Điều cấm kỵ

Chị giật chiếc điện thoại trên tay chồng, ném xuống đất vỡ toang. Anh chết lặng.

Chị khóc, gằn từng tiếng: "Anh biến đi!". Dập điếu thuốc đang hút dở, anh bước ra khỏi cửa. Những bước chân vội vàng như trốn chạy. Chị lao theo, ấn lá đơn ly hôn viết sẵn tự lúc nào. Sáng nay, chị hẹn anh sau giờ làm về đưa hai mẹ con đi ăn. Anh hứa chắc: "Chồng sẽ về đúng giờ". Sợ chồng quên, thỉnh thoảng chị còn nhắn tin nhắc. Vậy mà, chiều tan sở, lật đật đón con về, hai mẹ con áo quần xúng xính đâu vào đấy, chị gọi cho anh thì "thuê bao không liên lạc được". Cơn sốt ruột, bực tức tăng theo cấp số nhân sau ba mươi phút, rồi một tiếng đồng hồ chậm chạp trôi qua. Con gái than đói. Chị đi làm bữa tối cho con mà nước mắt lăn dài. Anh về khi ngày sắp sáng, loay hoay cắm chiếc điện thoại sạc pin thì chị lao đến…

Ôm con, ôm hành lý về nhà má, chị nói: "Con sẽ bỏ chồng" sau khi tuôn một tràng: ảnh là người vô trách nhiệm, giả dối, lừa gạt con trẻ… Má nghe rồi hỏi con gái có biết vì sao chồng lại thất hứa không? Chị đanh giọng: "Mọi lý do đều không thuyết phục, má à!". Như chưa đã nư, chị tiếp tục tuyên bố sẽ ly hôn, sau khi "gộp" chung tội lỗi anh mắc phải từ trước đến nay thành một bản "cáo trạng" dài dằng dặc. Chị còn "khoe" với má là lá đơn ly hôn chị viết sẵn trong lần gây nhau trước, vẫn chưa xé bỏ, đã được đưa cho anh.
 
Má thở dài, nghĩ, lớp trẻ bây giờ, chưa biết đúng sai, phải quấy thế nào, chuyện bé như hột é không giải quyết được là đòi bỏ nhau. Hai tiếng "ly hôn" chẳng biết gắn đâu sẵn trên môi, chờ dịp là nhảy xổ. Má nói vợ chồng mà còn yêu thương nhau, đừng bao giờ nghĩ đến hai chữ ấy. Bởi đó là phép giải cuối cùng, chẳng đặng đừng mới xảy ra. Còn với má thì hai chữ ấy là điều cấm kỵ, không có trong đầu mình.

Ngày ba má chính thức nên duyên chồng vợ, là cuộc đời má như sang trang mới, u ám, tối sầm. Ba má yêu nhau lắm. Nhưng, dường như cái sự… yêu kia với đam mê của ba chẳng có can hệ gì. Yêu không giúp thay đổi đam mê. Đó là hôm đám hỏi, có hai họ chứng giám, ba tặng má nửa chỉ vàng. Qua hôm sau đưa má đi chơi, ba bất ngờ hỏi mượn lại, nói để làm ăn nhưng thực ra là ba đốt nó theo đam mê đỏ đen, cờ bạc. Má khổ từ bữa đó. Rồi cái tối đầu tiên sau đám cưới, đang hì hục chiến đấu với đống chén bát, ba kêu má vào bảo đưa hết tiền mừng cưới. Má đưa mà tay run run, lén khóc vì linh tính một cuộc hôn nhân khó bề hạnh phúc. Tiền bạc dành dụm đội nón theo thú vui của ba.

Điều cấm kỵ - 1

Hai tiếng "ly hôn" chẳng biết gắn đâu sẵn trên môi, chờ dịp là nhảy xổ (Ảnh minh họa)

Ngày má sinh chị, ba bỏ mặc vì còn bận ngồi sòng. Không có hai chữ kia trong quan niệm hôn nhân, nên dù có người báo tin, ba đánh bài mà có người đàn bà nào ngồi bên… chi tiền, má cũng kệ. Bởi má có nỗi lo toan lớn hơn sự ghen tuông bấy giờ, là chị. Rồi điều gì đến cũng chẳng biến đi đâu được, người đàn bà kia đến gặp má, kêu "nhường" chồng. Má khổ đau cùng cực, ra nhà sau đứng khóc một trận xong rửa mặt, ra chợ bán cho hết gánh rau. Mẹ chồng thương con dâu, thấy vậy vội lao thẳng ra chợ, nắm tay má về.
 
Trút hết ống tre được mấy phân vàng cùng mớ hành lý gói sẵn, nội đưa hết cho má, dặn: "Con ôm con bé đi đi, thằng con má vô tình quá, bạc nghĩa quá, không xứng đáng thì bỏ nó đi con. Tìm ai đó gắn bó mà mình sướng cái thân". Má quỳ thụp dưới chân nội chị: "Con thương ảnh, thương con con, thương má nữa. Khổ sở nào con cũng ráng qua. Miễn má còn con dâu, con còn chồng, con còn một gia đình". Năm ấy chị 10 tuổi.
 
Má lặng lẽ như chiếc bóng bên ba, với cuộc hôn nhân nhiều nước mắt của mình để nuôi chị ăn học thành tài. Người đàn bà kia qua thời mê đắm, bỏ ba đi. Má rộng tay đón ba trở về. Qua cơn mưa, trời lại sáng. Ba má lại hạnh phúc, quên chuyện cũ mà sống. Ba chuộc lỗi bằng cách chú tâm làm ăn, tặng má nhiều kỷ vật như một sự đền bù.
 
Ngày ba buông xuôi vì chứng bệnh lao quái ác hoành hành, đến nay đã 15 năm, má vẫn còn giữ những kỷ vật ấy. Này cái xoong khắc tên ba má lồng vào nhau, này chục đũa ba bỏ công gọt tỉa, cả chiếc xe đòn giông ba mua phế liệu về ráp cho má. Nhưng, điều má tự hào nhất là giữ được cho chị một mái gia đình, nên khổ nào khổ, má không bao giờ nghĩ đến hai chữ ly hôn hay bỏ đi. Với má, đó là từ cấm kỵ…
 
Chị rấm rứt khóc khi nghe chuyện của má, rồi nũng nịu: "Thì con không ly hôn nữa, nhưng con phải làm mặt giận vài ngày cho hả dạ mới thôi!". Nói vậy nhưng sau đó, chị lén gọi cho anh, xin lỗi chuyện hành xử tối qua, xin lại lá đơn ly hôn "lỡ" ấn vào tay rồi nhờ anh đến đón mẹ con về.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PNO
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN