30 tuổi, mệt mỏi vì ba lần kết hôn

Người ta hạnh phúc đến đầu bạc răng long còn tôi chưa 30 tuổi đã quá mệt mỏi với những cuộc hôn nhân tan vỡ.

Tôi lấy vợ khá sớm, năm 22 tuổi, hai vợ chồng làm cùng công ty với nhau. Tự nghĩ tuổi còn trẻ nên chúng tôi cũng không vội chuyện sinh con, cố gắng xây dựng kinh tế trước để chăm lo cho con cái sau này. Tuy nhiên, lương tháng của hai vợ chồng ngoài chi tiêu  cũng chẳng để tích cóp được là bao. Cô ấy hay so bì tôi với người nọ người kia, than trách tôi chẳng cho cô ấy được một cuộc sống giàu sang.

Từ ngày lấy vợ, tôi không còn dựa dẫm vào gia đình, đồng tiền kiếm được vất vả, khó khăn như thế nào cô ấy thừa hiểu. Đến với nhau vì tình yêu, tôi lúc nào cũng muốn người bạn đời của mình được hạnh phúc đủ đầy. Mặc dù chưa thể cho cô ấy cảnh sống sung sướng, xa hoa nhưng có bao giờ tôi để vợ thiếu ăn thiếu mặc. Vậy mà chẳng biết từ bao giờ, cô ấy không còn hài lòng với cuộc sống hiện tại, đòi hỏi nhiều hơn khả năng của chúng tôi.

30 tuổi, mệt mỏi vì ba lần kết hôn - 1

Tôi ngâm ngùi trải qua 3 lần kết hôn (ảnh minh họa)

Có lẽ chính vì vậy nên vợ tôi bắt đầu qua lại với người đàn ông khác mà cô ấy nghĩ có thể giúp cô ấy “đổi đời”. Cô ấy đề nghị ly hôn vì người đàn ông kia đã hứa sẽ lấy cô ấy. Mọi người vẫn thường chê trách đàn ông bạc tình nhưng “tham vàng bỏ ngãi” cũng đâu riêng cánh mày râu. Tôi cay đắng nhận ra người phụ nữ của đời mình lại là một trong số ấy.

Dù yêu vợ nhưng tôi cũng không muốn níu giữ một trái tim đã thay lòng đổi dạ. Không có tình thì còn nghĩa, tôi cũng chẳng làm khó cô ấy mà chấp nhận chia tay trong im lặng. Chúng tôi ra tòa ly hôn thuận lợi nhưng chẳng thấy anh chàng kia rước nàng về dinh.

Hai năm sau cuộc hôn nhân đầu thất bại tôi mới lại mở lòng để tiếp tục yêu một lần nữa. Quen nhau khi đi dự chung một đám cưới, sau thời gian tìm hiểu tôi và Trang quyết định sẽ về chung một nhà. Vì tôi đã từng có một đời vợ nên cô ấy vừa phải vất vả thuyết phục gia đình vừa phải chấp nhận chỉ có một đám cưới nhỏ.

Cuộc sống vợ chồng giản đơn nhưng êm đềm, hạnh phúc cứ như vậy cho đến khi cô ấy đề nghị đi xuất khẩu lao động. Thực lòng, tôi không muốn để vợ đi xa nhưng cô ấy nài nỉ rằng công việc hiện tại không ổn định, bạn bè em đi rồi về giờ “khá” lắm, em chỉ cần đi đôi ba năm…

Thấy quyết tâm của vợ như vậy tôi đành đồng ý chỉ mong cô ấy bình an sớm quay về đoàn tụ. Ấy vậy mà “xa mặt cách lòng”, vợ tôi thú nhận đã có người đàn ông khác bên đó và mong tôi thứ lỗi. Thêm một lần nữa tôi bị phản bội bởi người phụ nữ má kề tay ấp. Bao nhiêu chân tình, bao nhiêu lời hứa hẹn rồi cũng chỉ kết thúc bằng một lời xin lỗi.

Sau đó, dù bố mẹ giục giã nhiều lần nhưng tôi ngần ngại không muốn tiến thêm bước nữa. Mọi người bảo đàn ông thì lo gì chuyện vợ con, không có người này thì lấy người khác nhưng tôi sợ lại thêm một lần giẫm vào vết xe đổ.

Cuối cùng, trách nhiệm của người con trai duy nhất trong nhà không cho phép tôi thoái thác chuyện hôn sự. Lần này tôi lấy Xuân, một cô gái đồng cảnh ngộ. Chồng trước của Xuân bỏ cô ấy theo người khác mặc dù đã có chung một cô con gái. Tôi lấy Xuân vì thầm nghĩ hai người cùng cảnh dễ thông cảm và sẽ cùng trân trọng hạnh phúc gia đình hơn. Tôi cũng coi con gái Xuân như con gái của mình.

Quả thực, Xuân là người phụ nữ hết mực chung thủy nhưng dường như giữa chúng tôi thiếu đi tiếng nói chung. Xuân không tin tưởng tôi sẽ yêu thương con gái riêng của cô ấy sau khi chúng tôi có con. Cô ấy cũng không hòa hợp với gia đình tôi, cứ rảnh là cô ấy lại đòi về nhà mẹ đẻ nên đôi khi hai vợ chồng cũng lời qua tiếng lại. Biết tính vợ nên bao giờ tôi cũng là người “xuống nước” trước.

Một lần tôi bắt gặp Xuân to tiếng với mẹ tôi vì bà chẳng may để con bé bị ngã. Thấy bà không nói gì cô ấy càng tỏ thái độ và nói nhiều điều không hay. Tôi giận quá tát vợ, thế là lửa đổ thêm dầu, cô ấy mang quần áo và con gái về nhà mẹ đẻ ở hẳn cho đến giờ. Tôi đến nhiều lần cô ấy cũng không chịu gặp nói chuyện.

Đánh vợ là sai, tôi chẳng ích kỉ một lời xin lỗi nhưng tôi không tán thành những hành động của vợ. Tôi muốn đón vợ con về cho êm cửa êm nhà nhưng không biết làm sao cho vợ thấu tình đạt lý. Nếu tôi còn nhân nhượng thì sẽ lại có những ngày cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Người ta hạnh phúc đến đầu bạc răng long còn tôi chưa 30 tuổi đã quá mệt mỏi với những cuộc hôn nhân tan vỡ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN