Xót xa vợ chồng già nuôi 3 con bị chất độc màu da cam

Bất hạnh đổ ập lên ông Phạm Phú Ba (SN 1965, trú thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) khi ba trong 6 đứa con bị chất độc màu da cam.

Vào tháng cuối cùng năm 2015, trên đường đi tác nghiệp, chúng tôi có mặt tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những địa phương từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Chanchu vào năm 2006.

Gần 10 năm đi qua, xã Bình Minh vượt qua cú sốc, khi nhiều người anh, người chú, người em trụ cột trong gia đình lần lượt ra đi sau cơn bão từng cướp đi 21 mạng ngư dân, 200 người mất tích trên biển.

Gần 10 năm trôi qua, làng biển nghèo xứ Quảng vượt qua di chứng để lại không chỉ về mặt vật chất mà còn cả tinh thần để vươn lên. Chúng tôi có mặt tại nhà ông Phạm Phú Ba ở tổ 4, thôn Bình Tân - người bị hàng xóm gọi bị "trời hành" khi 3 trong 6 đứa con đều bị chất độc da cam từ khi mới ra đời.

Xót xa vợ chồng già nuôi 3 con bị chất độc màu da cam - 1

Ông Ba (áo đen) ngồi cạnh ba đứa con đều bị chất độc da cam.

Dẫn chúng tôi vào nhà, người hàng xóm Hoàng Tám chia sẻ: "Chẳng hiểu lý do vì sao, 3 trong 6 người con của anh Ba đều bị dị tật bẩm sinh từ lúc mới chào đời. Nhiều người có kinh nghiệm nói tôi biết con anh ấy bị nhiễm chất độc dioxin. Mà tôi nhớ là anh ta có đi đâu khỏi xã đâu, thì làm sao bị nhiễm được".

"Kỳ lạ là 6 đứa con thì đứa bị nhiễm chất độc dioxin xen kẽ chứ không phải bị tất cả. Nó khiến chúng tôi không thể lý giải, còn vợ chồng anh Ba đi khám mọi nơi từ Đà Nẵng - Quảng Nam, họ chỉ giải thích con anh chị ấy bị dị tật bẩm sinh mà thôi", anh Tám nói tiếp.

Quá nhiều câu hỏi bí ẩn đặt ra khiến tôi tò mò và nhờ anh Tám đưa tới tận nơi gia đình anh Ba đang ở. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người đàn ông gần ngũ tuần tay cầm bát cháo bước ra.

Khuôn mặt lộ vẻ khắc khổ, mệt mỏi bên cạnh ba đứa con to lớn, khuôn mặt ngơ ngác, ngờ nghệch đang ngồi trên chiếu xem tivi. Ngồi cạnh ba đứa con, ông Ba cho biết mình cũng không hiểu lý do vì sao lại gặp phải nghịch cảnh như thế.

Trong gia đình nội ngoại bao đời qua của ông Ba và bà xã Lê Thị Cúc (SN 1966) đều không có người bị trường hợp nào tương tự. Nếu đứa con đầu lòng không bị di chứng, lần lượt Phạm Văn Tứ (SN 1988, đứa thứ 2), Phạm Văn Thương (SN 1990, đứa thứ thứ 3) và Phạm Văn Triều (SN 1998, đứa thứ 5) đều bị dị tật bẩm sinh sau khi ra đời đúng 1 tháng.

Kể từ đó, không ít lời đồn thổi ác ý cho rằng gia đình ông Ba bị "lời nguyền" theo đuổi. Nếu không do "trời hành" thì căn nhà của gia đình nằm trên "đất xấu". Có người lại cho rằng do ba đứa con của ông Ba, bà Cúc bị "gen lặn" nên mới ba đứa bị dị tật, ba đứa còn lại không.

Có người biết chuyện một gia đình trên huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cũng bị dioxin dù không đi đâu xa, họ cho rằng nguồn nước uống của nhà ông Ba cũng bị như vậy.

"Lời bàn ra tán vào cũng đeo bám gia đình tôi gần 30 năm rồi. Họ cũng chẳng đồn thổi ác ý gì đâu, bởi cả mấy làng trong khu vực Bình Minh, chẳng ai bị giống gia đình tôi cả. Tôi đầu tiên cũng mặc cảm lắm song rồi cũng quen dần. Chỉ cố gắng kiếm tiền để nuôi con bằng cách đi làm thuê, đi biển để nuôi con.

Đến lúc chúng nó trở thành thanh niên, mỗi khi bị lên cơn hay ốm đau, vợ tôi không đủ sức chăm nom, nên tôi ở nhà còn vợ tôi đi làm thuê. Hành trình lặp đi lặp lại suốt 30 năm qua mà có ốm đau, hai vợ chồng tôi đều phải gắng gượng vượt qua", ông Ba chia sẻ.

Xót xa vợ chồng già nuôi 3 con bị chất độc màu da cam - 2

Ở tuổi 17, Phạm Văn Triều (trái) vẫn như đứa trẻ ngờ nghệch, vô tâm.

Ông Ba chỉ về người phụ nữ đi phía ngoài hiên rồi nói: "Bà xã tôi đi làm rồi. Mỗi tháng cố gắng cũng được tầm 1 triệu để trang trải chi tiêu. Người phụ nữ kia là chị vợ tôi Lê Thị Tới. Chị ấy bị câm từ bé, giờ bên ngoại chẳng còn ai.

Gia đình tôi cực rồi, có thêm 1 người cũng có khó thêm đâu. Mỗi tháng tiền trợ cấp nhà nước cho ba đứa con tôi cộng chị vợ cũng có thêm vai trăm ngàn. Chúng tôi cộng lại cũng có khoảng 2 triệu để lo gạo, mắm, muối... và đồ lặt vặt trong nhà".

Nhìn sang ba đứa trẻ ngô nghê, mà thực ra cũng chẳng còn trẻ gì, khi Phạm Văn Tứ đã 27 tuổi, còn hai đứa em Phạm Văn Thương và Phạm Văn Triều lần lượt 25 và 17 tuổi. Nếu bình thường, ba đứa con của ông Ba đã có thể đi ra biển làm ngư dân hay ra phố làm một công việc phổ thông nào đó.

Số phận nghiệt ngã, cả ba vẫn như đứa trẻ vài ba tháng, không thể có một phản xạ có điều kiện với môi trường xung quang. Tội nhất là Tứ chỉ nằm một chỗ và mọi việc tắm rửa, vệ sinh đều phải nhờ mọi người xung quanh.

Ông Ba chia sẻ rằng, chúng chẳng phải là người bình thường, nhưng lại có sợi dây kết nối tâm linh kỳ lạ khó lý giải. Bất kể một trong ba đứa bị ốm đau, bệnh tật hay rối loạn tiêu hóa thì hai đứa còn lại cũng bị theo. Chỉ cần 1 đứa sớm hồi phục thì hai đứa còn lại cũng tự nhiên trở lại bình thường.

Khổ nhất là vào mùa lạnh, mùa mưa, ông Ba hay bà Cúc phải nhờ thêm hàng xóm qua cậy nhờ, bởi ba cậu con trai... quá mạnh. Nhiều người tặc lưỡi thương cảm ông Ba, bà Cúc đến tuổi phải được nghỉ ngơi, con cái chăm sóc, vẫn phải lo lắng cho ba đứa con chẳng bao giờ lớn nhất của mình.

"Đời tôi và vợ chỉ cố gắng chăm ba đứa nó đến lúc nào có thể. Còn nếu có lỡ nhắm mắt xuôi tay đành nhờ nhà nước và xã hội chăm sóc chúng nó. Nói thật tôi không biết bệnh tình hay lý do gì khiến con cái bị bệnh tật như thế. Tôi từng vào TP Tam Kỳ rồi ra Đà Nẵng để khám chữa bệnh khi thằng cu Tứ bị bệnh.

Xót xa vợ chồng già nuôi 3 con bị chất độc màu da cam - 3

  Sổ trợ cấp của ba con ông Ba và người chị câm điếc trong nhà.

Bác sĩ lúc ấy chỉ nói con tôi bị dị tật bẩm sinh. Tôi chẳng nghĩ gì đến khi thằng Thương và Triều cũng bắt đầu bị như thằng Tứ thì tôi bị sốc. Lúc sinh ra cháu hết sức bình thường, chỉ qua 1 tháng thì bò lết, bất thường tâm lý. Tôi cũng nhờ Trung tâm phục hồi chức năng của Mỹ giai đoạn 1991-1993 nhưng vẫn không thể phát hiện", ông Ba than thở.

Khi nhớ lại quá khứ, ông Ba chợt nhớ ra rằng sau ngày cưới vợ 1 năm, ông lên đường nhập ngũ vào năm 1982. Ông được điều động ra sân bay Đà Nẵng để tập huấn trong vòng 3 tháng. Ông Ba đâu ngờ rằng khu vực hồ nước trong sân bay đã nhiễm dioxin của Mỹ để lại.

Trong lúc đơn vị của ông lấy cá dưới hồ để tẩm bổ cho anh em chiến sĩ trong đại đội mà không biết nguy hiểm cận kề. Cũng sau "bữa ăn tử thần", ông Ba bỗng cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe sa sút. Nguyên Đại đội trưởng của ông cũng bị tình trạng tương tự và bị xuất ngũ vì sức khỏe không đạt yêu cầu sau đó.

"Trở về nhà, tôi đâu nghĩ rằng mình bị nhiễm chất độc màu da cam đâu", ông Ba buồn bã. "Cứ nghĩ sức khỏe mình sa sút vì lý do nào đó nên tôi trở về quê làm ăn thôi. Nếu biết mình bị bệnh, tôi và vợ sẽ không đẻ thêm con sau trường hợp thằng Tứ. Bây giờ mới biết sự tình, tôi thấy thương cho mấy đứa con của mình hơn. Bây giờ mình già rồi không biết còn đủ sức bao lâu chăm chúng nó nữa".

Quý độc giả có tấm lòng hảo tâm muốn chia sẻ phần nào cho gia đình chú Ba có thể liên lạc: Ông Phạm Phú Ba/ ĐC: Tổ 4, thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. ĐT chú Ba: 0165.762.45.38.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Tuấn ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN