Đào tạo sau ĐH: Người trong cuộc kể chuyện thật như đùa

Sau vụ lình xình “ra giá” 200 triệu đồng một tấm bằng tiến sĩ y khoa, bức tranh đào tạo sau đại học đã được những người trong cuộc “bật mí” với nhiều màu sáng tối hơn. Dưới đây là lời kể của một giảng viên đại học ở Hà Nội.

Dạy ăn bớt

Đối với cao học (làm thạc sĩ), thời gian học thường bị rút ngắn lại. Ví dụ một năm phải học 2 học kỳ nhưng thực tế, vì học viên ở xa nên chỉ học tập trung vào 1 tháng, mỗi môn dạy trong mấy ngày nên chất lượng rất thấp. 

Hơn nữa, do thời gian học ngắn quá nên học viên hầu như không có thực hành mà thường chỉ lấy số liệu từ đơn vị mình đang công tác ra làm là được. Việc dạy học và sau đại học ở tỉnh ngoài còn tệ hơn.

Nếu giảng viên phải đi dạy cao học ở ngoại tỉnh thì thời gian dạy thường rất ngắn. Có những giảng viên nhân thể đi khỏi Hà Nội để tranh thủ chạy sô luôn. 

Ví dụ, sáng dạy học ở một cơ sở này, chiều lại dạy ở một cơ sở khác cách đó mấy chục cây số. Ngoài ra, người ta còn dạy dồn kiến thức, kiểu như: lịch học 3 tuần chỉ dạy trong… một tuần. 

Đào tạo sau ĐH: Người trong cuộc kể chuyện thật như đùa - 1

 Sau vụ lình xình “ra giá” 200 triệu một tấm bằng tiến sỹ y khoa, việc đào tạo sau đại học lại đang trở thành đề tài nóng được quan tâm. Ảnh: Ngọc Châu.

Trong một tuần đó, người nào có trách nhiệm thì dạy đủ khối lượng bài; có người dạy thì ít mà đi nhậu với học sinh thì nhiều. Có học mới biết, các lớp sau đại học ở tỉnh, trò thường mời thầy đi ăn nhậu như một thứ luật bất thành văn: mỗi người nộp 100.000 đồng để đưa phong bao khi thầy trở về (lớp chừng 30 học viên là thầy đã được một khoản kha khá; thầy nào có nhu cầu cao gợi ý nhiều hơn).

Học lơ mơ

Vì dạy như thế nên thạc sĩ học cũng lơ mơ; nhưng, ấn tượng hơn là làm nghiên cứu sinh (NCS) để lấy bằng tiến sĩ (TS). Ở mình, đi học tiến sĩ, nhiều vị có chức vụ đi học do yêu cầu về quản lý. Vì vậy, nhiều vị đi làm TS có cả một đội quân hỗ trợ việc làm bài hộ. 

Tôi biết một trường hợp giám đốc đi làm TS. Vị này thuê luôn một đội 3-4 sinh viên trong trường, bao ăn bao ở để đội quân này đi học hộ và điểm danh hộ; thậm chí “gặp” luôn giáo sư hộ… Người làm hộ chỉ ra giá là sau khi tốt nghiệp vị TS xin việc giúp.

Không dễ, ai học!

Ở bậc cao học, sự dễ dàng bắt đầu ngay từ đầu vào. Để vượt qua việc thi một môn cơ sở, Toán, Tiếng Anh, thí sinh cao học đi học thêm tại trường và tìm mọi hình thức có đề thi, để thầy trông thi dễ. Tôi, đã có lần bị gọi lên và bị nhắc nhở: nếu tiếp tục cho thi khó quá sẽ không cho đi dạy nữa. 

Thế là, một bên là nhà trường muốn có học viên; một bên là người học muốn có bằng- thôi thì, đôi bên cùng có lợi! Đi dạy thế nhưng bài thi người dạy không được chấm nên giáo viên chả biết thế nào. Bị tuýt còi thì lần sau cứ cho thi dễ, có lương tâm thì dạy thật, còn học đến đâu là việc của người học. 

Hơn thế nữa, ở một địa phương thôi, chẳng hạn, có tới mấy trường đổ xô đến đào tạo, nếu mình làm chặt quá, người học sẽ bỏ sang trung tâm của đại học khác để học thì lấy đâu người học mà dạy. Vì vậy, mọi việc dường như được thương mại hóa cả rồi.

Điều này đặc biệt “kinh khủng” với việc đào tạo văn bằng 2 ở địa phương: hoàn toàn không có chất lượng. Nếu tôi là người tuyển dụng thì sẽ không tuyển loại văn bằng này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN