NS Quốc Bảo mang “Lụa” cho các em nhỏ

Sự kiện: Sao Việt

Là một nhạc sĩ luôn gắn mình với những sáng tác vừa cống hiến vừa mang cá tính riêng, nhạc sĩ Quốc Bảo đã gây dựng thành công một thương hiệu. Và trong tháng 8 này, nhạc sĩ sẽ cùng các đồng sự của mình làm nên một vở thanh xướng kịch khó quên trong lòng công chúng.

Được biết đến như một người luôn mang lại các sáng tác về tình yêu có màu sắc riêng, ngôn ngữ âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Bảo không giống bất kì ai. Những bản Tình ca, Tình ca hồng... ghi dấu một tác giả đã mang lại cho đời sống âm nhạc một hơi thở không ngơi nghỉ.

Bên cạnh đó, anh còn là nhà sản xuất âm nhạc mang tính khởi sơ, tìm kiếm và đặt cho ca sĩ bước đi đầu tiên “không trùng lắp” như Hà Trần, Thủy Tiên, Ngô Thanh Vân, Hoành Anh... Và con đường trải nghiệm sống ấy đã thôi thúc anh lên ý tưởng thực hiện một vở Thanh xướng kịch mang tên Lụa đầy đủ những phẩm chất riêng của mình.

NS Quốc Bảo mang “Lụa” cho các em nhỏ - 1

Quốc Bảo và show Lụa là một thể nghiệm đầy sáng tạo

NS Quốc Bảo chia sẻ: “Phác thảo đầu tiên cho thanh xướng kịch này được hình thành khi tôi và một số nhà hảo tâm muốn gây dựng một quỹ từ thiện cho các bệnh nhi hoại huyết (ung thư máu).

Sáng lập thì không khó khăn, nhưng để gầy dựng quỹ và nuôi nó phát triển, thì cần có xung động khởi đầu. Sẽ là gì nếu không phải là một công trình nghệ thuật nho nhỏ, đúng tài đúng sức tôi? Ý tưởng ấy được các bạn nghệ sĩ ủng hộ, sẵn lòng bỏ công sức thật nhiều và nhận thù lao tối thiểu, thế là tôi bắt tay vào viết nhạc.”

Thời gian gần đây, nhạc kịch hay trước đó nữa là thanh xướng kịch dần được khán giả trong nước săn đón nhiều hơn. Từ vở thanh xướng kịch Messiah được Nhà hát giao hưởng vũ kịch TpHCM đem về, đến vở Chicago nổi tiếng được diễn cách đây chưa lâu... khán giả dần được làm quen với một thể loại cực kì hấp dẫn và lôi cuốn.

Nhạc sĩ Quốc Bảo có lẽ không tham vọng nằm trong xu hướng mà anh đi con đường của mình để làm nên vở diễn “Lụa”. Suốt hành trình dài vừa qua, nhạc sĩ Quốc Bảo luôn là người âm thầm sáng tác, tìm kiếm và chọn lựa điều mới mẻ nảy sinh từ trong ý tưởng tự thân chứ không hề vay mượn, hay a dua.

Anh cho biết thêm là cơ sở cho thanh xướng kịch lấy cảm hứng từ tiểu thuyết ngắn Lụa của nhà văn Ý Alessandro Baricco. Theo anh, sự lựa chọn này có ý nghĩa, bởi đây là tác phẩm ngắn, cô đọng, hàm súc như những bài thơ haiku. Nó có cốt truyện đầy bi kịch, đẹp cả về cách diễn đạt ngôn ngữ lẫn cấu trúc và có tính kịch rõ nét.

Khi viết đề cương kịch bản âm nhạc, tôi gần như bị cuốn vào không khí truyện, tôi đặt mình vào bối cảnh truyện và rồi soạn nhạc trên cảm xúc của người trong cuộc. Trừ "Bình Yên" và "Lạnh" là hai bài hát tôi đã có sẵn, mười tám bài còn lại và các đoạn nhạc mở đầu, giữa các màn đều được soạn mới” - nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết thêm.

NS Quốc Bảo mang “Lụa” cho các em nhỏ - 2

Khán giả sẽ được thưởng thức đêm nhạc mới lạ

Chọn địa điểm là phòng trà để diễn vở thanh xướng kịch Lụa theo anh cũng không phải là tối ưu vì với thể loại này cần sân khấu lớn, dàn âm thành đủ để thể hiện nhưng để có thể thực hiện được ý tưởng, cũng như giúp được những em nhỏ như mong muốn ban đầu nên anh đã tìm cách khắc phục.

Nhạc sĩ cho biết với không gian nhỏ anh đã chuyển soạn các bản phối từ dàn nhạc lớn thành tổng phổ thu gọn, bỏ đi phần hợp xướng và một vài nhạc phẩm phức tạp không hợp với không gian diễn nhỏ.

Tham gia vở thanh xướng kịch “Lụa” có rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng trong đời sống âm nhạc. Anh đã kêu gọi cũng như nhìn họ như những tấm lòng vàng trong chương trình lần này. Đó là ca sĩ Phương Linh, Hà Anh Tuấn, Hồ Trung Dũng, Đồng Lan, Thành Lộc và Nguyên Hà; người kể chuyện Nguyễn Minh; ban nhạc Dũng Dalat; violinist Phúc Hạnh; nhà hòa âm Bảo Chấn.

Tất cả sẽ làm nên một đêm thưởng thức nghệ thuật khó quên vào ngày 28/8 tới đây tại TP.HCM. Số tiền thu được từ đêm diễn là món tiền đầu tiên dành cho quỹ bệnh nhi hoại huyết. Tất cả các hoạt động của quỹ trong tương lai đều minh bạch và bất vụ lợi.

Vài nét về thể loại thanh xướng kịch

Thanh xướng kịch (oratorio) là một thể loại âm nhạc/sân khấu cổ điển, được phát triển nhờ công lao của Monteverdi hồi thế kỷ 17 ở Ý. Trong các nhà thờ thời đó, thanh xướng kịch được công diễn thường xuyên với phần đệm đàn organ và bộ dây, có dàn hợp xướng phụ họa, các diễn viên chỉ đứng hát mà không làm động tác kịch, không di chuyển (khác với nhạc kịch).

Vì nội dung các bài hát đều lấy từ tích Kinh Thánh, nên khán chúng dĩ nhiên hiểu cốt truyện mà không cần diễn giải thêm. Duy nhất có Dudley Buck soạn oratorio The Light of Asia (1886) nói về cuộc đời đức Phật. Oratorio vẫn phát triển song song với opera (ca kịch) đến tận ngày hôm nay.

Thế kỷ 20, Stravinsky đã công diễn thanh xướng kịch Oedipus Rex (1927) ở Pháp, Franz Schmidt dựng vở The Book with Seven Seals (1938) ở Đức. Các nhạc sĩ đại chúng cũng viết thanh xướng kịch: La Chanson du mal-aimé (1954, 1972, Léo Ferré, dựa trên thơ Apollinaire),  Liverpool Oratorio (1991, Paul McCartney).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Hưng ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN