai” với những phép toán và cho điểm.

Với đổi mới này giáo viên phải nhận xét từng bài, chỉ ra cái sai, chỗ nào làm chưa tốt và ghi. Giáo viên phải nhận xét từng bài, với từng học sinh  phải có những câu nhận xét cho phù hợp với học sinh, như vậy thời gian để nhận xét học sinh mất nhiều hơn so với chấm điểm.

Nhận xét học sinh tiểu học: Cô, trò lúng túng - 1

Thay chấm điểm giáo viên chỉ nhận xét bằng lời cho học sinh tiểu học

Cô Nguyễn Phương Dung, giáo viên Trường tiểu học thuộc quận Long Biên, Hà Nội ngay khi bỏ chấm điểm, thay bằng nhận xét cô Dung thấy công việc của mình nhiều lên.

“Sự đổi mới này giảm áp lực điểm số cho học sinh. Nhưng với giáo viên phải làm thêm nhiều việc, áp lực hơn vì phải nghĩ ra rất nhiều từ ngữ để nhận xét cho từng học sinh. Không thể mãi một câu nhận xét “cô khen” hay “con chưa tốt” với một học sinh và lặp đi lặp lại như vậy vì thế giáo viên phải mất thời gian suy nghĩ hơn”, cô Dung nói.

Cô Dung nói thêm: Điểm số cũng có mặt tích cực, động viên, khích lệ học sinh. Nhưng khi thay bằng những lời cô khen thì nhiều khi ở trên lớp cũng đc cô khen bằng miệng rồi, xong rồi cô khen trong vở nữa nên các con cũng thấy lời khen bình thường.

Cùng tâm trạng của nhiều giáo viên trước việc đổi mới cách đánh giá học sinh, giáo viên  D.T.T, Trường Tiểu học Quốc Oai – Hà Nội chia sẻ:  Một lớp giáo viên phải phụ trách 40 - 50 học sinh, mỗi lời nhận xét 2 – 3 dòng thì dễ dẫn đến sự nhận xét trùng lặp, mang tính chung chung. Mỗi học sinh là những đối tượng, có kĩ năng, năng lực học tập khác nhau. Nếu nhận xét chung chung không đánh giá hết năng lực của học sinh.

Cô D.T.T cho biết thêm: Cách nhận xét này bước đầu chưa gây hứng thú cho học sinh, đa phần học sinh nếu được điểm 9, 10 các em rất phấn khởi, thích điểm số để phấn đấu hơn so với những lời cô khen.

Một học sinh Trường Tiểu học Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội chia sẻ: “Em thích chấm điểm hơn, vì mỗi bài tập toán, hay bài văn khi cô chấm điểm em và các bạn trong lớp thấy rất hồi hộp, chờ mong kết quả của mình cao hay thấp hơn bạn. Bây giờ cô chỉ nhận xét bằng lời nên em không thấy hồi hộp. Hơn nữa nếu được nhiều điểm 10 em khoe với bố là được thưởng”.

Phụ huynh khó hình dung năng lực học tập qua nhận xét

 Phụ huynh cho rằng những lời nhận xét của các cô phê trong vở còn mang tính chung chung. Nếu chỉ thông qua những lời nhận xét, “Con chưa tốt, con đã hoàn thành”, “Con chưa đạt”. Ngoài cách nhận xét như trên, hiện nhiều trường tiểu học sử dụng con dấu với lời nhận xét ngắn gọn như: “Cô khen”, “Con hiểu bài”, “Con cần ”, . . . thay lời nhận xét để giảm bớt áp lực công việc sổ sách. Tuy nhiên với hình thức sử dụng con dấu, phụ huynh cho rằng cứng nhắc và không thiết thực.

Nhận xét học sinh tiểu học: Cô, trò lúng túng - 2

Hiện nhiều giáo viên sử dụng con dấu nhận xét học sinh để tiết kiệm thời gian

Chị Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Liên – Hà Nội kể: "Thay vì chấm điểm, giờ các cô “côp” ngay dấu đỏ vào dưới bài tập như “Cô khen”, “Con cần cố gắng”. Tôi thấy hình thức này rất khuôn mẫu, không có đánh giá xác thực theo năng lực của các con. Chỉ dập khuôn với những lời nhận xét như vậy, cảm thấy mức độ khen, chê bình thường, thậm chí lặp lại nhiều như vậy rất nhàm chán".

Chị Nguyễn Thị Lý, phụ huynh học sinh tiểu học quận Cầu Giấy – Hà Nội cho biết, trước kia nếu cô chấm 9,10 thì tôi còn biết mức điểm như vậy là con học tốt, điểm 4, 5 là học kém cần phải động viên con học hơn. Giờ chỉ thấy con khoe hôm nay con được cô phê  “hoàn thành”, có hôm thì  “con cần cố gắng” như thế rất chung chung. Phụ huynh khó hình dung là con mình yếu ở đâu để khắc phục.

Chị Thúy phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hạ Đình – Thanh Xuân  - Hà Nội cho biết: Trước kia được điểm mấy về các con kheo với bố mẹ thấy các con vui lắm. Bây giờ thay cách chấm điểm bằng nhận xét, đánh giá bằng lời. Con về chỉ kể hôm nay được cô khen, hay chê. Nên cũng khó để kiểm soát kỹ quá trình học tập của con.

 Ngày 15/10 Thông tư 30 của Bộ GD và ĐT với Quy định đánh giá học sinh tiểu học chính thức ban hành. Theo đó sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ học sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN