Truyện ngắn vui: Tinh thần âm nhạc

Dạo này phong trào thi ca hát đang nở như hoa phượng vào hè, cuộc thi nào cũng chuyển sang hát hò được, mà lại luôn đi kèm nhắn tin bình chọn.

Mẹ Đốp đem mõ đi rao khắp làng:

“Chiềng làng chiềng chạ
Thượng hạ tây đông
Con gái Phú Ông
Tên là Mầu Thị
Vừa mới đăng ký
Dự thi hát hò
Yêu cầu già trẻ gái trai
Nhắn tin bình chọn cho cô Màu để đoạt ngôi vị quán quân
Ai không tuân lệnh, sẽ bị cụ Lý phạt nặng
Loa loa loa loa...”

*

Anh Mịch nhăn nhó, nói:

- Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy đánh chết.

- Kệ mày, tao đã hứa với Phú Ông rồi, không đủ lượng tin nhắn là mất mặt, mất tiền của tao.

- Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy, ông mà bắt con nghỉ làm thì ông Nghị ghét con, cả nhà con khổ.

- A cái thằng này, tao bảo mày nhắn tin bình chọn chứ có bảo mày nghỉ làm đâu?

- Nếu đi làm thì làm sao mà xem thi hát được? Mà không xem thì làm sao mà biết ai hay ai dở mà bình chọn ạ?

- Mặc kệ bay, xem hay không thì tùy, miễn là có nhắn tin bình chọn là được rồi.

- Không cần biết hay dở thế nào mà cứ bình chọn đại, ngộ nhớ đứa bất tài mà đoạt ngôi quán quân thì bất công lắm.

- A cái thằng này thích lý sự nhỉ? Thời buổi này hát hay mà không biết cách kiếm tin bình chọn thì cũng chỉ có nước đi hát bán kẹo kéo thôi. Mày không thấy vừa rồi chỉ có một đứa trẻ đi thi hát thôi mà quan Tri phủ đã ra lệnh cho học trò trong toàn Phủ phải nhắn tin bình chọn đấy.

- Kiểu lấy thịt đè người như thế con thấy không tốt, con sợ lương tâm mình không cho phép.

- Thằng này láo! Mày có câu “lương tháng nó cán lương tâm” không? Mày không nhắn tin thì ông lấy gì sống? Tổng đài của ông chạy bằng nước lã chắc? Chúng bay nghĩ gì mặc kệ, không nhắn đủ 3 tin, tao sai tuần đến gô cổ lại, đừng kêu.

*

Bác Phó gái, dịu dàng, đặt cành cau lên bàn, ngồi xổm ở xó cửa, gãi tai, nói với ông lý:

- Lạy thầy, cháu nhà con đang là học sinh, nó nhịn bữa sáng cả tháng trời mới đủ tiền nạp card 20 nghìn. Giờ phải nhắn 3 tin, mỗi tin hết 3 nghìn, vị chi là hết 9 nghìn, mất nửa cái thẻ rồi, thế thì tội cháu quá. Quyền phép trong tay thầy, thầy tha cho cháu nó, đừng bắt cháu nó nhắn tin bình chọn.

- Ồ, việc quan không phải như chuyện đàn bà của các chị!

- Thì lạy thầy, thế này, làng ta thì đông, thầy cắt ai không được? Điện thoại của cháu hết tiền, nên xin thầy hoãn cho đến lượt sau.

- Hết tiền thì kiếm tiền nạp vào mà nhắn. Ai cũng lấy cớ hết tiền mà không nhắn, thì người ta hát cho ma nó nghe à?

- Thưa, hay con nghỉ buổi chợ để đến tận nơi cổ vũ hoặc gửi thư tay bình chọn có được không ạ?

- Không! Phải nhắn tin qua điện thoại mới tính.

Người đàn bà thở dài:

- Thế thì con biết làm thế nào được!

*

Ngày chung kết

Tổng đài chuẩn bị đóng lại, ông Lý quát ầm ĩ ở sân đình:

- Sao lại ít tin nhắn thế thế này? Còn gì là nhiệt huyết âm nhạc nữa? Tuần đâu! Đi kiểm tra, ai không nhắn tin nhất quyết từ nay về sau không cho xem hội chèo ở đình làng nữa.

Tuần tỏa đi các ngả. Nhưng rất khó bắt bà con nhắn tin thêm. Có đứa thì kêu máy vừa hết tiền, có đứa thì lại bảo máy hết pin mà cục sạc lại bị cháy, có đứa sợ quá không nghĩ được cách nào khác bèn nhúng điện thoại vào nồi canh... để khỏi phải nhắn tin.

Khi ban tổ chức công bố Thị Mầu thua. Ông Lý nổi cáu:

- Nhắn tin để thể hiện tình yêu âm nhạc chứ có phải tuyên truyền phản động đâu mà sợ ghê thế! Cứ thế này ai mà tổ chức thi hát cho mà xem nữa?

Nghe vậy ông Trưởng bạ thưa:

- Cô Mầu thua không hẳn là làng mình nhắn tin bình chọn ít, mà do đối thủ ở làng bên chơi tiểu xảo. Ở làng họ có phong trào “nhắn tin có thưởng”, chả cần thúc giục gì mà dân bên đó cứ nhắn tin rầm rầm, họ không thắng mới lạ!

Hienmq

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN