Sinh viên kinh doanh ngày 8.3: Bố mẹ cũng tham gia nhiệt tình
“Bố mình đặt 2 bó hoa đẹp nhất cho bà và mẹ mình. Ngoài ra, bố còn giới thiệu đến các cô chú làm trong cùng cơ quan, chụp ảnh hoa mình bó đem đến chào hàng"
Lê Như Thắm (sinh viên khoa quản trị kinh doanh- trường đại học Công nghệ Hà Nội) tự hào khoe.
“Ngoài mặt hàng quen thuộc là hoa tươi, năm nay sẽ có thêm nhiều đồ handmade xinh xắn, đáng yêu, bánh ngọt kèm hoa và… dịch vụ bán, chuyển quà đến tận nơi vô cùng thân thiện, nhiệt tình”- Nguyễn Thị Huyền (sinh viên năm 2, trường Đại học kinh tế Quốc dân) cho biết thêm.
Không chỉ bán hoa tươi…
Hầu hết khi được hỏi mặt hàng lựa chọn kinh doanh trong dịp 8-3 sắp tới, nhóm sinh viên nào cũng chọn hoa tươi, chủ yếu là hoa hồng đỏ để bán. Nguyễn Thị Ngân Thương (sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh- đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết: “Vì đây là năm đầu tiên chúng tớ thực hiện, nên chỉ bán hoa hồng thôi. Nếu tốt đẹp, thành công, sẽ khảo sát ý kiến khách hàng xem họ thích tặng quà gì để năm sau bán thêm”.
Lê Như Thắm (sinh viên năm 3, khoa kế toán, trường cao đẳng Công nghệ) khẳng định: “Bán hoa hồng tươi là an toàn nhất, không đắt, rất nhiều người có nhu cầu mua, lại ý nghĩa nữa chứ. Bán đồ khác còn lo người này thích, người kia không, lo vốn nhiều. Nhưng với hoa hồng thì dễ hơn, cần vốn không nhiều lắm, lại có nguồn hàng phong phú. Nhưng mình vẫn muốn thử sức với các mặt hàng khác”.
Hơn hẳn năm ngoái, năm nay nhóm Thắm quyết định đầu tư thêm vào mặt hàng đồ handmade dành cho các bạn nữ như nơ, băng đô, túi xách, kẹp tóc… Những món đồ này đều được các thành viên tỉ mẩn làm từ tháng trước.
“Năm nào cũng bán nên quen cũng khá nhiều khách rồi. Năm ngoái thấy nhiều người gợi ý sao không bán thêm một số đồ lưu niệm dành cho con gái. Thấy ý kiến hợp lý, trong nhóm cũng có một số bạn khá khéo tay, nên năm nay quyết định bán thêm đồ lưu niệm, đảm bảo đẹp, mà giá phải chăng lắm nhé”. Lê Như Thắm (sinh viên năm 3, khoa kế toán, trường cao đẳng Công nghệ) tươi cười nói.
Cũng từng có suy nghĩ, ý định bán thêm quà lưu niệm từ năm trước, năm nay Nguyễn Thị Huyền (sinh viên năm 2, trường Đại học Kinh tế quốc dân) đã chọn được mặt hàng thú nhồi bông và bánh ngọt tự làm để bán thêm trong dịp mùng 8-3 sắp tới.
“Bánh thì chúng mình chỉ bán cho những ai đặt thôi, còn hoa và thú nhồi bông nhỏ sẽ bày bán ở ngoài đường. Có rất nhiều người đã đặt bánh và hoa từ trước, nhờ mình mang đến tận nhà rồi. Năm nay nếu ai mua một bó hoa và một chiếc bánh ngọt, hoặc một thú nhồi bông sẽ có quà tặng thêm nữa đấy.” Nguyễn Huyền hào hứng kể.
Chọn địa điểm và… liên hệ với người quen
Đây phải nói là điều cực kỳ quan trọng đấy. Hoa bán có chạy hay không, có đắt khách, nhiều người mua còn tùy thuộc rất nhiều vào vị trí bán. Như nhóm chúng tớ chắc chọn bán hoa ở trước cổng trường, buổi tối thì bán trước khu ký túc xá sinh viên. Mấy chỗ đấy đông người qua lại” Nguyễn Thị Huệ Hà (Sinh viên khoa Kế toán- trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết.
Với thâm niên bán hoa từ năm thứ nhất đại học của mình, Hà Thị Kim Chi (sinh viên năm 4, trường Đại học Thương mại) gật gù nói: “Hoa có đẹp đến mấy nhưng chọn sai địa điểm bán hàng thì coi như ế rồi. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay chúng mình sẽ chia nhỏ ra, bán ở nhiều nơi khác nhau, như thế bán sẽ nhanh hơn. Tụi mình thì vẫn bán cổng trường Thương mại như mọi năm thôi”.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị gần như hoàn tất, các thành viên trong nhóm cũng sẵn sàng “vào trận”. Một điều mà không nhóm nào quên chính là bán hàng qua facebook và liên hệ với người quen.
Lê Như Thắm (sinh viên khoa kế toán, trường cao đẳng Công nghệ) cho biết: “Phải tận dụng hết các mối quan hệ bạn bè và người thân chứ. Chắc chắn sẽ bán được một lượng hàng không nhỏ đâu. Năm nay chúng tớ còn chào hàng khách và cho họ xem mẫu đồ handemade từ trước, mọi người rất thích, được cũng kha khá đơn đặt hàng rồi đấy”.
Năm ngoái mình còn ngại, không dám mời chào nhiều người quen nên ế ẩm ít hoa. Năm nay thì khác rồi, phải mời chào nhiệt tình ấy chứ. Facebook, zalo, nhắn tin điện thoại đến người thân mình đều làm cả rồi. Vì thế chưa đến ngày bán chính thức, nhưng cũng có không ít đơn đặt hàng rồi. Bố mình cũng đặt một bó gọi là để ủng hộ con gái đấy” - Nguyễn Thị Huyền (sinh viên năm 2, trường đại học Kinh tế quốc dân) phấn khởi kể.
Cha mẹ cũng ủng hộ con hết mình
Chị Nguyễn Thị Hằng (Kiều Mai- Phú diễn- Bắc Từ Liêm- Hà Nội) vui mừng kể chuyện về việc con gái của mình tham gia kinh doanh hoa trong ngày 8-3 sắp tới. “Lúc mới nghe con gái về nói cứ nghĩ được vài hôm sẽ chán. Nhưng đến khi thấy con dậy từ lúc 2-3 giờ sáng đi khảo sát giá hoa, rồi thì nhập nguyên liệu để bó hoa, học cách bó hoa chị mới tin lần này con bé làm thật”.
Cũng giống như chị Hằng (Phú Diễn- Bắc Từ Liêm- Hà Nội), chị Lê Thị Anh Thơ (41 tuổi, Xuân Thủy- Cầu Giấy- Hà Nội) cũng có những suy nghĩ như vậy khi con gái về khoe với mẹ chuyện kinh doanh hoa và đồ lưu niệm.
Chị chia sẻ: “Trước nay có bao giờ thấy nó buôn bán gì đâu, thế mà tự nhiên lại về khoe như vậy cứ tưởng nổi hứng vậy thôi. Nhưng đến khi nghe con nói muốn vay vốn, và trình bày kế hoạch thì mình đã bị thuyết phục một nửa. Nhưng vì cũng muốn con cọ xát và có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống nên quyết định ủng hộ cấp vốn”.
Không chỉ ủng hộ về tinh thần, các bậc phụ huynh còn có những ủng hộ cụ thể hơn về vật chất. Lê Như Thắm (sinh viên khoa quản trị kinh doanh- trường đại học Công nghệ Hà Nội) tự hào khoe: “Bố mình đã quyết đặt 2 bó hoa đẹp nhất cho bà và mẹ mình. Ngoài ra, bố còn giới thiệu đến các cô chú làm trong cùng cơ quan, chụp ảnh hoa mình bó đem đến cho các chú ấy xem. Cũng đã có một số người đặt thêm rồi”.
“Ngoài việc giúp cho con có thêm kỹ năng trong giao tiếp, việc kinh doanh này còn giúp cho con có kinh nghiệm trong thực tiễn, cho ngành học của con mình hiện tại. Vì vậy việc ủng hộ này là cần thiết”- chị Lê Thị Anh Thơ (Xuân Thủy- Cầu Giấy- Hà Nội).