Ra tòa vì mê công nghệ

Giới công nghệ “giật mình” vì những thiết bị mà họ sử dụng cũng có thể khiến họ ngồi tù bất cứ lúc nào.

Trong cái xu thế công nghệ đang ngày càng lan tỏa rộng hơn vào cuộc sống con người thì việc học cách sử dụng các thiết bị công nghệ vẫn là chưa đủ. Người dùng cần phải tìm hiểu để biết cách tránh vướng vào những rắc rối pháp luật do công nghệ gây ra.

Bị bắt vì ảnh khỏa thân mình trong điện thoại

Chuyện xảy ra hồi tháng 2.2015 tại TP Fayetteville (bang North Carolina, Mỹ). Cảnh sát đã phát hiện những hình ảnh trẻ em khỏa thân trong smartphone của Cormega Copening và cậu thiếu niên 16 tuổi này đã bị bắt với tội danh tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Chỉ có điều đó là những tấm ảnh khỏa thân của chính cậu bé.

Cảnh sát đã được mẹ của Cormega cho phép tìm kiếm dữ liệu chứa trong chiếc điện thoại cậu bé nhằm tìm kiếm thông tin liên quan đến một vụ án hiếp dâm vị thành niên. Tuy nhiên, sau đó cảnh sát xác nhận Cormega không dính líu gì tới vụ án trên.

Nhưng khi tìm kiếm trên chiếc điện thoại đó, cảnh sát phát hiện những hình ảnh khỏa thân của cậu bé và bạn gái của mình. Theo luật của bang North Carolina, việc gửi và nhận những hình ảnh sex bị coi là phạm pháp khi những người có liên quan dưới 18 tuổi. Vậy là cảnh sát đã truy tố Cormega và bạn gái, cả hai lúc đó 16 tuổi. Cormega bị truy tố cả với tội danh khai thác hình ảnh khiêu dâm của một người vị thành niên (tức bạn gái của cậu) lẫn tội chụp ảnh khỏa thân của chính mình và tàng trữ chúng. Trong số năm tội danh mà Cormega bị cảnh sát truy tố chỉ còn một tội có dính líu tới bạn gái, còn bốn tội kia có liên quan tới hình ảnh khỏa thân của chính mình.

Luật của bang North Carolina gây bất lợi cho hai cô cậu thiếu niên trên. Theo đó, các thiếu niên tuổi 16 và 17 bị coi là người lớn khi phạm tội và chỉ được coi là vị thành niên khi là nạn nhân của một tội ác nào đó. Đài truyền hình WRAL-TV hồi hạ tuần tháng 9-2015 cho biết cậu bé Cormega, bây giờ 17 tuổi, đã chấp nhận thỏa thuận với quan tòa để chỉ chịu hình phạt một năm quản thúc không giam giữ.

Ra tòa vì mê công nghệ - 1

Chụp ảnh tự sướng không đúng chỗ có thể khiến bạn bị phạt nặng. (Ảnh minh họa: Internet)

Vào tù vì ảnh tự sướng

Hồi tháng 6.2015, chàng du khách 21 tuổi David Karnauch từ bang Tennessee tới chơi ở bang New York (Mỹ) đã hứng chí chụp một tấm ảnh tự sướng của mình đứng trên nóc cầu Brooklyn Bridge. Chưa đầy hai tháng sau, anh chàng bị bắt giữ tại TP Chattanooga quê nhà với tội danh phớt lờ điều kiện gây nguy hiểm chết người.

David đã bị giam không được bảo lãnh tại nhà giam hạt Hamilton chờ được dẫn giải tới TP New York chịu xét xử. Có thể nói David không chỉ là nạn nhân tác dụng phụ của trào lưu “phi selfie bất thành sành điệu”, mà còn của cả mạng xã hội nữa. Hành vi bất chấp quy định an toàn khi anh leo lên nóc của cây cầu để chụp ảnh tự sướng không bị cảnh sát bắt quả tang cho tới khi anh post nó lên khoe trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram.

Hồi tháng 12.2014, anh chàng Yonathan Souid đã bị phạt 30 ngày lao động công ích cho tội leo lên cầu Brooklyn Bridge để chụp ảnh. Sau đó, để có thể ngăn chặn những kẻ cả gan như vậy, các nhà làm luật bang New York đã đề nghị nâng mức phạt cho hành vi này lên một năm tù và nộp phạt 1.000 USD. Còn theo luật hiện hành, tội này có mức án cao nhất là 90 ngày tù và mức phạt tiền 500 USD.

Sóng Wi-Fi khiến học sinh bị… bệnh: Kiện

Cha mẹ của một nam sinh 12 tuổi ở Southborough (bang Massachusetts, Mỹ) đã khởi kiện Trường tư Fay School đã để sóng Wi-Fi quá mạnh khiến con họ bị bệnh. Thật ra cậu bé này bị hội chứng siêu nhạy cảm với sóng điện từ (electromagnetic hypersensitivity syndrome - EHS). Hễ tới gần các điểm phát sóng Wi-Fi, tháp ăngten mạng di động hay thậm chí gần các điện thoại di động là cậu bé có thể bị chảy máu mũi, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt… cũng như những vấn đề về tim và tuyến giáp.

Theo báo Telegram & Gazette (hạ tuần tháng 8.2015), nam sinh này đã bắt đầu phát những triệu chứng như vậy hồi năm 2013 sau khi nhà trường cho lắp đặt hệ thống Wi-Fi mới mạnh hơn.

Nhà trường vẫn khẳng định mức sóng Wi-Fi của hệ thống này nằm trong mức an toàn cho phép. Tuy nhiên, vẫn không hài lòng, phụ huynh đã khởi kiện nhà trường và ban giám hiệu về hệ thống Wi-Fi của trường. Họ đòi tòa ra lệnh cho nhà trường hoặc chuyển từ Wi-Fi sang mạng cáp LAN, giảm mức sóng Wi-Fi trong phòng học của cậu bé, hoặc cậu bé sẽ phải chuyển trường khác. Có lẽ cái chính là số tiền 250.000 USD bồi thường thiệt hại mà gia đình cậu học sinh đòi nhà trường phải trả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Hồng Phước ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN