Phiếm chuyện: Ước mơ của cụ
Tuy hỏi thế thôi nhưng vẫn có đứa run như rẽ, chỉ sợ cụ phát ra mấy câu nguyện vọng thì toi.
Đây là ước mơ của cụ bà (?), nhưng bài này nói về cụ ông.
Lần mừng thọ thứ 99, con cháu ai cũng hỏi, cụ có ước nguyện gì không? Câu hỏi này có vẻ xã giao, thích thể hiện của con cháu, vì ai cũng nghĩ rằng 99 tuổi rồi thì cụ còn cần gì nữa chứ, ăn cũng không được bao nhiêu, chơi thì chả đi được nữa. Tuy hỏi thế thôi nhưng vẫn có đứa run như rẽ, chỉ sợ cụ phát ra mấy câu nguyện vọng thì toi. Nỗi sợ ấy đã trở thành sự thật, con cháu đau hết cả đầu, thậm chí còn cãi nhau, thằng nào rỗi mồm hỏi cụ những câu với vẩn.
- Tao chỉ muốn in tập thơ đánh dấu sự nghiệp sáng tác của mình, gấy phép phải của nhà xuất bản Hội Nhà văn cơ…
Cụ lọ mọ vào tủ lấy ra một tập bản thảo, chữ như gà bới, mấy thằng cháu có hàm tiến sĩ phải đánh vần mãi mới luận được ý thơ của cụ.
Cuộc họp khẩn cấp được triệu tập, công việc cấp bách phải giải quyết ngay. Quan trọng là tiền. Có tiền thì việc gì cũng dễ ợt. Có tiền thì thuê người biên tập thơ cho cụ, thuê người lấy giấy phép, thuê nhà in, đơn giản thôi. Đứa chắt làm kế toán trong ngân hàng mở máy xách tay tính toán, tổng chi mất 15 triệu. Góp thôi nhể! Con cháu nghe thông báo, cứ thế tự nguyện bỏ tiền vào mũ lá, bao giờ đủ 15 triệu thì thôi, nếu thiếu thì tiếp tục đóng góp đợt hai, tinh thần tự nguyện.
Sau 2 vòng quyên góp, số tiền dự kiến đã đủ, thậm chí dư ra 20 ngàn đồng. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để biếu hết được 1.000 cuốn thơ của cụ đây. Bạn bè cụ thì không còn ai, đi trước cụ hết rồi. Phải biếu những người ít nhiều biết thơ mới giá trị, cho người nghét thơ thì nó nhóm bếp liền tay. Mấy bà đồng nát thường mua được cả đống sách mới cứng, toàn thơ được nhà xuất bản chính thống cấp giấy phép. Cuộc họp tạm hoãn, chờ có sách thơ về thì bàn tiếp.
- Cụ ơi có thơ rồi!
Cụ phấn khởi lắm, mắt sáng ngời như vừa nhặt được kim cương. Với cụ thì tập thơ này còn quý hơn kim cương ấy chứ. Cụ mở thơ ra đọc, rồi khóc hu hu: Mẹ kiếp chúng nó sửa hết mẹ nó thơ của mình rồi!
Cụ đấm ngực thình thịch, rằng, mỗi câu thơ được viết ra là tiêu tốn mất ba vạn chín nghìn cái nơ ron thần kinh của tôi cơ mà.
Mấy đứa cháu thì cười nhăn nhở, họ phải sửa lại mới in được chứ, cụ khó tính làm gì. Mấy ông biên tập toàn giáo sư tiến sĩ, cụ học chưa hết lớp 3.
Cụ tôi càng điên tiết, cụ bảo thơ là tâm hồn, là cảm xúc, học lớp 3 mà có tâm hồn thì thơ vẫn hay, còn thằng tiến sĩ mà tâm hồn đục như bát đất thì dạng háng ra mà rặn cũng chả ra câu thơ nào.