Cha mẹ sẽ trả giá đắt khi “kích hoạt não” cho con

Sự kiện: Thời sự

Chính cha mẹ quá kỳ vọng vào con cái nhưng thiếu kỳ công dẫn đến sự tồn tại những trung tâm như “kích hoạt não” đó. Và người thiệt thòi nhất không ai khác, chính là những đứa trẻ.

Tôi đi nhiều quốc gia, chưa thấy có lớp kích hoạt não 

Tôi đã đọc nghiên cứu khoa học của nhà bác học Roger Colcott Sperry, người đã từng đạt giải Nobel về tâm sinh lý học mà các trung tâm “kích hoạt não” có nhắc tới. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ nói về khoa học của não trái và não phải, sự kết nối giữa hai bán cầu não này chứ không hề đề cập đến việc phát triển não giữa sẽ trở thành thiên tài như các trung tâm này đề cập đến. Và cũng chưa có khoa học nào chứng minh rằng có não giữa, mà khoa học chỉ có phân biệt bán cầu não trái (tư duy, logic, toán học, tự nhiên…) và bán cầu não phải (tình cảm, hội họa, cảm xúc, nhân văn…).

Khi xem những bài tập trong clip về kích hoạt não, tôi chỉ thấy đó là những động tác bắt chước, tiểu xảo, mánh khóe, giống như bài tập theo nhạc chứ không phải các bài tập kích thích não.

Chúng ta phải hiểu rằng muốn luyện tập não phải rất kỳ công suốt một quá trình. Bộ não của con người cũng giống như cơ thể, cũng cần phải được vận động và luyện tập một cách cơ học mới có thể phát triển lên. Trẻ luyện tập cái gì thì bộ não sẽ được dung nạp cái đó, luyện tập càng nhiều sẽ dung nạp càng nhiều nhưng phải bằng các phương pháp khoa học và lâu dài chứ không thể chỉ trong vài ngày hay vài tháng được.

Ngay cả những người siêu trí nhớ cũng phải rất kỳ công mới được như thế. Họ phải luyện tập từng ngày, từ những điều cơ bản nhỏ nhất đến những kiến thức phức tạp hơn. Như đứa trẻ muốn giỏi toán thì phải luyện tập làm toán rất nhiều và thuần thục để tạo phản xạ trong não.

Thông thường, muốn thông minh, một đứa bé học bài bản, đúng phương pháp thì rất tiến bộ nhưng cần ít nhất ba tháng học kỹ thuật và luyện tập trong vòng 1-2 năm sau đó. Kể cả những đứa trẻ trong các cuộc thi thần toán cũng phải cần ít nhất ba năm rèn luyện thật sâu.

Điều này cho thấy rõ ràng những người dạy ở đó cũng không hiểu bản chất của luyện tập não là cái gì. Họ bắt chước một vài tiểu xảo nhưng cũng không tới. Vì thế, những đứa trẻ học cấp tốc như vậy không hiệu quả được vì rất ảo tưởng và không thể đủ thời gian để dung nạp vào bộ não.

Tôi đi nhiều quốc gia cũng chưa thấy có khóa học nào gọi là kích hoạt não. Họ có những khóa dạy cho trẻ các kỹ năng tập trung, tự tin, ghi nhớ… nhưng thông qua các hoạt động huấn luyện, trải nghiệm của trẻ để hình thành và phải qua một quá trình dài, cả ở trung tâm lẫn gia đình. Từ đó, các em dạn dĩ hơn, nói tốt hơn, rồi tự tin hơn.

Cha mẹ sẽ trả giá đắt khi “kích hoạt não” cho con - 1Cha mẹ  có thể sẽ phải trả giá đắt nếu lựa chọn giấc mơ "qua một đêm"  sẽ thành thiên tài                      

Phụ huynh kỳ vọng, trẻ lãnh hậu quả

Nguyên nhân sâu xa của những lớp học cấp tốc này chính là ở phụ huynh. Phụ huynh ở Việt Nam rất nhiều kỳ vọng, họ kỳ vọng đứa con phải giỏi, phải tuyệt vời, hoàn hảo, đạo đức tốt… nhưng lại thiếu kỳ công. Nên khi họ thấy điều gì đó như “ước mơ qua đêm”, rằng đùng một cái sau hai ngày con họ sẽ giỏi, hoặc họ nghĩ bỏ từng đó tiền nhưng biết đâu con sẽ giỏi hơn thì sao. Chính cái “biết đâu” đó sẽ khiến họ phải trả giá và thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ.

Đáng nói, sự kỳ vọng con phải giỏi đó lại thường thiên về là phải giỏi tự nhiên chứ không phải xã hội. Điều này là rất sai vì cả hai bán cầu não đều có phần quan trọng như nhau.

Chính phương pháp cấp tốc này không chỉ phản khoa học mà còn tạo ra những hệ lụy rất lớn mà phụ huynh phải trả giá. Thứ nhất, đứa trẻ sẽ bị tính tự cao, tự đại và tự phụ. Học xong, các em cứ nghĩ là giỏi rồi nên vô lớp hành xử với mọi người sẽ khác, tự cho mình là cao hơn mọi người và tạo ra sự cô lập vì bị bạn bè tẩy chay, dần dần trẻ rất dễ bị bệnh tâm thần hoang tưởng. Và càng lớn lên, trẻ sẽ càng bị tổn thương và cô đơn, hụt hẫng vì không có bạn bè nên dễ tìm đến cái chết khi có chuyện gì đó.

Thứ hai, ngay cả bịt mắt mà không đúng cách còn ảnh hưởng đến cả tầm nhìn của đứa bé về sức khỏe.

Thứ ba, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất dễ xung đột. Vì khi đứa bé học xong không được như mong muốn, cha mẹ sẽ nghĩ tại con mới như thế, con thì đổ lỗi cho cha mẹ. Chính cha mẹ dễ miệt thị chính con mình vì cho rằng đã bỏ ra nhiều tiền như thế mà học chẳng ra gì, như thế đứa con càng dễ tổn thương hơn. Hoặc họ nghĩ con học chưa tới nên cho con đi học tiếp khóa nâng cao, các em càng học thì độ ảo tưởng càng nâng lên sẽ rất nguy hiểm.

Cha mẹ mới tạo nên kỹ năng cho trẻ

Vì thế, phụ huynh nên nhớ rằng muốn con thông minh bao nhiêu thì phải kỳ công bấy nhiêu và phải đi từng bước suốt quá trình lâu dài chứ không bao giờ có “giấc mơ qua một đêm” con sẽ trở thành thiên tài.

Tốt nhất, phụ huynh phải dành thời gian nhiều hơn cho con cái, dạy con và trải nghiệm cùng con, làm gương cho con. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh hiện nay phó thác con cái cho nhà trường hay các trung tâm vì quá bận rộn là một sự ngụy biện. Phụ huynh ngại về đến nhà là một đống đồ, là con cái khóc, là việc nhà… nên họ thường đánh đổi gia đình với công sở, họ có thể nán lại vài tiếng cho công sở được nhưng lại không thể dành thêm thời gian cho con cái hay gia đình. Chính vì có sự đảo lộn giữa môi trường làm việc và gia đình khiến những trung tâm ma mị như vậy sẽ lên ngôi.

Để trở thành thiên tài, phụ huynh hãy cho con là người bình thường, làm những việc bình thường để trở thành những người vĩ đại chứ không phải học những điều vĩ đại để trở thành con người tầm thường.

(ThS Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á-Thái Bình Dương, TP.HCM)

Con bị “tẩy chay”, cha mẹ thấy bình thường!

Trong quá trình đi dạy, tôi đã gặp nhiều phụ huynh muốn gửi gắm con đi học một khóa học nào đó để con thay đổi nhưng tôi phải từ chối và nói thẳng rằng không thể có kết quả đó được. Muốn trẻ thay đổi phải cần rất nhiều thời gian và quan trọng nhất là ở gia đình.

Có một lần, tôi gặp một phụ huynh đến đăng ký cho con khóa học “lãnh đạo trẻ” dành cho tuổi lớp 6 trở lên. Thế nhưng, con của phụ huynh này mới học hết lớp 5 nên tôi không đồng ý. Tuy nhiên, phụ huynh lại khoe rằng con họ rất giỏi, vừa thi vào lớp 6 THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM với điểm số trong tốp cao nhất nhì, học lúc nào cũng giỏi nhất lớp. Nghe vậy khiến tôi rất tò mò nên muốn gặp bé, nếu bé giỏi đúng như thế thì sẽ đồng ý cho bé học. Thế nhưng, khi tôi tiếp xúc với bé này thì nhận ra rất nhiều vấn đề. Bé cho biết là rất ít bạn bè, vì bị bạn bè tẩy chay, thậm chí bạn bè viết giấy nói là “đồ tự cao”, “đồ ảo tưởng”. Đáng nói, bản thân bé và phụ huynh lại cho rằng như thế là bình thường, là quen rồi, vì bạn bè ganh tị sự tài giỏi của con.

Sau đó, tôi từ chối cho bé học vì không chỉ trẻ có vấn đề mà chính cha mẹ cũng có vấn đề vì đang nuôi ảo tưởng tự cao và tự phụ cho con, nên trước hết gia đình phải xem lại cách dạy con của mình.

ThS Nguyễn Thành Nhân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN