Ngày 6/1, dịch COVID-19 tại TP.HCM ở cấp độ 1 (vùng xanh). Một điểm đáng chú ý là số ca tử vong do COVID-19 liên tục giảm mạnh những ngày qua.
Trong những ngày chống dịch, TP.HCM được chi viện của y bác sĩ trong cả nước, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương như: BV Bạch Mai và BV Việt Đức.
Họ đã sát cánh bên nhau, cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, động viên nhau kiên cường bám trụ khi con số nhiễm và thương vong tăng lên; cũng như chia sẻ nhau niềm lạc quan, hy vọng, khi các con số chậm lại, giảm dần rồi sau cùng là niềm hân hoan trong ngày TP.HCM bắt đầu bình thường mới và dịch bệnh sớm được đẩy lui.
BS. Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai kể lại quãng thời gian anh cùng đồng nghiệp chi viện cho TP.HCM.
Anh kể: Lúc vào TP.HCM chống dịch, anh mang theo 7 bộ quần áo mặc hằng ngày nhưng không dùng đến, trang phục thường xuyên là đồ bảo hộ kín mít. Hầu như hành lý vẫn còn nguyên trong vali.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết, anh không quá căng thẳng khi vào tâm dịch bởi các nhân viên y tế được đảm bảo về bộ phòng hộ chuẩn và đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Trước khi vào tâm dịch, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh cắt tóc để hạn chế nóng bức khi mặc đồ bảo hộ.
“Quãng thời gian 50 ngày tại TP.HCM trôi qua thật nhanh. Không chỉ riêng tôi mà gần 200 y bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đều cho rằng đó là những trải nghiệm không thể nói hết bằng ngôn từ”, BS Tuấn Anh chia sẻ.
Ở trong tâm dịch, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh cùng đồng nghiệp đã quên đi ý niệm về ngày, tháng. Mọi người chỉ biết hôm nay làm ca 1, ngày mai làm ca 2, ngày kia làm ca 3. Vì thế thời gian cũng trôi rất nhanh, ngoảnh đi ngoảnh lại đã 50 ngày anh và đồng nghiệp chi viện cho TP.HCM.
Nhớ lại thời gian đầu mới đến nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của BV Bạch Mai, BS. Đỗ Tuấn Anh cho biết: Mặc dù không đến mức ám ảnh hay stress vì bản thân anh làm ở đơn vị điều trị tích cực, làm hồi sức sơ sinh nên nhiều trẻ nặng, anh đã chứng kiến nhiều ca tử vong nhưng cũng không tránh khỏi có những tác động đến cảm xúc.
“Trước khi vào TP.HCM, tôi cũng nghĩ sẽ khốc liệt nhưng khi vào thực tế, chứng kiến bệnh nhân chuyển nặng nhanh nên cũng để lại những cảm xúc nhất định. Nhìn họ ra đi mà không làm được gì, cảm giác đó hằn sâu trong ký ức của tôi”, BS. Đỗ Tuấn Anh nhớ lại.
Kể về quãng thời gian làm việc tại TP.HCM, BS Tuấn Anh cho biết: Vào trong đó mọi người làm việc với cường độ rất cao, mệt mỏi. Khi mặc quần áo blouse hay bộ đồ hồi sức màu xanh khiến mọi người đều mệt mỏi về tâm trí, sức lực nhưng khi mặc bộ đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 dành cho tiếp xúc với bệnh nhân nặng đã tiêu tốn sức lực của nhân viên y tế đến 200%.
Mặc đồ bảo hộ đó vào làm việc trong môi trường phòng bệnh được cải tạo từ một khu xưởng sửa chữa, đóng tàu rất nóng. Đặc biệt với những người làm ca 2 từ 14h-17h, thời tiết rất nóng, mặc bộ đồ bảo hộ ấy thì ướt sũng bên trong.
Sau mỗi ca, khi cởi bộ đồ ra, mọi người ngay lập phải tìm nước uống, tu liền một mạch phải đến 2 lít nước mới tỉnh người. Hoặc khi làm ca đêm thì mặc liên tục từ 21h đến 4h sáng hôm sau là đã quá mệt mỏi, sau đó lại nghỉ ngơi rồi chiến đấu tiếp đến khi bàn giao cho ca sau”.
Tuy vậy, BS Đỗ Tuấn Anh cho biết, anh cùng các đồng nghiệp đã vượt qua mệt mỏi để miệt mài làm việc bằng tất cả tâm trí, sức lực với mong muốn cứu sống, chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân nặng.
Nhờ những nỗ lực của nhân viên y tế, dần dần tỉ lệ bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của BV Bạch Mai đã giảm đi.
Sau 2 tháng rưỡi hoạt động, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai tại TP. HCM đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Sáng ngày 15/10/2021, tại TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai đã bàn giao Trung tâm cho Bệnh viện nhân dân Gia Định.
Sau khi trở về Hà Nội, BS Đỗ Tuấn Anh chọn cách ly tập trung để giữ an toàn cho gia đình, người thân. Hết cách ly, anh lại được bố trí chi viện cho quận Đống Đa, một trong những quận có nhiều ca cộng đồng nhất của thành phố Hà Nội
Chia sẻ mong muốn của mình trong năm mới, BS Đỗ Tuấn Anh mong dịch bệnh sớm được đẩy lui để có thể trở về với việc khám chữa bệnh cho trẻ nhỏ như trước đây.
BS. Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Nhi-BV Bạch Mai nhớ lại lúc mới vào tâm dịch TP.HCM. Đó là sự căng thẳng trước cường độ công việc cao và nhất là chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng không qua khỏi.
BS Kiên kể: Những ngày đầu nhiều người trong số chúng tôi đã stress vì khối lượng công việc nhiều, môi trường làm việc với đồ bảo hộ rất khó chịu. Đặc biệt, Trung tâm với quy mô 350 giường bệnh có nhiều bệnh nhân nặng không qua khỏi. Khi chứng kiến bệnh nhân nặng và tử vong thật sự là rất khó cho chúng tôi có thể “quen” được với điều đó.
Mọi người mang tâm trạng trĩu nặng và nhiều lúc cảm giác bất lực dù nhiều người trong chúng tôi đã làm trong môi trường hồi sức nhiều năm. Chúng tôi luôn động viên nhau để cùng có tinh thần vững vàng cũng như sức khỏe tốt để vượt qua khó khăn.
BS. Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: Trong này như một cuộc chiến và tất cả chúng tôi là đồng đội, luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, tạo ra một không khí như gia đình, ấm áp để cùng vượt qua thử thách.
Trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, BV Việt Đức được giao thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thanh (SN 1986, Khoa gây mê 1I, Trung tâm gây mê hồi sức cấp cứu ngoại khoa, Trung tâm gây mê & hồi sức ngoại khoa, BV Việt Đức) cũng là một trong số những y bác sĩ của BV được cử vào hỗ trợ TP.HCM.
Bác sĩ Thanh cho biết, khi được phân công vào TP.HCM trợ chống dịch, sát đến ngày lên đường ai cũng háo hức. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, trước khi đi vào miền Nam, các thành viên đã được trang bị đầy đủ thông tin về biện pháp bảo vệ an như kiến thức về phác đồ điều trị.
Dù vậy, khi nhắc đến cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vừa qua, bác sĩ Thanh bảo: Cõ lẽ, điều tôi làm vẫn chưa giúp ích nhiều cho người bệnh. Trong những ngày vào TP.HCM hỗ trợ, điều đau đớn nhất với nhân viên y tế là mỗi lần phải chứng kiến những bệnh nhân mà mình chăm sóc trút hơi thở cuối cùng.
Chẳng hạn: Một trường hợp bệnh nhân 85 tuổi, đã khỏi COVID-19, nhưng sau đó bị biến chứng chảy máu và theo dõi nhồi máu cơ tim rồi mất bởi biến chứng quá nhanh.
“Mỗi lần chứng kiến một bệnh nhân tử vong, chúng tôi cũng đau xót lắm”, bác sĩ Thanh nói.
Với bác sĩ Thanh và các y bác sĩ khác, niềm vui lớn nhất là chứng kiến các bệnh nhân giảm nhẹ, rồi chuyển xuống tầng dưới.
“Có những bệnh nhân phải đặt máy thở, chúng tôi lo lắm, bởi lẽ khi đó họ đã trong tình trạng rất nặng. Nhưng sau quá trình chiến đấu, bệnh nhân đã dần rút được máy thở, các chỉ số dần ổn định, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Ngày bệnh nhân được chuyển xuống tầng dưới để phục hồi, các bệnh nhân và y bác sĩ ai cũng rưng rưng”, bác sĩ Thanh kể lại.
Tết Nguyên đán đã đến, dù vậy, với các y bác sĩ hầu hết đều phải trực Tết.
Theo phân công, có người trực ngày Ba mươi Tết, có bác sĩ lại trực các ngày mồng 1, mồng 2… Với bác sĩ Thanh, ngày 30 Tết là dài nhất trong năm với các nhân viên y tế trong ca trực.
Ngày ấy, không khí ngoài đường rộn ràng, sôi động bao nhiêu thì trong BV lại trầm lắng bấy nhiêu. Nhiều bác sĩ nữ thấp thỏm, lo lắng, sợ chồng chẳng biết mua sắm gì, rồi làm cỗ cúng tất niên như thế nào.
Năm nay, tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, cùng với những gì đã trải qua tại TP..HCM, bác sĩ Thanh cho biết, chỉ mong tất cả những người thân, bạn bè và người dân được khỏe mạnh. Bởi lẽ, đến thời điểm này mới thấy con người thật mong manh, COVID-19 có thể tấn công bất cứ lúc nào, với bất kỳ ai.
Nhất là hiện nay, Việt Nam đã xác định sống chung với COVID-19 thì người dân nên thực hiện đúng quy tắc 5K. Bởi giữ được sức khỏe cho bản thân, gia đình cùng với tinh thần lạc quan sẽ có cuộc sống vui vẻ hơn.
Cho đến hôm nay, khi mùa xuân đến, người dân TP.HCM đã trở lại cuộc sống gần như bình thường, số ca mắc đã giảm rất nhiều. Từ vài nghìn ca một ngày đến nay, TP.HCM chỉ ghi nhận hơn 100 ca mắc/ngày.
Xin mượn lời của Thạc sĩ Bác sĩ Bùi Quang Huy, Trường đoàn Bệnh viện E, từng công tác tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thành phố Thủ Đức. "Cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, trên bầu trời thành phố, mây mù đang dần tan, và những tia nắng đầu tiên đã xuất hiện, báo hiệu những bình minh trong trẻo. Dù chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan, như Đảng và nhà nước đã xác định, cuộc chiến với COVID-19 không phải là tư duy chiến dịch nữa, mà là tư duy cho một cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào các đồng chí, các đồng nghiệp. TP.HCM, thành phố mang tên Bác kính yêu sẽ đứng dậy, mạnh mẽ hơn sau giông bão.
Lời cuối cùng chúng tôi muốn nói, thưa người dân thành phố. Dù lưu luyến nhưng cũng sẽ đến lúc chúng tôi phải nói lời chia tay, để trở về với nhiệm vụ thường nhật của mình. Chúng tôi sẽ gìn giữ những ký ức về những ngày tháng bi hùng này trong tâm trí, và sẽ luôn mang theo trong lòng tình cảm nồng ấm mà Sài Gòn đã dành cho chúng tôi. Nhất định một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại, nhưng không phải là để chiến đấu “một cung đường, hai điểm đến” nữa, mà là để đi dạo giữa đường hoa Nguyễn Huệ, ngắm nhìn một Sài Gòn trẻ trung năng động, để cảm nhận thứ đặc sản đặc trưng nhất của Sài Gòn là tình người. Chúng tôi sẽ mỉm cười nhẹ nhõm, với một niềm tự hào là mình cũng đã góp một phần nhỏ bé cho tương lai đó".